Những khó khăn bước đầu
Thịt heo VietGap (Thực hành nông nghiệp tốt) được bán lần đầu tại TP.HCM mấy tháng trước tại chợ Hòa Bình, quận 5. Đây là một phần trong Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP). Tất cả các bên liên quan đều kỳ vọng thịt heo VietGap sẽ sớm trở thành một sản phẩm thu hút người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh thịt heo nuôi bằng cám chất tạo nạc tràn lan như thời gian qua.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp tàn, phía của hàng VietGaP đã nhận ngay một gáo nước lạnh từ các quầy hành bên cạnh. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, công ty được LIFSAP hỗ trợ để bán thịt heo nuôi theo VietGap của 646 hộ chăn nuôi nằm trong dự án này. Theo bà Thắm, do nhu cầu lớn nên mới qua ngày thứ 3 khai trương lượng thịt heo VietGap bán tăng gấp 3 lần và mới 10 giờ sáng đã hết hàng. Đó là tin vui của bà Thắm nhưng lại là tin không vui cho những quầy hàng bán thịt heo trong chợ Hòa Bình. “Con gà tức nhau tiếng gáy” nên ngay sau đó, cửa hàng của An Hạ bị các tiểu thương buôn bán tại chợ làm áp lực buộc phải tháo các từ ngữ có liên quan đến chữa “thịt sạch” dán trên quầy sạp, các tiểu thương này cũng bắt làm bảng giá nhỏ lại. Điều này chẳng khác nào như một gáo nước lạnh dội vào nỗ lực mang thịt sạch đến người tiêu dùng của những người có tâm huyết.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại đó, mấy ngày sau, những tiểu thương này đồng loạt treo bảng “thịt sạch” ở trước quầy hàng mình. Không cần phải nói cũng hiểu rằng, người tiêu dùng như lạc giữa ma trận không biết đâu là thịt sạch đúng nghĩa thịt sạch và đâu là thịt sạch quảng cáo. Cũng xin nói thêm, trong khuôn khổ của dự án LIFSAP, dự án hỗ trợ các chợ trong đó có chợ Hòa Bình xây dựng các quầy bán thực phẩm theo một tiêu chuẩn chung và trên mỗi quầy này đều có logo của Bộ NN&PTNT và logo của LIFSAP, vì thế, khiến người tiêu dùng không phân biệt được vì nhìn thấy quầy nào cũng bán thịt sạch.
Thịt heo VietGAP của VISSAN tại siêu thị Coopmart, TP. HCM - Ảnh: CTV
Một tiểu thương tại chợ Hòa Bình giải thích, quầy hàng bên cạnh - ý nói là quầy hàng bán thịt heo VietGap của Công ty An Hạ treo bảng thịt sạch để bán, như vậy, chẳng khác nào nói với người tiêu dùng rằng những quầy hàng còn lại là bán thịt bẩn, thịt không sạch. “Chúng tôi đã bán thịt heo ở chợ cũng nhiều năm nay và mỗi kg thịt đều có sự kiểm dịch của cơ quan thú y, vậy sao ngầm nói chúng tôi bán thịt bẩn, thịt không sạch được. Nếu chúng tôi bán thịt bẩn thì không thể bán ở đây lâu như vậy. Chúng tôi phản đối quầy hàng khác treo bảng thịt sạch là vậy và để không bị mất khách hàng chúng tôi cũng phải treo bảng “thịt sạch”, bà chia sẻ.
Mở rộng thị trường
Dù bước đầu khó khăn nhưng không vì thế mà các phân khúc thịt VietGap chết yểu, ngược lại có sự tăng trưởng nhanh về số cửa hàng mới mở. Lần này, để tránh những trường hợp bị “nhái” và phản đối của những tiểu thương bán thịt tại các chợ, phía An Hạ thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường khi thuê những cửa hàng ở bên ngoài các chợ để mở thay vì bán chung với các tiểu thương ở quầy hàng thực phẩm tại chợ. Kết quả, An Hạ đã không bị phản ứng như gặp và công việc kinh doanh thuận lợi hơn khi có thêm ít nhất 3 cửa hàng mới tại một số điểm của TP.HCM.
Sau khi nhìn thấy cơ hội làm ăn, một công ty khác ở TP.HCM là VISSAN cũng nhảy vào kinh doanh thịt heo VietGap. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc VISSAN, Công ty sẽ bán thịt heo VietGap ở 126 điểm gồm 27 siêu thị Co.opmart, 69 điểm thuộc Satrafoods và 30 điểm tại cửa hàng tiện lợi của Công ty. Để tăng thêm tính thuyết phục, tại mỗi điểm bán hàng này, VISSAN đều treo giấy chứng nhận và trên sản phẩm heo có dấu mộc để người tiêu dùng kiểm tra. Đây là tin vui cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể và nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân trên cả nước, con số chưa đến 150 điểm bán thịt heo VietGap là quá nhỏ, chỉ như muối bỏ biển. Đó là chưa kể đến tình huống ở những điểm này dù treo bảng bán thịt heo VietGap nhưng không có hàng để bán vì nhu cầu nhiều mà nguồn cung ít. Vì thế, sẽ có tình trạng “đẩy giá” do khan hiếm nguồn cung. Tại Hà Nội, Ban điều phối Chương trình thí điểm phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội đã tạo được các kênh kết nối rau thịt sạch cho người dân. Ban điều phối đã thực hiện ký kết chương trình phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận trong các lĩnh vực như lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; phối hợp trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trong công tác bảo vệ thực vật, quản lý thị trường và phối hợp xúc tiến thương mại.
Chuyện làm sao để người dân tiếp cận được thực phẩm sạch, an toàn là chuyện đương nhiên phải làm nhưng những gì xảy ra lâu nay đang xem như một chiêu PR cho sản phẩm. Và để cho người dân mù mờ về khái niệm thịt hay thực phẩm an toàn, sạch ở một khía cạnh nào đó là lỗi của một hệ thống từ quản lý đến sản xuất. Như vậy, một khi chúng ta chưa bịt được lỗ trống này, người tiêu dùng còn phải mua thực phẩm vàng thau lẫn lộn và tự đặt niềm tin của mình vào sự tử tế của người sản xuất, vì người tiêu dùng có thể trồng rau tại nhà để đảm bảo đó là rau sạch nhưng không thể nuôi một con heo để lấy thịt sạch ăn hằng ngày được.
>> Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Cần kết nối người tiêu dùng với nông sản an toàn, đồng thời nhân rộng các chuỗi nông sản an toàn và tiếp tục ký kết chương trình hợp tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các tỉnh có nhiều sản phẩm cung cấp cho người dân ở các tỉnh thành trên cả nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã