Buổi làm việc tập trung vào những vấn đề khó khăn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay; qua đó, đoàn công tác lắng nghe ý kiến của địa phương để báo cáo Bộ Chính trị và có hướng khắc phục trong thời gian tới.
ĐẤT QUẢNG KHỞI SẮC
Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (SX) ngành nông lâm, thủy sản năm 2012 tăng 7% so với năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 2,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,9%/năm. Sản lượng lương thực cây có hạt ước tăng hơn 76 nghìn tấn so với năm 2008; diện tích rừng trồng bình quân hằng năm đạt trên 10 nghìn ha.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có bước phát triển. Có 96,71% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; mạng lưới thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho 74.000 ha đất nông nghiệp; Tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85% trong năm 2013; hệ thống điện nông thôn đạt 100%; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe có sự phát triển toàn diện.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 15,2% năm 2013. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2012 đạt 75%. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm mới cho 37.000 lao động…
Thực hiện Nghị quyết “tam nông”, diện mạo nông thôn tỉnh Quảng Nam có nhiều thay đổi
Thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tại khu vực nông thôn, bình quân thu nhập/người/năm tăng 2,4 lần so với năm 2008 (năm 2013 đạt: 18,5 triệu đồng/người/năm). Tuy nhiên, mức thu nhập của hộ nông dân miền núi và bộ phận nông dân nghèo còn thấp, đời sống còn rất khó khăn; khả năng tái nghèo xảy ra khi gặp thiên tai, dịch bệnh là rất cao. Chênh lệch giữa nhóm hộ thu nhập cao nhất và thấp nhất là 6,6 lần.
ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP RẤT KHÓ
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, thực tế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay rất khó. Doanh nghiệp không có đất để xây dựng mô hình, xây dựng vùng sản xuất. Ông Quang đơn cử: Quảng Nam xúc tiến 3 dự án nông nghiệp nhưng đều thất bại bởi các doanh nghiệp muốn gom đất để đầu tư phát triển nông nghiệp thì vướng vào Nghị định 61, do đó phải “buông tay”.
Tại huyện Núi Thành, có một dự án phát triển nuôi cá tra. Doanh nghiệp này đã thực hiện xong quy hoạch và bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đền bù cho người dân. Nhưng theo Luật Đất đai phải hỗ trợ đào tạo nghề cho người khi bị thu hồi đất, khi thực hiện đến khâu này nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người". Đơn cử, có một gia đình có 1500 m2 đất nhưng có 12 người nắm quyền sở hữu. Nếu lấy đất thì phải hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 12 người, do đó tiền đền hỗ trợ quá lớn, doanh nghiệp không thể đáp ứng.
Còn ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam than thở: Dân nông thôn còn nghèo, còn khổ quá. Người dân nông thôn chịu thiệt thòi quá nhiều. Thực tế người thành phố được chăm lo đủ thứ, còn nông dân thì chẳng có gì nhiều. Ví dụ như người thành phố, cái công - tơ điện được bắt đến tận nhà nhưng người nông thôn thì phải bỏ tiền ra kéo về nhà.
"Trong SX nông nghiệp, tính đến rủi ro cho người nông dân. Khi gặp thiên tai, Nhà nước nên thể hiện trách nhiệm. Người ta mất ruộng, mất lúa, trâu bò, hòa màu… dẫn đến trắng tay, do đó, Nhà nước cần có nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân”, ông Quang kiến nghị.
Tại buổi đóng góp ý kiến, tỉnh Quảng Nam đề nghị: Trách nhiệm của Nhà nước là phải giải quyết được khâu lưu thông đầu vào và đâu ra cho bà con nông dân. Đầu vào gồm cây giống, phân bón, thuốc BVTV… đang còn lỏng lẻo. Người dân phải sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng…. Về khâu đầu vào, Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý chứ đừng để nông dân gánh chịu.
Hiện người nông dân làm hàng hóa bán theo kiểu “bưng mủng ra chợ”, họ chưa có Cty, doanh nghiệp thu mua sản phẩm làm ra. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ giá chưa đến được với người nông dân mà Nhà nước hỗ trợ thông qua các khâu trung gian. Đơn cử như thu mua dự trữ lúa gạo.
Kết luận tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Đăng Khoa tiếp nhận những ý kiến từ phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Ông Khoa nói: Thực tế những vấn đề này không chỉ xảy ra tại Quảng Nam mà xảy ra ở nhiều vùng nông thôn nước ta. Chúng tôi lắng nghe tất cả ý kiến và biên tập lại. Những ý kiến này sẽ được báo cáo với Trung ương để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này.
Theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã