Học tập đạo đức HCM

Tái cấu trúc nông nghiệp - Cần một đột phá chiến lược

Thứ năm - 25/07/2013 00:07
Theo con số của Tổng cục Thống kê, lạm phát 6 tháng đầu năm 2013 nhìn chung không có biến động lớn. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 gần như ổn định so với tháng trước, chỉ tăng 0,05%. Nếu tính từ tháng 6-2012 thì trong vòng 1 năm, CPI tăng 6,69%. Tuy nhiên, có một nghịch lý, trong khi các mặt hàng đều có xu hướng tăng thì các mặt hàng lương thực, thực phẩm lại giảm.

 

Trong đó, các mặt hàng thực phẩm tăng khiêm tốn còn giá lương thực lại giảm tới 3,23%. Điều đó có nghĩa trong điều kiện kinh tế khó khăn, người dân đang phải thắt lưng buộc bụng cả với nhu cầu thiết yếu. Tình hình trên đang diễn ra và có vẻ như chưa có khả năng dừng lại.

Những con số thống kê chi tiết cho thấy rõ hơn tình hình bất ổn và nghịch lý của đời sống nông dân và nông thôn. Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI 6 tháng đầu năm 2013 so với đầu năm 2012 giảm đến mức đáng báo động. Giá bán sản phẩm cây trồng ngắn ngày giảm 1,46%. Cây ăn trái lâu năm giảm 2,46%, chăn nuôi giảm 9,09%, thủy sản giảm 0,39%.

Ngược lại với giá sản phẩm nông nghiệp, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… lại tăng chóng mặt. Đầu ra giảm, đầu vào tăng khiến túi tiền thu nhập của nông dân ngày càng teo lại. Thành quả lao động cực nhọc của nông dân không được bù đắp xứng đáng.

Trong khi đó hàng tiêu dùng công nghiệp và giá dịch vụ khu vực nông thôn tăng bất thường và mạnh hơn so với khu vực thành thị. Chỉ tính từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013, giá thuốc và dịch vụ y tế ở nông thôn tăng 72,41% (trong đó dịch vụ y tế tăng 103,44%), chi phí giáo dục tăng 12,99% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 14,5%). Tình hình trên đang đẩy người nông dân vào tình cảnh hết sức khó khăn, và nếu không có những giải pháp vĩ mô hiệu quả sẽ khó gượng dậy nổi.

Phá thế độc canh cây lúa cũng là một trong những giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: HUỲNH LỢI

6 tháng cuối năm 2013 tình hình sẽ tiếp tục khó khăn. Chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã kiềm chế mức tăng CPI nhưng cũng kiềm chế sức mua của thị trường. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tiếp tục phá sản. Lạm phát vẫn có nguy cơ rình rập khi nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết. Giá nông sản và lúa gạo giúp cho CPI khả quan hơn và lạm phát giảm đi. Chính phủ có điều kiện hơn để điều chỉnh chính sách tiền tệ. Sự hy sinh của nông nghiệp đã bù đắp cho khó khăn của nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Nhưng gánh nặng kinh tế sụt giảm lại đổ lên vai nông dân và nông thôn.

Nhìn vào lĩnh vực nào trong nông nghiệp cũng thấy vấn đề bất ổn. Thu nhập thấp khiến người trồng lúa không hào hứng trên mảnh ruộng của mình. Hiện tượng người chăn nuôi bỏ chuồng, bỏ trại khá phổ biến. Theo thống kê so với cùng kỳ năm 2012, hiện đàn trâu bò, heo, gia cầm đều giảm do hiệu quả chăn nuôi thấp. Sản lượng thủy sản giảm 0,4% so với cùng kỳ chủ yếu do giá xuất khẩu giảm, đặc biệt do cơn sốt khủng hoảng cá tra.

Theo con số của Bộ Công thương, sản lượng cá tra chỉ đạt 560.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Cũng theo Bộ Công thương, giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2012.

Giữ giá lương thực thấp dẫn đến giá lao động rẻ, có thể nói không ngoa rằng nông nghiệp và nông dân đã hy sinh để nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài nói riêng phát triển. Thế nhưng sự hy sinh này chưa được bù đắp. Chúng ta chưa có những quyết sách phù hợp cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Việt Nam là nước xuất siêu nhiều nông sản, đặc biệt là gạo nhưng đại đa số nông dân vẫn nghèo. Tại sao vậy? Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, đơn giản vì chúng ta cứ khư khư ôm mãi cái hào quang về nước xuất gạo hàng đầu thế giới, không chịu thay đổi cơ cấu cây trồng.

Có một thực tế là, từ nhiều năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu không ngừng tăng nhưng giá trị không tăng tương ứng, người trồng lúa không thể giàu lên được. Một con số được các chuyên gia đưa ra không thể không quan tâm: nếu tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi năm mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng), nghĩa là dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng).

Một con số khác: mỗi năm ta có 4 triệu ha trồng lúa, xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD (năm 2012 đạt 3,5 tỷ USD), thặng dư chỉ khoảng 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi năm ngành chăn nuôi phải nhập khẩu khoảng 4 tỷ USD lúa mì, đậu nành, khô dầu đậu nành, bắp… để chế biến thức ăn gia súc.

Một so sánh của các chuyên gia cũng đáng lưu ý: trồng lúa hai vụ có thể thu về 60 triệu đồng/ha/năm, trồng cà phê cao su có thể thu 100 triệu đồng/ha, trồng hoa có thể thu 250 triệu đồng/ha. Còn trồng đậu nành, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận có thể thu 16 triệu đồng/ha, cao hơn lợi nhuận trồng lúa khoảng 6 triệu đồng. Hiệu quả về kinh tế hơn thua đã thấy rõ.

Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp là một vấn đề đang được đặt ra đối với nông nghiệp Việt Nam. Trong điều kiện ngành chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài thì việc thay đổi cơ cấu cây trồng được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành. Vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo đến nay không còn là lợi thế của nền nông nghiệp. An ninh lương thực rất quan trọng nhưng bên cạnh lúa gạo, phải phát triển nông nghiệp bằng các loại cây trồng khác, phá thế độc canh của cây lúa.

Trước mắt, có thể sử dụng một phần lúa gạo để thay thế bắp, đậu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hạn chế ngoại tệ nhập khẩu các loại sản phẩm này. Xa hơn, mở rộng diện tích trồng các loại cây như bắp, mì, đậu nành. Thay vì giữ 4 triệu ha trồng 3 vụ lúa, có thể luân canh trồng các loại cây thay thế khác.

Trước đó, đề án phát triển quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ NN-PTNT đã được Chính phủ phê duyệt cũng nhắm đến mục tiêu tăng nhanh diện tích trồng đậu nành luân canh, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, có thể mạnh dạn quy hoạch 1 hoặc 2 triệu ha đất trồng lúa chuyển sang trồng bắp, lúa mì, đậu nành, các loại cây dược liệu hoặc cây công nghiệp khác.

Bài học phát triển nông nghiệp Philippines là bài học rất đáng suy gẫm. Philippines có 40% nông dân, nông sản chính không phải lúa mà là bắp, chuối, dừa, mía, xoài… nhưng giá trị xuất khẩu rất cao, đời sống nông dân khá giả cho dù vẫn phải nhập gạo. Bên cạnh thay đổi cơ cấu cây trồng, tái cấu trúc nền nông nghiệp còn đòi hỏi quyết liệt tổ chức lại các hoạt động phục vụ nông nghiệp như sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn gia súc, cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất con giống, khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, khuyến nông.

Dĩ nhiên, đi liền với các hoạt động này cần một chiến lược trong quy hoạch vĩ mô, trong đó thay đổi triệt để tư duy đầu tư cho nông nghiệp. Nông nghiệp đóng góp 24% cho xuất khẩu, 20% GDP, nơi tạo việc làm cho 50% lao động cả nước nhưng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp chưa tới 10%, chi tiêu công trong nông nghiệp chỉ chiếm 1% trong tổng chi tiêu công. Nông nghiệp, nông dân đang chịu sự hy sinh rất lớn nhưng lại được đối xử chưa công bằng. Tăng đầu tư cho nông nghiệp một cách thích đáng chính là hành động cần thiết để giải quyết tình trạng đầu tư nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Nông nghiệp hiện vẫn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Tái cấu trúc nông nghiệp là con đường tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp mạnh, hiện đại, trở thành chỗ dựa cho nền kinh tế phát triển bền vững. Tái cơ cấu nông nghiệp cũng là dịp để nhìn nhận đúng vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trả cho nông dân và nông thôn những gì họ đã cống hiến cho xã hội.

Nhưng để tái cơ cấu nông nghiệp thành công, cần có những chính sách vĩ mô đầu tư đúng mức cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, để người nông dân một nắng hai sương có thể làm giàu trên mảnh đất của mình, từ đó làm giàu cho xã hội. Câu “phi nông bất ổn” của Lê Quý Đôn và “nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” vẫn còn nóng hổi ý nghĩa thời sự trong điều kiện của chúng ta hôm nay.

DƯƠNG TRỌNG DẬT
Theo sggp.org.vn

 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay15,188
  • Tháng hiện tại187,795
  • Tổng lượt truy cập92,565,459
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây