Ở Tây Nguyên, mùa mưa là thời điểm thích hợp nhất cho việc trồng cây lâm - công nghiệp. Khác với mọi năm, năm nay nông dân không chỉ tìm mua hồ tiêu giống mà còn đổ xô mua giống bời lời đỏ. Được biết, bời lời là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau, lại không tốn công chăm sóc như càphê, hồ tiêu, cao su nên được nhiều địa phương như Gia Lai, Kon Tum… chọn là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều công dụng như lá dùng làm bột nhang, vỏ ép thành keo, thân bán gỗ…, bời lời trồng 5-7 năm là cho thu hoạch lần đầu và sau khoảng 20 năm (sau 3 lần tái sinh) mới phải trồng lại… Hiện, giá bời lời trên thị trường ổn định ở mức 20.000 đồng/kg vỏ khô, 1.800 đồng/kg lá khô, 500.000 đồng/m3 thân gỗ. Với 1ha bời lời, sau trồng 5-7 năm bà con có thu nhập 150 triệu đồng. Chính vì thế, bời lời được ví là cây giúp nông dân vươn lên thoát nghèo. Hiệu quả kinh tế hấp dẫn như vậy nên chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Tây Nguyên đua nhau bỏ càphê, hồ tiêu… để chuyển sang trồng bời lời, khiến bời lời giống “cháy hàng”, giá tăng vùn vụt. Theo khảo sát của chúng tôi, giá bời lời giống tại Gia Lai đang dao động từ 700 - 1.500 đồng/cây. Chủ một cơ sở ươm giống cây ở phường Yên Thế (TP.Pleiku) cho biết: “Hơn 1 vạn cây bời lời giống của chúng tôi đã bán hết veo từ giữa tháng 8 với giá 700 - 1.200 đồng/cây. Một số vườn ươm khác trên địa bàn cũng đã bán hết cây bời lời giống từ đầu tháng 9”. Chỉ tính riêng tại các huyện Chư Pảh, Đắk Đoa, Ia Grai (Gia Lai), hiện đã có hơn 3.000ha bời lời đỏ đang cho thu hoạch, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng bời lời. Tại Kon Tum, bà con người Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng… ở các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Glei cũng rất phấn khởi vì được tiểu thương đến tận vườn thu mua cây bời lời thương phẩm với giá cao. Chính vì thế, nhiều hộ tiếp tục chạy đôn chạy đáo tìm mua cây giống về trồng mới. Ông Trần Văn Thiệu, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh Gia Lai cho biết: “Những năm trước, giá bời lời giống chỉ ở mức 500 - 1.000 đồng/cây, nhưng nay lên tới 1.500 đồng/cây mà các chủ vựa không có để bán. Sở dĩ có tình trạng “sốt” cây giống là vì tỉnh chưa có trung tâm cung cấp giống mà chủ yếu do người dân tự nhân giống với quy mô hộ gia đình, trong khi cầu lớn hơn cung. Để hạn chế tình trạng “sốt” cây giống, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển giống cây lâm nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do gặp khó khăn về vốn”. Kim Anh
| ||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và CĐS” của VPĐP thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh
Kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững
Tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua ĐMST và CĐS” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh