Cơn lốc đô thị hóa đang kéo qua các làng quê Việt một cách mạnh mẽ. Đất ruộng phải nhường chỗ cho sân golf, cho biệt thự, nhà máy... khiến người nông dân - dù được đền bù - vẫn cứ lao đao tìm việc ngay trên mảnh đất ông cha để lại.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tìm kiếm một công việc ở nông thôn ngày càng trở nên gian nan. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2011, dân số Việt Nam đang sống ở nông thôn là 60,96 triệu người, chiếm gần 70% dân số cả nước. Trong đó, có 1,71% đang thất nghiệp và 3,96 % trong độ tuổi lao động thiếu việc làm. Tuy con số 1,71% này vẫn thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị (3,6%), nhưng nếu xét vế quy mô dân số giũa thành thị và nông thôn thì số người thất nghiệp ở nông thôn lên đến hàng triệu người.
Thêm vào đó, đất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhanh chóng. Công trình nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, đến năm 2011, cả nước chỉ còn hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ còn hơn 4 triệu ha đất trồng lúa và con số này đang giảm đi một cách nhanh chóng. Đáng lưu ý là từ năm 1996 đến 2010, hơn 74.000 ha đất nông nghiệp mất đi, nhường chỗ cho các dự án đầu tư. Mất đất sản xuất đẩy tình trạng thất nghiệp ở nông thôn tăng cao. Người dân không còn cách nào khác, phải di cư lên thành phố kiếm sống.
Phần lớn dân di cư từ nông thôn lên thành phố là những người trẻ, tìm kiếm cơ hội ở các khu chế xuất, khu công nghiệp ven đô. Đa số họ đều không qua đào tạo nên chỉ có thể đảm nhiệm các công việc phổ thông, không đòi hỏi chuyên môn, dẫn đến thu nhập không cao, đời sống thì bấp bênh. Hơn thế, số lượng dân nhập cư ngày càng tăng khiến cho các đô thị phải chịu nhiều sức ép về phân bố việc làm, cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở và các dịch vụ đô thị phục vụ đời sống cư dân.
Một bộ phận dân cư không nhỏ quyết định ở lại dù cho cuộc sống bấp bênh, không ổn định. Trình độ, tay nghề không có họ phải làm đủ nghề từ cắt lúa mướn, thu hoạch trái cây thuê đến nạo vét mương... Ở đâu có việc thì họ đến. Thu nhập mỗi ngày cao nhất cũng chỉ hơn trăm nghìn, mà không phải ngày nào cũng có việc. Gói ghém lắm thỉ cũng đủ ăn cho một nhà với hai vợ chồng và hai đứa con. Và khi giá điện, giá nước, giá xăng tăng như hiện nay, cộng với chi phí cho con cái chuẩn bị vào năm học mới thì một gia đình ở nông thôn khó lòng có thể xoay sở được. Nguy cơ tái nghèo là hiện hữu.
Tình trạng thất nghiệp gia tăng trong thanh niên nông thôn cũng mang lại nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Nhiều thanh niên sa vào con đường nghiện ngập. Theo báo cáo của công an tỉnh Bạc Liêu, chỉ riêng trong tháng 6 đã bắt giữ và xử lý 22 vụ tàng trữ, sử dụng và mua bán ma túy trên địa bàn tỉnh. Những người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, phần lớn dưới 25 tuổi - đại tá Đoàn Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bạc Liêu, cho hay. Để có tiền hút chích, các đối tượng này đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp. Việc bọn trộm "ghé thăm" nhà vào ban đêm đã trở thành chuyện thường ngày ở các vùng quê. Từ gia súc, gia cầm, nông phẩm đến xe máy ti vi đều được bọn chúng "dọn dẹp" sạch sẽ. An ninh nông thôn không được đảm bảo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là sự chưa tương xứng giữa vốn đầu tư nhà nước cho tam nông so với yêu cầu thực tế.
" Mới chỉ đáp ứng 55-60% nhu cầu" là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006-2011. Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp cũng góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn.
"Lạm phát sân golf" là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong những năm trở lại đây, diễn tả tình trạng ruộng đất bị thu hồi để xây dựng sân golf mộ cách ào ạt. Trên cả nước hiện nay có 76 dự án sân golf với diện tích hơn 23.000 ha, tính trung bình mỗi tỉnh ở nước ta sẽ có 1 sân golf. phần lớn đất nông nghiệp bị thu hồi là đất tốt, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ Long An - vựa lúa miền Tây, đến Hưng Yên - nơi "bờ xôi ruộng mật", đất trồng lúa bị thu hồi để xây sân golf, xây khu công nghiệp, khu đô thị.
Người nông dân dù đã được đền bù sau khi thu hồi, vẫn phải đối mắt với nguy cơ thất nghiệp. Thống kê cho thấy, chỉ 13% hộ gia đình bị thu hồi đất tìm được việc làm trong khu vực phi nông nghiệp tại địa phương, 20% hoàn toàn thất nghiệp, 67% thất nghiệp từng phần, chỉ có công việc khi đến thời vụ. Nếu không có những biện pháp căn cơ giải quyết, tình trạng thất nghiệp ở nông thôn sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang rục rịch tái cấu trúc, một chiến lược cơ cấu lại khu vực nông nghiệp là cần thiết.
Chiến lược này phải bao gồm cả phát triển nguồn lao động ở nông thôn, gắn liền với phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, nhận định: "Tiềm năng lao động của nước ta vẫn chưa được sử dụng hợp lý và hiệu quả. Chúng ta cần có những chính sách phù hợp hơn để kích thích thị trường lao động toàn diện, trong đó có cải thiện hệ thống bảo trợ xã hội; hỗ trợ tìm việc làm; tái đào tạo người lao động thất nghiệp... Đối tượng cần hỗ trợ mạnh mẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã... để tạo việc làm bền vững cho người lao động. Trong ngắn hạn, chúng ta cần vừa tranh thủ chính sách kích cầu tiêu dùng, vừa giải quyết việc làm bằng việc xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn".
Để giải quyết tình trạng này, Đại hội Đảng lần XI (năm 2011) đã đề ra phương hướng "Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm". Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện chủ trương trên trong đó có bộ tiêu chí 19 điểm về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, công tác dạy nghề được chú trọng hàng đầu. Nếu không có một chính sách quyết liệt và toàn diện hơn cho nông thôn - nông dân, thì "về đâu Hai Lúa" sau khi hết ruộng, hết vườn sẽ mãi là câu hỏi không có lời giải.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã