Theo Tổ chức Đường thế giới (ISO), niên vụ mía đường 2012-2013 thế giới thừa khoảng 5,85 triệu tấn đường, tăng 650 ngàn tấn so với niên vụ trước. Đối với VN, Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) dự báo, vụ mía 2012-2013 cả nước SX khoảng 1,5 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ trong nước là 1,2 triệu tấn nên sẽ thừa 300 ngàn tấn.
Trong khi đến tháng 6 này mới kết thúc vụ mía mà lượng đường tồn kho hiện lên đến 600 ngàn tấn và có thể tăng nữa trong những tháng tới. Rõ ràng ta đang dự báo “trật chìa”.
Mặc dù Bộ Công thương cho phép các DN XK đường sang Trung Quốc nhưng theo DN phản ảnh thì thị trường này vẫn bấp bênh bởi không biết khi nào con đường xuất khẩu này bị cấm. Bởi vào khoảng thời gian này của năm ngoái, VN cũng đã xuất khẩu đường sang Trung Quốc nhưng đến tháng 7/2012 Trung Quốc đột ngột “đóng cửa”, ngay sau đó giá đường trong nước giảm liên tiếp và đạt mức 15.000 đ/kg vào cuối năm.
Giá đường xuống kéo giá mía xuống theo
Khi giá đường tại các nhà máy chỉ còn 15.000 đồng/kg, VSSA đã có động thái “cầu cứu” các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ các DN đường để qua đó gián tiếp hỗ trợ nông dân. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2013 Bộ Tài chính đã có thông tư điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với đường thô chưa pha thêm hương liệu hoặc chất màu từ 15% lên 25% (nhóm 17.01); thuế suất đối với đường tinh từ 15% lên 40%.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính sử dụng công cụ thuế để can thiệp tình trạng mất cân đối của ngành đường. Năm 2011, Bộ này cũng đã điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng đường thuộc nhóm 17.01 đồng loạt xuống 15% sau khi các DN ngành thực phẩm “than thở” thiếu đường phục vụ cho SX và giá cao khiến đường lậu SX từ Thái Lan trung chuyển qua Campuchia tha hồ tung hoành ở VN.
Trao đổi với PV NNVN, ông Trần Mẫn Đạt, một chuyên viên của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trần thuế suất của mặt hàng đường tinh trong hạn ngạch theo cam kết với WTO lên đến 60% vẫn cao hơn mức mới được điều chỉnh. “Nếu Bộ Công thương và NN-PTNT tới đây xét thấy cần thiết nâng mức bảo hộ thì Bộ Tài chính có khả năng tiếp tục nâng thuế nhập khẩu” - ông Đạt nói.
Việc tăng thuế nhóm 17.01 kể trên với mong muốn đẩy giá đường lên nhằm hỗ trợ các nhà máy bán được đường, nhưng thực tế đã không đạt kỳ vọng do các DN tiêu thụ đường lại tăng cường nhập khẩu các chất tạo ngọt thuộc nhóm 17.02 như xirofructoza, đường caramen, xiro (được hiểu là đường hóa học - PV) để thay thế đường mua trong nước.
Vì thế, mới đây Bộ NN-PTNT có công văn gửi các Bộ liên quan kiến nghị tiếp tục tăng thuế đối với chất tạo ngọt thuộc nhóm 17.02 với mức dự kiến tăng thêm 7-10%. Lý do, việc tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đường hóa học không chỉ kích thích tiêu thụ đường trong nước mà còn giúp tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP.
“Tôi được biết giá đường trên thị trường Luân Đôn, Anh giao vào tháng 5/2013 là 522 USD/tấn. Do lượng đường thế giới cung vượt cầu nên dự báo từ nay đến cuối năm giá đường sẽ giảm từ 70-110 USD/tấn về mức 413-455 USD/tấn. Thế nên, các nhà máy đường cần phải tính đến phương án hạ giá bán để giải phóng hàng nhanh, bởi giữ trong kho càng lâu thì những chi phí bảo quản, lãi suất ngân hàng sẽ tăng, chẳng khác nào mang bom nổ chậm, họa nhiều hơn phúc!” (ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên TGĐ Cty CP Mía đường Hiệp Hòa) |
Theo một số chuyên gia kinh tế ngành đường, điều chỉnh thuế chỉ là một giải pháp tức thời cho dù nó vẫn có tác động nhất định đến thị trường. Hiện nay giá đường thế giới cũng đang ở mức thấp. So với cùng thời điểm cách đây 1 năm, giá đường đã giảm gần như 100% từ 36 xu Mỹ/pound mặt hàng đường thô trên sàn giao dịch kỳ hạn London xuống còn 18 xu Mỹ/pound.
Giá đường thậm chí xuống thấp hơn giá thành trung bình 20 xu Mỹ/pound của nhiều nước có truyền thống SX đường như Thái Lan. Do đó, không chỉ riêng ở VN, ngành đường của các nước khác cũng đang co cụm, tìm cách giảm chi phí nếu không sợ bị lỗ nhiều.
Theo ông Trịnh Minh Châu, nguyên TGĐ Cty CP Mía đường Sóc Trăng, với giá đường trắng trên sàn giao dịch kỳ hạn London trên dưới 520-530 USD/tấn cộng thêm cước vận chuyển và thuế nhập khẩu được điều chỉnh thì 1 tấn đường về VN có giá không dưới 800 USD vẫn cao hơn khoảng 3 triệu đồng/tấn so với đường trắng SX ở nhà máy.
“Như vậy biện pháp nâng thuế rõ ràng có tác dụng với đường nhập khẩu chính thức, còn đối với đường nhập lậu thì... vô nghĩa” - ông Châu nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã