Nhiều điểm bán gia cầm đã giết thịt nhỏ lẻ trên vỉa hè rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ảnh chụp trên đường Xuân Diệu, đoạn chợ Vườn Ươm - TP Hà Tĩnh).
Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều khu vực chợ lớn tại thành phố, thị xã hoặc chợ huyện đều có những lò giết mổ gia cầm tự phát. Mỗi điểm bán kể trên thường có từ vài chục đến cả trăm con gà, vịt được nhốt trong lồng. Các điểm này còn làm dịch vụ giết mổ cho người dân có nhu cầu, chủ yếu là gà, vịt, với mức giá trung bình khoảng 15 nghìn đồng/con.
Có mặt tại chợ Trung Đình (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh), chúng tôi thấy 3 người bán gia cầm có kèm theo dịch vụ giết mổ. Dù đây chỉ là chợ nhỏ, không có nhiều người mua bán nhưng vào khung giờ cao điểm, khách hàng đến thuê giết mổ gia cầm vẫn khá đông. Theo quan sát, tại khu vực đình chợ, có 2 người phụ nữ làm gần nhau, trên sàn rất nhếch nhác. Nồi nước sôi được dùng chung, đun liên tục bằng bếp ga. Từ sàn nhà, nồi nước sôi, nước rửa đều lẫn rất nhiều tiết, lông và cả phân gia cầm. Nước rửa ít khi được thay mới, đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Dao, kéo và các vật dụng vứt lăn lóc dưới nền nhà, ruồi, nhặng đậu khắp nơi. Một người làm ở đây cho biết, nếu ngày đắt khách hay các dịp cuối tuần, mỗi người có thể làm thịt hơn 30 con gà.
Điểm giết mổ gia cầm tại chợ Trung Đình khá nhếch nhác, khó đảm bảo vệ sinh thú y.
Đến chợ Vườn Ươm (phường Nguyễn Du) không khó để chúng tôi hỏi ra địa điểm giết mổ gia cầm (cách trung tâm chợ khoảng 200m). Cơ sở này được thực hiện tại nhà riêng nên nước được dội thường xuyên, nhìn có vẻ sạch hơn, tuy nhiên vẫn có khá nhiều ruồi nhặng, sàn nhà nhếch nhác…
Hoạt động kinh doanh, mua bán gia cầm cũng đang diễn ra khá nhộn nhịp, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều thương lái thường bán ngay trên xe máy, hoặc bán dạo với mức giá từ 70 - 150 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, nhiều điểm bán gia cầm, giết thịt tự phát trên vỉa hè cũng rất khó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết, tại Hà Tĩnh hiện có 3 điểm đủ tiêu chuẩn giết mổ gia cầm tại TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Hồng Lĩnh. Theo quy định, hoạt động giết mổ động vật phải được kiểm soát, các lò mổ chưa được cấp phép không được giết mổ gia cầm để kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng tại các chợ lớn có hoạt động dịch vụ giết mổ gia cầm, mỗi ngày giết mổ khoảng 60-100 con. Dù các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý nhưng vẫn khó kiểm soát, trong đó, một phần nguyên nhân do tâm lý, thói quen của người tiêu dùng.
Việc giết mổ gia cầm nhỏ lẻ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh rất cao, đặc biệt trong điều kiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh). Về vấn đề này, Sở NN&PTNT đã tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn công tác giết mổ gia cầm đối với người dân. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm, các phường, xã cần vào cuộc quyết liệt hơn. Chi cục sẽ phối hợp định kỳ tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành để xử lý mạnh tay. Đồng thời, triển khai tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm sớm hơn so với dự kiến.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã