Là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng và phát triển cây sen ở thôn Bản Mới, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, anh Hoàng Văn Lương đã không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu trồng cây “nhà giàu”, một loại cây khá dễ tính trong sản xuất.
Trong cơn mưa tầm tã, anh Lương và gia đình vẫn đang cặm cụi bên ruộng sen của gia đình.
Dẫn chúng tôi thăm ruộng sen của gia đình, anh Lương cho biết: Những vụ lúa kém hiệu quả, thất bát đã được thay thế bằng những cánh đồng sen. Nhà nông trồng sen không phải cực khổ như ngày trước, bởi hiện tại khoa học kỹ thuật đã phần nào được ứng dụng trong canh tác của bà con. Đắp bờ khép kín nhằm giữ nước, chủ động tưới tiêu, và bên cạnh đó nhờ người trồng biết cách chăm sóc, nâng niu đã giúp chúng bén rễ bám đất vùng này.
Sau nhiều vụ trồng lúa thu hoạch kém, anh quyết định trồng sen và đây là vụ sen thứ 4 của gia đình anh. “Nhà có một mảnh ruộng hơn 1 sào bị thụt lún, rất khó cày cấy nên năm 2013, tôi quyết định mang sen về trồng thử. Ban đầu cũng không dám trồng nhiều vì chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao và thu hoạch cũng khá vất vả. Sau này, nhận thấy được giá trị kinh tế từ cây sen nên sau đó tôi mới quyết định mở rộng trồng sen trên 4 sào ruộng cấy lúa”.
Đào củ sen là một công việc vất vả và tỉ mẩn.
Theo anh Lương, sen là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng một lần cho đều đều cả chục năm. “Chỉ trồng năm đầu tiên, sau đó cứ mùa thu hoạch, tôi đều để ra một vài khoảng làm giống cho vụ sau. Quá trình đào củ, mình cũng chọn những củ to, già củ non được để lại.”
So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây sen và cây lúa, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều người dân ở Cao Lộc đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ cánh đồng lúa sang cánh đồng sen. Đến nay diện tích trồng sen lên trên 10 ha, tập trung nhiều nhất ở các thôn Bản Mới, thôn Kéo Cặp…
Những củ sen trắng ngần, giòn giòn được lôi lên khởi lớp bùn đặc sệt.
“Nếu cấy lúa 1 sào tôi thu khoảng 2 tạ thóc. Nhưng trồng sen 1 sào tôi thu 3 tạ củ sen bán với giá trung bình 25.000 đồng /kg, tính ra cũng thu 7 -8 triệu/sào chưa tính bán hoa, mặt khác chi phí trồng sen ít hơn. Khi trồng thì bón lân, mỗi sào 1 bao năm bón 2 lần. Tính sơ qua, 4 sào sen cũng cho gia đình thu nhập gần 30 triệu/vụ. Sen năng suất hơn lúa nhiều nhưng cũng vất vả trong công đoạn thu hoạch, và đầu ra của củ sen”, anh Lương nhẩm tính.
Cũng giống anh Lương, anh Hoàng Văn Khắm cũng đang có hơn 4 sào sen đang bước vào vụ thu hoạch. “Sen lãi nhiều hơn lúa thật nhưng đào củ sen cũng vất vả lắm. Vì trồng ở ruộng không có nước thường xuyên nên đất bùn khô cứng rất khó đào củ. Với lại không phải đất nào cũng trồng sen được, phải chọn những vùng có nước thường xuyên, đất bùn lún sâu thì trồng sen mới cho nhiều củ” anh Khắm cho biết.
Với diện tích hơn 4 sào, cây sen đã mang lại cho gia đình anh Khắm một nguồn thu ổn định.
Theo nhiều hộ trồng sen ở đây, thời điểm xuống giống sen là đầu tháng 2 và đến tháng 9, 10 là bắt đầu thu hoạch. Do là giống sen lấy củ nên hoa ra rất ít. Trung bình 1 sào chỉ có khoảng 20 bông. Bông cũng được người dân cắt mang bán với giá 3.000 đồng/bông. Được biết, mùa thu hoạch sen của bà con kéo dài từ 7 cho đến khi sen tàn, lá rụi thì làm lại vụ mới bằng cách thoát nước trong ruộng làm cỏ và bón phân.
Mặc dù cây sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong đầu ra sản phẩm.
Theo ông Hoàng Văn Đông, phó chủ tịch UBND xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc: Trồng sen là mô hình mới của người dân, nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây này nên trên địa bàn xã hiện nay rất nhiều hộ dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen. Đây là một loại cây có năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ trồng sen mỗi hộ gia đình cũng có thu nhập ổn định. Tuy nhiên chúng tôi đang lo lắng và tìm hướng giải quyết nếu trường hợp nếu cung và cầu không bền vững người dân lại thua thiệt. Vì hiện tại không có đơn vị bao tiêu sản phẩm mà người dân tự mang bán. Nếu diện tích trồng sen liên tục tăng, không có tính toán quy hoạch mà lại không có đầu ra ổn định, cũng là một cái khó khăn cho người trồng sen.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã