Chính sách “mở” cho BHXH tự nguyện
Bà Trần Thị Thuý Nga |
Bà Trần Thị Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vừa được thông qua năm 2014, chính sách với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã “mở” hơn.
Đây là nhận định của bà Nga tại buổi tọa đàm về những điểm mới của Luật BHXH năm 2014 (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức diễn ra ngày 26-1.
Bà Nga khẳng định, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn ít là một thực tế, chỉ gần 200 nghìn người trong lực lượng lao động gần 60 triệu người. Khoảng 70% trong số này là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian để hưởng chế độ hưu trí nên tự nguyện tham gia.
Một trong những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 là hướng tới khu vực lao động phi chính thức như nông dân, lao động tự do... Luật BHXH năm 2014 đã quy định hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, chỉ còn tương đương chuẩn nghèo của khu vực nông thôn chứ không dựa trên mức lương cơ bản nữa. Tỷ lệ đóng 22% theo chuẩn nghèo tại khu vực nông thôn sẽ tạo cơ hội cho nhiều người có khả năng tham gia hình thức này.
Luật cũng không khống chế tuổi trần, có nghĩa là người lao động cao tuổi vẫn có thể tham gia. Thí dụ ở tuổi 40-45, người lao động vẫn có quyền tham gia, đóng cho tới khi đạt 20 năm tham gia để có thể hưởng lương hưu khi 60 - 65 tuổi. Tuy chậm nhưng người tham gia vẫn có lương hưu lúc tuổi già.
Luật cũng quy định đa dạng các phương thức đóng. Thí dụ, trước đây, người lao động chỉ đóng một tháng hoặc ba tháng. Hiện tại, họ có thể đóng một lần cho nhiều năm, đóng cho thời điểm trong quá khứ và thời điểm trong tương lai. Nghị định của Chính phủ sẽ quy định cụ thể điều này.
Ngoài ra, một giải pháp kỹ thuật nữa là dùng sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, tức là hỗ trợ một phần dựa theo khả năng của ngân sách khi có điều kiện. Người lao động tham gia sẽ được hỗ trợ, còn không tham gia sẽ mất quyền lợi. Đây cũng là một cách tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Song song với đó là mục tiêu bảo đảm sự bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng BHXH của người lao động. Luật quy định lộ trình tiến tới việc tính bình quân tiền lương, tiền công cả quá trình đóng BHXH đối với lao động trong khu vực nhà nước giống như khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời tiến tới điều chỉnh tiền lương, tiền công tháng đã đóng BHXH của lao động trong khu vực nhà nước theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như đối với khu vực ngoài nhà nước.
Luật bổ sung thêm các quyền đối với người lao động như người lao động tự quản lý sổ BHXH. Hằng năm, họ được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về đóng BHXH.
Tăng quyền thanh tra để giảm nợ bảo hiểm xã hội
Cũng theo bà Trần Thị Thuý Nga, Luật mới quy định thêm chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH. Đây có thể coi là một cánh tay nối dài cho thanh tra ngành lao động, thương binh và xã hội trong bối cảnh số lượng thanh tra của lĩnh vực này chỉ có gần 500 người trong toàn quốc như hiện nay. Luật quy định cơ quan BHXH có thêm chức năng thanh tra về việc đóng do tình trạng nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH khá bức xúc trong thời gian gần đây.
Với quy định bổ sung thêm quyền thanh tra đóng BHXH, sẽ có thêm đội ngũ cán bộ thu và kiểm tra của BHXH Việt Nam là 5.500 người để hỗ trợ cho công tác thanh tra và xử lý chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
Trong nghị định quy định về thanh tra, sẽ bổ sung chức năng xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Bởi theo một thống kê chưa đầy đủ, số lượng các vụ việc báo cáo từ cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sang các sở lao động, thương binh và xã hội chỉ chiếm khoảng 9-10% số vụ được xử lý.
Tuy vậy, bà Nga nhấn mạnh, vấn đề tuyên truyền cũng là yếu tố cốt lõi. Bao giờ cũng phải đi từ nhận thức, nếu không có thì chế tài chỉ là giải pháp sau cùng.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, điểm thuận lợi khi triển khai Luật BHXH năm 2014 là hệ thống an sinh xã hội hiện nay của nước ta khá đầy đủ. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là vấn đề mở rộng đối tượng vẫn là thách thức. Điểm bất cập trong triển khai hiện nay là người dân chưa hiểu rõ về chính sách, chưa tin tưởng vào quỹ BHXH. Do đó, cần đẩy mạnh thông tin để cho người dân biết và tin, tiền gửi vào quỹ BHXH là hiệu quả và sau này họ sẽ được thụ hưởng lợi ích khi tham gia quỹ. Các dự thảo văn bản, nghị định sẽ cố gắng triển khai nhanh, sau đó lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp.
* Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Riêng quy định người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới ba tháng và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thực hiện từ ngày 1-1-2018. Dự kiến có khoảng 10 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã