Gạo 5% tấm của Thái Lan giá 400 – 405 USD/tấn, FOB Bangkok, so với mức 420-430 USD/tấn một tuần trước đây.
“Các thị trường nhập khẩu lớn đã mua đủ, và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng dừng mua vì đã hoàn thành việc bốc xếp”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Gạo vụ mùa phụ sẽ có mặt trên thị trường vào tháng tới và có thể những hợp đồng mới ký sẽ có giá thấp hơn nữa, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse cho biết.
Philippines tuần trước đã mở thầu quốc tế để mua 250.000 tấn gạo và sẽ nhận hồ sơ bỏ thầu đến hết ngày 25/7.
“Hợp đồng bán 200.000 tấn gạo đồ 5% tấm cho Bangladesh đã soạn thảo xong”, ông cho biết, và thêm rằng phái đoàn Bangladesh đã tới Thái Lan tuần qua để thương thảo về hợp đồng gạo liên chính phủ.
Bộ Thương mại Thái Lan tuần trước cho biết gạo xuất khẩu cho Bangladesh dự kiến sẽ chuyển giao trong khoảng tháng 9-10.
Họ cũng cho biết sẽ đàm phán với Iraq và Sri Lanka – thị trường dự kiến sẽ mua 200.000 tấn gạo Thái Lan.
Ngày hôm nay 17/7 Thái lan sẽ mở thầu bán 560.000 tấn gạo chất lượng thấp sử dụng trong công nghiệp. Ngày 18/7 sẽ mở thầu tiếp để bán 167.000 tấn gạo chất lượng đủ dùng làm lương thực cho người. Khối lượng này chiếm phần lớn trong tổng số gạo dự trữ còn lại, ước khoảng 800.000 tấn, theo Reuters.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá cũng giảm 8 USD/tấn xuống 411-414 USD/tấn.
“Khách hàng đang hạ giá trả do giá ở các thị trường khác cũng giảm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ cho biết, và thêm rằng nhu cầu từ khách hàng châu Á và châu Phi yếu bởi họ đang chờ giá giảm thêm nữa.
Ấn Độ xuất khẩu chủ yếu là gạo phi-basmati sang các nước châu Phi và gạo basmati chất lượng cao sang Trung Quốc.
“Đồng rupee mạnh lên đã làm giảm lợi nhuận của chúng tôi. Chúng tôi có thể gảm giá thêm nữa”, Reuters dẫn lời một thương gia của công ty ở Mumbai cho biết. Rupee đã tăng giá 5% từ đầu năm tới nay.
Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, có thể phải nhập khẩu tới 1,2 triệu tấn gạo trong năm nay để có đủ lượng dự trữ và kiềm chế giá tăng cao, Badrul Hasan, giám đốc công ty thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho biết.
Tuần qua một phái đoàn của Thái Lan và một của PEC (Ấn Độ) sẽ tới Dhaka để ký kết hợp đồng, ông Hasan cho biết.
“Chúng tôi có thể mua 150.000 – 200.000 tấn gạo của Thái Lan và 200.000 tấn của Ấn Độ theo các hợp đồng liên chính phủ”, ông cho biết, và thêm rằng phần còn lại sẽ được nhập khẩu thông qua các phiên đấu thầu.
Bangladesh muốn mua gạo theo hợp đồng liên chính phủ mặc dù giá đắt hơn vì thủ tục và thời gian sẽ nhanh gọn hơn, không phải mất nhiều thời gian như mở thầu.
Nước này đang nhập khẩu của Việt Nam 200.000 tấn gạo trắng với giá 430 USD/tấn và 50.000 tấn gạo đồ với giá 470 USD/tấn theo hợp đồng liên chính phủ, cao hơn nhiều so với giá đấu thầu.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá vững ở 405 - 410 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, hầu như không thay đổi so với tuần trước.
Các nhà xuất khẩu đang thu mua gạo của nông dân để hoàn tất những hợp đồng đã ký chứ không phải để dự trữ”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 2,9 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hải quan. - Reuters
Những thông tin liên quan
Philippines: Áp giá trần với 250.000 tấn gạo nhập khẩu
Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) ngày 13/7 cho biết sẽ áp giá trần 451,08 USD/tấn đối với khối lượng 250.000 tấn gạo đang tìm mua của các nhà cung cấp quốc tế, và xác định 11 doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam, Thái Lan và Singapore.
Gạo Philippines tìm mua là loại trắng, 25% tấm, kỳ hạn giao tháng 8 – tháng 9, để làm tăng lượng dự trữ trước mùa mưa bão.
Loại gạo này đang giao dịch với giá khoảng 393 – 398 USD/tấn tại Việt Nam và được Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái bán với giá 393 USD/tấn.
“Giá trần này là giá trung bình của các loại gạo, đã tính cả chi phí vận chuyển”, Tomas Escarez, giám đốc phụ trách mảng đấu thầu của NFA cho biết.
Trong danh sách những doanh nghiệp tiềm năng của NFA, đứng đầu là Olam International Ltd và Louis Dreyfus Corp (Singapore) và Vinafood I và Vinafood II của Việt Nam.
Những công ty Asia Golden Rice Co Ltd, Ponglarp Co Ltd, Thai Hua Co Ltd, Capital Cereals Co Ltd và Thai Granlux International Inc của Thái Lan và Gentraco và Gia International Corp của của Việt Nam cũng quan tâm tới việc bỏ thầu.
Thời hạn bỏ thầu trước ngày 25/7, mỗi doanh nghiệp sẽ bỏ thầu cho tối đa 50.000 tấn.
Dự trữ gạo quốc gia của Philippines đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 3 năm, chỉ đủ dùng cho 5 này, trong khi mức quy định cho giai đoạn giáp hạt (tháng 7 – tháng 9) là 30 ngày.
Ông Escarez cho biết NFA sẽ cấp phép cho các công ty tư nhân nhập khẩu 805.000 tấn gạo theo hạn ngạch hàng năm – sẽ nhận hàng vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm tới. - Reuters
Campuchia: Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng gấp đôi trong 6 tháng
Campuchia đã xuất khẩu 94.720 tấn gạo quy xay sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Chính phủ Campuchia.
Trung Quốc đứng đầu trong danh sách mua gạo của Campuchia, tiếp đến là Pháp, Balan, Anh và Hà Lan, theo thông tin từ người phụ trách Dịch vụ Xuất khẩu gạo Một cửa cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Campuchia đã xuất khẩu 288.262 tấn gạo quy xay sang 56 quốc gia và khu vực trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quốc gia Đông Nam Á này đã sản xuất trên 9 triệu tấn lúa mỗi năm, như vậy hàng năm sẽ có dư trên 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu, thông tin từ Bộ Nông nghiệp cho biết. - Xinhua
Myanmar: xuất khẩu 700.000 tấn gạo trong quý II/2017
Các phương tiện truyền thông Myanmar cho biết, các doanh nghiệp của nước này đã xuất khẩu hơn 22.000 tấn gạo trắng và gạo đồ chủ yếu sang châu Âu, châu Á và châu Phi.
Trong tháng Sáu vừa qua Myanmar đã thu về 6,5 triệu USD từ việc xuất khẩu gạo sang các nước này bằng đường biển. Myanmar đã xuất khẩu nhiều loại gạo như gạo Emata, gạo Ngasein, gạo nếp, gạo đồ và gạo tấm sang nhiều nước, trong đó có các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi và Trung Quốc.
 
Nước Đông Nam Á này đã xuất khẩu tổng cộng 700.000 tấn gạo trong quý II năm nay tương ứng từ tháng Tư đến tháng Sáu của tài khóa 2017-2018 (bắt đầu từ 1/4/2017-31/3/2018).
Trong tài khóa vừa qua (2016-2017), Myanmar đã xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo sang các nước châu Á, EU và châu Phi, trong đó 50% chủ yếu xuất sang Trung Quốc.- TTXVN
Ai cập tiếp tục cấm xuất khẩu gạo
Ai Cập sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong mùa thu hoạch tới, thông tin từ Bộ Cung ứng nước này cho biết.
Ai Cập đã cấm xuất khẩu gạo suốt từ năm 2008 nhằm hạn chế sử dụng nước. “Chính phủ rất quan tâm tới việc bảo đảm các nhu cầu cho người tiêu dùng và xây dựng kho dự trữ lương thực chiến lược”, thông tin từ Bộ trên cho biết.
Nước này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn lúa trong niên vụ này, tăng so với 5,1 triệu tấn của niên vụ trước, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Phát ngôn viên của Bộ Cung ứng cho biết năng suất lúa ở Ai Cập vào khoảng 4 triệu tấn (quy gạo trắng), và tiêu thụ cả nước dự kiến đạt 3,3 triệu tấn, tức là có dư 700.000 tấn để đưa vào kho dự trữ. Ông này cho hay Ai Cập không có kế hoạch nhập khẩu thêm gạo từ nước ngoài.- Reuters
Malaysia: Giá gạo nhập khẩu có thể tăng lên
Bộ Nông nghiệp Malaysia cho biết giá gạo nhập khẩu có thể sẽ tăng thêm nữa do giá tăng trên thị trường thế giới và đồng ringgit trượt giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Datuk Seri Ahmad Shabery Cheek cho biết thêm: “Đó chỉ là suy đoán. Mặc dù không kiểm soát giá trần gạo nhập khẩu nhưng quy định là gạo nhập khẩu không được bán rẻ hơn so với gạo trong nước để bảo vệ ngành lúa gạo nội địa”.
Theo ông, “1 trấn gạo nhập khẩu trước đây có giá 340 USD – 350 USD/tấn nhưng nay có dấu hiệu tăng lên 400 USD/tấn”. – Bernama
theo bao vinanet.vn