Học tập đạo đức HCM

Thầm lặng canh rừng

Thứ bảy - 22/09/2012 09:55
Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP HCM) là một trong những khu rừng được bảo vệ tốt nhất ở nước ta. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của những hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. So với trước đây, đời sống của những hộ giữ rừng Cần Giờ đang được cải thiện khá nhiều khi họ đã có nhà cửa đàng hoàng, có điện...
 


Kiểm lâm Cần Giờ thông tin về chủ trương, chính sách bảo vệ rừng cho các hộ giữ rừng

Cha và con và... rừng

Tôi đi thăm rừng Cần Giờ đã nhiều lần, nhưng trước đây chỉ đi trên đường bộ. Đây là lần đầu tiên, tôi đi sâu vào trong rừng bằng ghe máy. Đi trên đường bộ, đã thấy rừng Cần Giờ rất đẹp. Nhưng phải tới khi đi trên các con sông nhỏ len lỏi vào sâu trong rừng Cần Giờ, mới thấy được hết cái xanh, cái đẹp, cái mênh mông của rừng ngập mặn này.

Trong cái màu xanh thẫm miên man ấy của rừng ngập mặn, thỉnh thoảng lại thấy sáng lên màu xanh nhạt của một ngôi nhà nhỏ, chừng như mới được xây chưa lâu. Những ngôi nhà này có thiết kế rất giống nhau: nhà xây theo kiểu nhà sàn, nền nhà cách mặt đất đến hơn 1m, trên lợp mái tôn màu trắng … “Nhà của mấy hộ nhận khoán giữ rừng đấy, vừa là nhà vừa là chốt canh rừng”, đó là lời của anh bạn đồng hành - Phạm Hữu Huỳnh, nhân viên tổ kiểm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm lâm Cần Giờ.

Anh Huỳnh làm kiểm lâm ở Cần Giờ đã 19 năm nay, tuần nào cũng vài bận đi tuần rừng trên sông rạch, nên thuộc luồng lạch các con sông, các khu rừng và từng hộ giữ rừng ở đây như trong lòng bàn tay. Huỳnh bảo: “Người giữ rừng Cần Giờ bây giờ hết khổ rồi, không phải ở trong nhà lá tạm bợ như trước nữa mà đã được Nhà nước xây nhà gạch vững chắc, được cấp pin năng lượng mặt trời để lấy điện sinh hoạt, được cấp tẹc trữ nước mưa”.

Qua vài khúc cua trên sông Lò Vôi, anh Huỳnh cho ghe ghé vào một ngôi nhà đồng thời là chốt canh rừng. Đó là chốt số 3 thuộc tiểu khu 21, phân khu 6. Do nước đang xuống mạnh, ghe không thể cặp sát vào bờ sông mà phải cặp vào bên cạnh một chiếc ghe khác đã đậu sát bờ từ trước.

Chúng tôi phải trèo qua chiếc ghe ấy rồi đi qua một cái “cầu tàu” mà mặt cầu giống như một cái thang dây được gá lên 4 cây tre làm 2 đầu cầu, để đặt chân lên bờ sông. Độ an toàn của “cầu tàu” này xem ra còn kém xa mấy cây cầu khỉ ở đồng bằng Tây Nam Bộ, vì cầu khỉ còn còn có tay vịn, còn “cầu tàu” này thì không.

Trái ngược với sự mong manh của cái “cầu tàu”, ngôi nhà đồng thời là chốt canh rừng số 3 ấy lại khá vững chãi và còn rất mới. Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ nhà, ra tận bờ sông đón chúng tôi. Nhà mới, nhưng đồ đạc, vật dụng trong nhà như ti vi, quạt điện…, đều khá cũ.

Anh Dũng bộc bạch: “Mười mấy năm cả gia đình sống tạm bợ trong mái lá để bám rừng, giữ rừng, giờ có được cái nhà gạch cao ráo, vững vàng mà mát mẻ như thế này để ở và canh rừng, là tốt lắm rồi. Nhà nước cũng vừa cấp cho tôi bộ pin mặt trời để lấy điện. Mấy ngày nữa cán bộ kỹ thuật sẽ vào để lắp pin. Cuộc sống vậy là ổn rồi. Đồ đạc cũ thì từ từ sắm mới”.

Gia đình anh Dũng vốn ở ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Cả gia đình gồm mấy thế hệ đã gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1996, cha của anh Dũng bắt đầu nhận khoán bảo vệ rừng. 10 năm trước, cha anh qua đời, anh thế vào chỗ ấy. Hiện tại, gia đình anh đang được giao khoán bảo vệ trên 50ha rừng, công khoán là 700.000 đ/ha/năm. Tính ra mỗi tháng tiền công bảo vệ rừng mà anh nhận về tròm trèm 3 triệu đồng.

Tôi hỏi: “Tiền công như vậy có đủ sống không?”. Anh Dũng lại cười: “Nói đủ thì bao nhiêu cho đủ? Nhưng có khoản tiền đó thì không phải lo đói rồi. Ngoài thời gian đi coi rừng, vợ chồng, con cái đều tranh thủ làm kinh tế phụ như bắt tôm, cá trên sông. Khéo tính thì đời sống cũng ổn. Nhờ đó, mình cũng yên tâm bám trụ ở đây để canh rừng”.

Gia đình anh Dũng vẫn giữ ngôi nhà ở An Nghĩa. Thằng út đang tuổi học hành, được anh chị cho về đó ở để tiện việc đi học. Còn 2 vợ chồng và những đứa con lớn, đều kéo nhau vào ở trong chốt canh rừng số 3. Vợ anh và các con còn chạy đi chạy lại, khi thì về An Nghĩa thăm thằng út, lúc lên Bình Khánh mua gạo, thực phẩm, hay đi đánh bắt cá trên các con sông nhỏ gần đó. Riêng anh Dũng hầu như toàn bộ thời gian trong ngày đều “trực chiến” ở rừng nhận khoán.

Rời nhà anh Dũng, chúng tôi xuống ghe đi tới một khúc sông khác, ghé vô nhà ông Phạm Văn Nhàn ở chốt số 10 (tiểu khu 18, phân khu 6). Nhà ở kiêm chốt canh rừng của ông Nhàn cũng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố từ trước Tết Nhâm Thìn. Cách không xa là cái mái lá cũ nát mà vợ chồng ông đã ở để giữ rừng suốt hơn 20 năm qua. Nhà mới đã được lắp pin năng lượng mặt trời. Ông Nhàn bảo mùa nắng, điện mặt trời dư xài cho sinh hoạt trong nhà, nên có thể xạc bình để chạy ghe máy. Mùa mưa, nắng ít hơn, cũng đủ điện để thắp sáng trong nhà.


Ông Phạm Văn Nhàn và ngôi nhà – chốt canh rừng của ông

Nhà ông Nhàn được khoán giữ 63ha rừng, công khoán 750.000đ/ha/năm. Mỗi tháng tiền công khoán xấp xỉ 4 triệu đồng. Vợ chồng ông Nhàn cũng tranh thủ làm thêm bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông, nhờ đó, không chỉ đủ cho sinh hoạt của cả gia đình mà còn nuôi 2 đứa con ăn học đàng hoàng. Con gái lớn hiện đang học nghề y tá, con trai nhỏ đang học lớp 11 trên An Phú Đông. Bà vợ thì đi đi về về giữa 2 nơi. Chỉ có mình ông ngày nào cũng gắn chặt với khu rừng nhận khoán, mà nhìn khắp xung quanh, chỉ thấy cây xanh, nước bạc.

Thường ngày chỉ có cây rừng làm bầu bạn, nhưng ông Nhàn bảo gần 30 năm gắn bó với rừng ngặp mặn, rừng đã trở thành chốn thân thiết, nhờ canh rừng mà nuôi được cả nhà, nên một mình ở đây cũng chẳng thấy buồn gì cả.

Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở kiêm chốt canh rừng kiên cố, lại lắp đặt pin năng lượng mặt trời…, gia đình ông Nhàn, anh Dũng cũng như nhiều hộ canh rừng khác ở Cần Giờ, đều đã thực sự an tâm, muốn gắn bó với rừng ngập mặn Cần Giờ thật lâu dài.

Mỗi hộ là một chốt canh rừng

Ông Võ Hoàng Chương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cần Giờ, khẳng định, để bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ vốn nằm trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, biết bao nhiêu kiểm lâm cho đủ. Vì thế, việc bố trí các hộ dân nhận giữ rừng sinh sống ngay ở trong rừng với những điều kiện vật chất ngày càng được cải thiện đáng kể, đã biến từng hộ như thế thành một chốt canh rừng rất hiệu quả.

Cứ 5-6 chốt lại liên kết với nhau thành 1 tổ tự quản, cùng tuần tra bảo vệ trên toàn bộ khu vực rừng của các thành viên. Khi có “động”, các chốt lại liên lạc, cảnh báo ngay cho nhau bằng điện thoại, đồng thời báo ngay cho kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm cơ động, phân khu... Nhờ đó, từ nhiều năm nay, ở nhiều phân khu, hầu như không xảy ra mất mát gì, dù chỉ là một cây đước, cây mấm...

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, hàng loạt nông trường ở Cần Giờ do các quận nội thành lập ra và quản lý, đã lần lượt bị giải thể. Trước đó, những nông trường này đã từng tham gia vào việc trồng lại và bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ. Vì thế, khi những nông trường đó không còn tồn tại, đã để lại một khoảng trống trong công tác bảo vệ rừng ở nhiều tiểu khu.

Trước tình thế đó, Giám đốc Lâm trường Duyên Hải khi ấy là ông Nguyễn Đình Cương (nay là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP HCM) đã mạnh dạn đề nghị TP HCM thí điểm giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân sở tại. TP đã đồng ý và 10 hộ đầu tiên đã được giao khoán bảo vệ rừng ở các tiểu khu 4b và 6b.

Đến nay, số hộ nhận khoán giữ rừng đã trên 170 hộ, với tổng diện tích giao khoán khoảng 14.000ha. Hộ được giao khoán nhiều nhất là hộ Nguyễn Thị Kim Hoàng, được giao bảo vệ trên 200 ha rừng ở tiểu khu 4b. Hộ ít nhất được giao khoán 40ha.

Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ cho hay tiền khoán giữ rừng đang ở mức bình quân 725.000đ/ha/năm. BQL Rừng phòng hộ Cần Giờ đang đề nghị TP nâng mức tiền khoán lên 1,1 triệu đ/ha/năm. Nếu mức khoán mới được thông qua, những hộ giữ rừng Cần Giờ sẽ càng thêm yên tâm với việc giữ rừng vì khi ấy, với những hộ đang nhận giữ 40-50ha rừng, mỗi năm cũng đã có tiền công giữ rừng trên dưới 50 triệu đồng. Còn với những hộ đang giữ trên dưới 200ha rừng, tiền giữ rừng hàng năm lên tới trên dưới 200 triệu đồng.

Thanh Sơn
Nguồn:nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập219
  • Hôm nay65,190
  • Tháng hiện tại861,888
  • Tổng lượt truy cập90,925,281
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây