Học tập đạo đức HCM

Thêm một bài học về sự đánh đổi đất rừng sang trồng cao su

Chủ nhật - 29/09/2013 23:49
Mấy năm trở lại đây, chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt, rừng trồng không mang lại hiệu quả kinh tế cao sang trồng cao su đã được nhiều địa phương trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên thực hiện, với diện tích cao su tăng chóng mặt, thậm chí phá vỡ cả quy hoạch của ngành đến năm 2020. Chưa nói đến những hiệu quả kinh tế (vì phần lớn diện tích cao su đang trong giai đoạn kiến thiết) nhưng những tác động về môi trường và hệ lụy xã hội thì đã nhìn thấy rõ.

Diện tích tăng chóng mặt

Đến hết năm 2012, tổng diện tích cây cao su trong cả nước đạt 915.000ha và vẫn đang được mở rộng. Hiện, Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 quốc gia có diện tích cao su lớn nhất trên thế giới. Năm 2012, sản lượng mủ cao su xuất khẩu đạt 1,02 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,85 tỷ USD, tăng khoảng 25% về khối lượng và 11,7% về giá trị XK so với năm 2011.

Hiệu quả kinh tế từ cây cao su đương nhiên đã được khẳng định, có lẽ vì vậy mà theo GS.TSKH Nguyễn Văn Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (SFMI), chỉ dựa vào vài dòng về cây cao su trong Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 14/08/2006 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên cho phép trồng 90.000 – 100.000ha cao su trên diện tích đất trống đồi trọc, đất rừng nghèo kiệt, đất trồng cà phê kém hiệu quả mà sau đó phong trào chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su tăng chóng mặt ở nhiều địa phương. Tính đến năm 2012, toàn miền Bắc đã có 23.050ha cao su, khu vực miền Trung có 132.700ha, Tây Nguyên 243.290ha, Đông Nam Bộ có 511.460ha, số diện tích này đã vượt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 03/06/2009 của Thủ tướng Chính phủ (theo quy hoạch diện tích cao su cả nước đến năm 2015 đạt 800.000ha, nhưng hiện nay đã đạt 915.000ha). Sự phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, bất chấp những tác động đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học còn thể hiện ở việc nhiều tỉnh lập kế hoạch trồng cao su vô tội vạ. Đơn cử như chỉ trên địa bàn xã Ia Pút (Gia Lai) có tới 9 dự án trồng cao su của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều dự án khủng của Tập đoàn Quốc Cường (1.035ha), Hoàng Anh Gia Lai (1.125ha),… Trên địa bàn xã Ia Blư (Gia Lai) cũng có 6 dự án (Hoàng Anh Gia Lai xin trồng 938ha cao su, Công ty 194 trồng 998ha…). Thậm chí, ở nhiều địa phương, dù nhiều diện tích đất không phù hợp với cây cao su cũng được quy hoạch phát triển. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong số hơn 635.000ha đất được khảo sát để trồng cao su, có tới 74% diện tích không phù hợp cho loại cây này phát triển. Tuy nhiên, đến nay, Đắk Lắk cũng đã phát triển được hơn 32.000ha cao su.

Tại các tỉnh Tây Bắc, diện tích rừng cao su bắt đầu tăng đột biến từ năm 2008. Nếu như đến hết năm 2007, diện tích cao su của 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La mới đạt 70ha thì đến năm 2008 đã tăng vọt lên gần 3.600ha, trong đó Sơn La là tỉnh có diện tích tăng nhanh nhất, chiếm 60% diện tích của cả ba tỉnh. 

GS.TSKH Nguyễn Văn Lung cho rằng, trong sự phát triển ồ ạt diện tích rừng cao su ở các địa phương dẫn đến phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên hiện nay, có trách nhiệm của các ngành chức năng khi quá bị động trong việc đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển cho các địa phương. Theo GS. Lung, sự bị động, lúng túng ấy thể hiện ở chỗ, chỉ trong 3 năm, ngành lâm nghiệp phải ra tới 9 văn bản pháp quy, trong đó có tới 6 thông tư điều chỉnh lẫn nhau, chồng chéo lên nhau. Và một câu chuyện GS.Lung đưa ra tại hội thảo khoa học: “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su, cơ hội và thách thức” cũng sẽ khiến nhiều người suy ngẫm về cái được và mất trong việc chạy đua phát triển cao su bằng mọi giá. Theo báo cáo đánh giá tác động của dự án trồng hơn 900ha cao su của một doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên, số lượng gỗ mất đi nhường lại cho cây cao su phát triển lên tới hơn 50.000m3. Nếu nhân với số diện tích cao su mới trồng ở các địa phương trong vài năm gần đây sẽ thấy diện tích rừng bị chuyển đổi sang trồng cao su lớn đến độ nào. 

Những hệ lụy

Và như một hệ lụy tất yếu, diện tích cao su tăng sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Con số thống kê của 5 tỉnh Tây Nguyên cho thấy, có khoảng 79% diện tích được mở rộng trồng cao su là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi và không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt; 397.879m3 là số gỗ tận thu từ hơn 70.000ha rừng tự nhiên được chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cấp cho hơn 200 dự án phát triển cao su đến năm 2012. Tuy nhiên, con số gỗ tận thu thực tế có thể còn lớn hơn nhiều. Đơn cử như ở Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Rân, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết, trong 65.000ha diện tích quy hoạch để trồng cao su cho phép 5 doanh nghiệp khảo sát triển khai có đến 51.000ha là đất có rừng, diện tích đất trống đồi trọc, đất nghèo kiệt vô cùng ít.

Trong báo cáo: “Phát triển cao su và bảo vệ rừng ở Việt Nam”, tác giả Tô Xuân Phúc và Trần Hữu Nghị nhấn mạnh: Con số 79% diện tích cao su được mở rộng trong thời gian qua có nguồn gốc từ đất rừng tự nhiên là con số đáng để tất cả những ai quan tâm đến việc bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng phải quan tâm. Nó không đơn thuần phản ánh việc một diện tích rừng bị mất do phát triển cao su mà con chỉ ra thực trạng lỏng lẻo trong việc thực hiện chính sách tại cấp địa phương. Quy hoạch trồng cao su của quốc gia bị phá vỡ, với hàng trăm hecta rừng tự nhiên bị chuyển đổi cũng cho thấy việc kiểm tra giám sát quá trình thực hiện việc chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su kể cả ở cấp quốc gia và địa phương chưa chặt chẽ.

Dưới một góc nhìn khác, ông Vũ Tấn Phương, Trưởng ban Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã chỉ ra những tác động của việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su, đặc biệt là vấn đề môi trường. Khảo sát cho thấy, ở rừng trồng cao su, lượng đất bị xói mòn lên tới 5,75 tấn/ha/năm, trong khi rừng tự nhiên tàn che 0,7 – 0,8 ở Gia Lai chỉ là 1,28 tấn/ha/năm, rừng tự nhiên tàn che 0,7 – 0,8 ở Lạng Sơn là 0,23 tấn/ha/năm; ngay cả rừng nghèo kiệt thì mức độ xói mòn đất cũng thấp hơn rừng cao su khi chỉ có 3,4 tấn/ha/năm. Rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên có tác dụng to lớn trong điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, điều này không thể có với rừng cao su. Đáng chú ý là dinh dưỡng đất trong rừng cao su giảm đáng kể sau 40 năm, lên tới 48 – 64%. “Có một thực tế là nhiều địa phương không quan tâm đến vấn đề diện tích đất rừng chuyển đổi có phù hợp với cây cao su hay không. Điều này là vô cùng nguy hiểm vì có những giá trị từ rừng tự nhiên không thể lượng hóa hết được, nếu phát triển cao su bằng mọi giá, có thể chúng ta phải trả một cái giá quá đắt bởi nếu trồng cao su không hiệu quả, chúng ta cũng không thể phục hồi lại diện tích rừng tự nhiên đã mất”, ông Phương nói.

Đến nay, vẫn còn nhiều hoài nghi về lợi ích kinh tế tiềm năng mà cao su có thể mang lại, đặc biệt là đối với những diện tích ở nơi có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng không phải là tối ưu đối với việc phát triển cao su (ví dụ như vùng Tây Bắc, do các diện tích cao su mở rộng trong những năm gần đây chưa đến tuổi khai thác, giá trị kinh tế mà cao su đem lại vẫn chưa có gì đảm bảo). Bên cạnh đó, tại một số địa bàn vùng Tây Bắc, mở rộng diện tích cao su trên nền đất canh tác của hộ gia đình làm mất đi nguồn sinh kế của họ, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của địa phương. Thu hẹp diện tích canh tác do mở rộng diện tích cao su đã, đang và sẽ tiếp tục làm gia tăng sức ép lên nguồn tài nguyên rừng.

Phát triển cao su ồ ạt cũng tiềm ẩn rủi ro về thị trường. Giá xuất khẩu mủ cao su năm 2013 tụt giảm 50% so với mức giá năm 2012 làm những hộ trồng cao su rơi vào tình trạng thua lỗ do giá bán thấp hơn chi phí. Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Văn Lung cũng khẳng định: “Thị trường không tốt đẹp như chúng ta đang nghĩ, vì vậy chỉ nên phát triển ở những nơi phù hợp” và “không nên bơi ngược dòng quốc tế: phá rừng tự nhiên để trồng bất kỳ loại cây nào”. 

Từ thực tế phát triển ở địa phương, ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên cho rằng: “Chủ trương phát triển cây cao su của Chính phủ là đúng nhưng các địa phương lại thực hiện chưa nghiêm túc, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, điều này có một phần trách nhiệm của ngành chức năng. Tôi cho rằng, muốn giữ được rừng thì phải đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân, chỉ được phép trồng cao su ở những nơi phù hợp, trong quá trình cây chưa khép tán có thể áp dụng mô hình trồng xen với các loại cây khác để đảm bảo thu nhập cho người dân; trồng rừng phải gắn với chế biến”.

GS.TSKH Nguyễn Văn Lung cho rằng, qua việc trồng cao su, chúng ta đã có thêm một bài học về sự đánh đổi giữa hiệu quả kinh tế trước mắt với gìn giữ tài nguyên môi trường. Những hệ lụy có thể chưa thấy trước mắt nhưng những gì thống kê được, những con số có thể nhìn thấy sẽ là động lực để các cơ quan chức năng và địa phương tìm hướng phát triển bền vững cho loại cây đa mục đích này.

 

Khánh Nguyên

 


Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: cao su

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập182
  • Hôm nay36,879
  • Tháng hiện tại229,972
  • Tổng lượt truy cập92,607,636
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây