Sự mới mẻ của Nghị định 41 so với các chính sách tín dụng trước đó là cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn mở rộng với 8 lĩnh vực. Trong đó, có bổ sung 3 lĩnh vực mới gồm: cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng và cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ. Doanh số cho vay trong 3 năm (2010-2013) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 54.876 tỷ đồng, với 586.944 lượt khách hàng vay. Đã có 39/41 tổ chức tín dụng (TCTD) tại Lâm Đồng thực hiện tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đánh giá của ông Trần Văn Anh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, trong 3 năm qua, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng trưởng bình quân 23%, cao gấp hai lần tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ cho vay khách hàng (11%). Trong đó, 84,8% dư nợ là của đối tượng khách hàng cá nhân và hộ gia đình; riêng nhóm doanh nghiệp, chủ trang trại và hợp tác xã chỉ chiếm khoảng 15,2%.
Ông Lại Năng Thùy, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Lộc Sơn, đơn vị trực tiếp cho vay khách hàng cho rằng, thực hiện Nghị định 41, có những trường hợp khách hàng có thể vay không cần tài sản đảm bảo lên đến 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Đồng thời, các cá nhân, hộ gia đình khi đăng ký giao dịch đảm bảo để vay vốn không phải nộp lệ phí; cơ chế xử lý rủi ro cho cả người vay vốn và TCTD được quy định cụ thể đã khuyến khích các TCTD đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn mạnh mẽ… Không chỉ đầu tư cho các loại cây trồng - vật nuôi, nguồn vốn ngân hàng còn đầu tư cho các công trình thủy điện, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đầu tư vốn dành cho mục đích tiêu dùng…, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách này, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 41, đại diện hộ sản xuất và các TCTD đều có những kiến nghị cụ thể. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, không chỉ nông dân tại khu vực nông thôn mà số hộ sản xuất nông nghiệp tại đô thị vẫn còn nhiều.
Riêng ở TP.Đà Lạt, chỉ có khu vực phường 1 và phường 2 là không có nông dân, còn tại các phường, xã khác đều có nông hộ sản xuất và có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Vì vậy, quy định như trong Nghị định 41 là khách hàng phải cư trú hoặc có cơ sở, dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn khiến một bộ phận nông dân thành thị không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này.
Từ phía các TCTD, nhiều đại diện cho biết, Nghị định 41 không quy định cơ chế xử lý nợ riêng đối với việc cho vay không có tài sản đảm bảo nên chi nhánh các ngân hàng thương mại thường hạn chế cho vay hình thức này để tránh rủi ro. Đồng thời, các TCTD quy định khách hàng diện này phải đảm bảo nhiều ràng buộc khá chặt chẽ như: phải có quan hệ với TCTD tối thiểu 1 năm; có uy tín và chưa từng phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Tại thời điểm ký kết hợp đồng không có nợ gốc quá hạn hoặc chậm trả lãi với ngân hàng… nên nhiều khách hàng không đủ điều kiện vay.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ngân hàng nâng cao khả năng huy động vốn tại chỗ để tập trung cho vay, chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cho các chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT, cần nghiên cứu quy trình sản xuất các loại cây trồng - vật nuôi chủ lực và quy hoạch ổn định, lâu dài để các TCTD có định hướng cho vay phù hợp…
Hải Yến
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã