Chăn nuôi gia cầm là một nghề có từ lâu đời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân; có ưu điểm quay vòng nhanh, tiêu tốn thức ăn SX ra một đơn vị sản phẩm thấp; sản phẩm dễ tiêu thụ, cung cấp thoả mãn nhu cầu xã hội và đóng góp đáng kể vào việc phát triển nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện chăn nuôi tự phát, quy mô nhỏ lẻ là chủ yếu, nhận thức về KHKT và kinh tế còn hạn chế, nhất là thị trường; chăn nuôi chưa có kế hoạch, theo phong trào, khi giá sản phẩm tăng thì ồ ạt phát triển, làm cung cao hơn cầu, nên giá giảm, có thời điểm giảm rất mạnh, nên người chăn nuôi bị lỗ, lúc đó mọi người lại đua nhau giảm quy mô; thậm chí bỏ trống chuồng, dẫn đến quy mô đàn gia cầm giảm sút mạnh.
Cung thấp hơn cầu, giá sản phẩm lại tăng, cho nên chăn nuôi của nước ta theo một quy luật hình sin lúc tăng cao lúc xuống thấp, vì chưa liên kết với nhau thành một chuỗi (từ SX, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ), mạnh ai người đó làm, thị trường do thương lái điều tiết, người chăn nuôi và người tiêu dùng đều bị thiệt thòi.
Giá thành sản phẩm chăn nuôi SX cao, là do giá thức ăn luôn ở mức cao, vì phải nhập trên 60% nguyên liệu, giá điện tăng nên các chi phí đầu vào đều tăng. Dịch bệnh xảy ra thường xuyên, đặc biệt là dịch cúm gia cầm tái phát nhiều lần, do công tác phòng chống dịch chưa tốt, nhiều lúc, nhiều nơi còn chủ quan, lơ là.
Chưa thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh hoc, mầm bệnh tiềm ẩn, có thời cơ là gây bệnh, khi dịch cúm xảy ra người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm gia cầm, kể cả sản phẩm có nguồn gốc và được cơ quan thú y kiểm soát cho phép tiêu thụ, nên giá bị giảm mạnh làm người chăn nuôi thua lỗ, nhiều cơ sở đứng trên bờ vực thẳm.
Sản phẩm SX ra nhiều thời điểm cung cao hơn cầu, nếu theo số liệu thống kê tại thời điểm hiện nay (quay vòng 1 lần) thì sản phẩm SX ra thực tế cao gấp 3 lần (quay vòng 3 lần/năm), đồng thời sản phẩm không có nguồn gốc, kém chất lượng (gà đẻ loại thải) và mang mầm bệnh, không được kiểm soát của ngành thú y, nhập lậu qua biên giới, gây tổn hại cho người tiêu dùng và làm rối loạn thị trường.
Mặc dù Chính phủ rất quan tâm và đã có nhiều văn bản yêu cầu các tỉnh thành thực hiện tốt việc ngăn chặn những sản phẩm nhập lậu qua biên giới, nhưng chỉ được một thời gian. Do cung cao hơn cầu, giá thành sản phẩm SX cao, nhưng sức tiêu thụ thấp, nên sản phẩm luôn bị ứ đọng, tụt giá vì vậy người chăn nuôi đã thua lỗ lại càng thua lỗ, đã khốn khó lại càng khốn khó.
Để giảm lỗ cho người chăn nuôi gia cầm, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN xin khuyến cáo: - Chăn nuôi theo hướng tập trung, có kế hoạch và chủ động thị trường tiêu thụ, thị trường có nhu cầu sản phẩm nào thì tổ chức SX sản phẩm đó, thị trường cần nhiều thì SX nhiều, thị trường cần ít SX ít nhằm cân đối cung và cầu, tránh được rớt giá. - Thực hiện nghiêm túc các văn bản về chủ trương, chính sách và các biện pháp phòng chống dịch, phát triển chăn nuôi bền vững của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp: Không được chủ quan lơ là công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Liên kết với nhau thành một chuỗi, khép kín từ SX, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, sẽ loại bỏ được thương lái, với các hình thức tổ chức: HTX, Hội, Hiệp hội hoặc Câu lạc bộ… Những sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, được cơ quan thú y cho phép tiêu thụ, nấu chín mới ăn, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhằm giảm bớt khó khăn của những ngành chăn nuôi gia cầm hiện nay, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN xin kiến nghị với Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các Bộ các ngành có liên quan: - Cần có dự báo nhu cầu của thị trường và dự báo kế hoạch SX, trên cơ sở đó có định hướng phát triển về số lượng cũng như các loại gia cầm cho từng địa phương, từng vùng, từng miền và điều tiết thị trường, đây là một nội dung rất quan trọng, dần dần sẽ loại bỏ được tập quán chăn nuôi tự phát. - Số liệu sản phẩm chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng sản xuất ra trong năm hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế, vì theo số liệu thống kê tại thời điểm, sản phẩm gia cầm mới phản ánh được 35%; thiếu 65%, lợn 45 - 50%; thiếu 50 - 55%, chỉ tiêu này cực kỳ quan trọng đối với ngành chăn nuôi, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm làm việc với Tổng cục Thống kê, để thống nhất phương pháp thống kê đúng và đủ số lượng sản phẩm chăn nuôi SX ra trong năm. - Tăng cường thông tin tuyên truyền để giúp cho mọi người chủ động phòng chống dịch cúm, đồng thời giúp cho người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm gia cầm có nguồn gốc được kiểm soát của cơ quan thú y, sử dụng, đảm bảo ATVSTP. - Tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi, sản phẩm không phân biệt chủng loại được cơ quan thú y xác nhận “Đảm bảo an toàn thực phẩm” được phép tiêu thụ rộng rãi trên thị trường và điều tiết từ nơi cung cao hơn cầu đến nơi cung thấp hơn cầu. - Tạo điều kiện cho các cơ sở bị dịch và những cơ sở giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng, đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện chăn nuôi “an toàn sinh học” mới được phép tái đàn, trong đó ưu tiên các cơ sở có quy mô chăn nuôi tập trung đã giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng ở những vùng có mật độ dân số và gia súc gia cầm thấp; đồng thời dãn nợ hoặc khoanh nợ và có chế độ cho vay ưu đãi với những cơ sở này, nhằm khắc phục cung thấp hơn cầu do dịch bệnh xảy ra. - Hoàn thiện hệ thống tổ chức thú y từ trung ương đến địa phương, quan tâm chế độ phụ cấp thú y cấp xã (phường), thôn (bản). Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm soát của ngành thú y về công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm, có chế tài thưởng phạt nghiêm minh, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. - Tổng hợp những kinh nghiệm phòng chống dịch cúm của các nước láng giềng. Trên cơ sở đó chọn lọc và vận dụng sáng tạo, phù hợp và có hiệu quả vào nước ta. Tổ chức SX thức ăn chăn nuôi tập trung, đặc biệt là ngô, giảm nhập thức ăn, giá thành thức ăn sẽ giảm. - Xây dựng và đầu tư cho các cơ sở nuôi giữ, chọn lọc và nhân giống gia cầm nội địa để làm nguyên liệu lai giữa các giống gia cầm nội và lai với các giống gia cầm ngoại nhập, tạo con thương phẩm có năng suất chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. - Cho phép Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN được tham gia công tác đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ hành nghề về chăn nuôi gia cầm và tham gia thực hiện các dự án liên quan đến ngành chăn nuôi gia cầm có nội dung phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch cúm gia cầm nói riêng và những dự án phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã