Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đầu tư để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao và có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp để người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế, nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa được áp dụng phổ biến đối với những vùng nông thôn của thành phố và cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Những mô hình như vừa nêu chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 5% trong số các hộ dân sản xuất nông nghiệp của huyện. Do thiếu vốn đầu tư và thói quen sản xuất manh mún, nên ít nông dân ở thành phố Hồ Chí Minh dám vay vốn để đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun sương trên khu ruộng của họ.
Theo các hộ nông dân, mặc dù thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay cho nông dân khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuy nhiên, thủ tục để vay vốn lại quá rườm rà nên không mấy ai mặn mà, vì vậy mà việc đầu tư cũng hạn chế.
Nông nghiệp công nghệ cao thực ra chỉ là khái niệm về việc áp dụng công nghệ vào sản xuất cho nông dân để nâng cao năng suất và chất lượng của nông sản. Tất cả những yếu tố từ giống, quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và phân phối đến tận tay người tiêu dùng đều cần được thực hiện theo khoa học. Mô hình này phải có sự liên kết 4 nhà là nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp mới có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay liên kết này tại thành phố vẫn còn rất lỏng lẻo. Cả ba yếu tố của sản xuất nông nghiệp là tư liệu sản xuất, vốn và lao động đều do người nông dân tự bỏ ra và phải chấp nhận rủi ro khi có thiên tai, dịch bệnh. Vai trò điều tiết của chính quyền địa phương vẫn chưa thể hiện rõ.
Tiến sỹ Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết: “Cơ quan nghiên cứu tạo nên giống mới, kỹ thuật mới nhưng Nhà nước phải có sự hỗ trợ nhất định và phải có sự điều tiết, chỉ huy”.
Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả thiết thực theo định hướng của nền nông nghiệp đô thị, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh cần nâng cao vai trò của mình trong việc tạo cơ chế và làm cầu nối để người nông dân và doanh nghiệp hợp tác với nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Việc làm thiết thực nhất là quy hoạch cho được vùng nguyên liệu và hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn sản xuất và tìm đầu ra cho thị trường. Ông Lâm Phát Đạt, Giám đốc sản xuất Công ty Good Life nói: “Hiện tại, công ty đang thực hiện liên kết với các hộ nông dân để hỗ trợ họ về bao tiêu sản phẩm và chuyển giao khoa học công nghệ của công ty. Về nguồn đầu tư vốn, Công ty đang hoạt động bằng vốn của công ty là chính. Tuy nhiên, nếu mở rộng sản xuất hơn nữa thì nguồn vốn của công ty sẽ bị khan hiếm”.
Cùng với những giải pháp vừa nêu, thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh khâu cải cách thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp.
Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thiện những mô hình, rà soát để đưa ra những chính sách phù hợp để thu hút nhiều hơn những dự án đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao. Điều quan trọng là thu hút được công nghệ của họ vào, từ đó làm tốt công tác chuyển giao công nghệ ra bên ngoài cũng như đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học khi chúng ta tiến hành hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp”.
Với những giải pháp trên đây, thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất nước, là nơi cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng và làm giàu cho người nông dân của thành phố./.