Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) đã mang lại cho nông nghiệp, nông thôn sau 3 năm triển khai. Hàng triệu lao động nông thôn, lao động vùng sâu vùng xa đã được dạy nghề và tạo việc làm. Không ít hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ các nghề được học. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Đề án 1956 cũng đã bộc lộ những hạn chế và gây trở ngại không nhỏ cho các địa phương trong quá trình triển khai đề án. Đại diện Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh Điện Biên khá băn khoăn khi bày tỏ: Điện Biên là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, đối với việc dạy nghề nông nghiệp có thể tuyển sinh và tổ chức ngay tại thôn, bản. Nhưng với nghề phi nông nghiệp thì không thể tuyển sinh trên một địa bàn hẹp mà phải tuyển sinh từ nhiều xã và tổ chức đào tạo tại trung tâm huyện hoặc tỉnh. Tuy nhiên, với quy định hỗ trợ tiền ăn chỉ 15.000 đồng/người/ngày như hiện nay đã không khuyến khích được lao động học nghề, nhất là với những lao động học nghề xa nơi cư trú. Đại diện Ban chỉ đạo Đề án 1956 thành phố Cần Thơ đã chỉ ra: Quy định chỉ lao động nông thôn trong độ tuổi lao động mới được đào tạo nghề là bất hợp lý và không phù hợp bởi ở khu vực nông nghiệp, nông thôn có rất nhiều người ngoài độ tuổi lao động vẫn tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, do chưa có quy định cụ thể về mục tiêu có việc làm sau đào tạo đã dẫn tới tình trạng đào tạo ồ ạt, đào tạo không gắn với nhu cầu gây lãng phí. Ngoài ra, qua phản ánh của các địa phương, Đề án 1956 cũng bộc lộ không ít bất cập như: Mức hỗ trợ tiền đi lại còn thấp, điều kiện được hưởng không phù hợp với vùng núi, vùng có điều kiện đi lại khó khăn; Hộ cận nghèo còn nhiều khó khăn nhưng cũng không được hưởng hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại khi tham gia học nghề… Trước phản ánh của các địa phương và những bất cập của Đề án 1956, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ bản Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Điều chỉnh này nhằm hướng đến nội dung của đề ánsát hơn với thực tiễn,đảm bảo hiệu quả và mục tiêu đề ra. Cụ thể, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đối tượng, mục tiêu, mức kinh phí hỗ trợ của Đề án. Mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách đào tạo nghề ngắn hạn với lao động cao tuổi theo quy định của Luật Lao động đang trực tiếp làm nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nâng mức hỗ trợ tối đa cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách, lao động nghèo… tham gia học nghề lên mức 3 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày. Với những lao động khuyết tật, nâng mức hỗ trợ lên tối đa 6 triệu đồng/người/khóa, mức hỗ trợ tiền ăn 25.000 đồng/người/ngày. Dự thảo cũng đã quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trên cơ sở quy mô lao động nông thôn, nhu cầu học nghề… ưu tiên cho các địa phương vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các địa phương có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số.Bổ sung mục tiêu cụ thể về hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho 6 triệu lao động nông thôn, đặt hàng dạy nghề cho trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho khoảng 540.000 lao động thuộc diện nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số…/. Hải Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã