Xã điểm còn khó
Trở lại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, một trong 3 xã làm điểm xây dựng NTM của TP Hà Nội. Sau gần hai năm dồn lực xây dựng, diện mạo xã Đại Áng đã có nhiều đổi thay, nhiều công trình hạ tầng như giao thông, trường học, y tế, nhà văn hóa… được xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng. Đến nay, đã có 12/19 tiêu chí đạt, 3/19 tiêu chí cơ bản đạt, chỉ còn 4 tiêu chí chưa đạt là: thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu lao động, giao thông nội đồng và tiêu chí văn hóa.
Mô hình trồng hoa ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ
mang lại hiệu quả cao
Chủ tịch UBND xã Đại Áng Trần Quốc Oai cho biết, trong 4 tiêu chí chưa đạt, thu nhập là tiêu chí khó thực hiện nhất. "Hiện thu nhập bình quân đầu người ở Đại Áng mới đạt 15 triệu đồng/người/năm 2011. Mặc dù đã tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2010, nhưng để đạt mức gấp 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân khu vực ngoại thành thì vẫn còn khoảng cách khá xa" - ông Oai cho biết. Để tăng nhanh thu nhập cho người dân, xã đã tính đến các phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động như: xây dựng 67ha khu nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp du lịch sinh thái; triển khai các dự án trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm… nhưng hai năm qua, hiệu quả mang lại vẫn chưa đáng là bao.
Tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), khi nói đến tiêu chí thu nhập, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Thắng cũng trăn trở: Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 14,8 triệu đồng/người, trong khi mặt bằng thu nhập của huyện Thanh Trì là 17 triệu đồng/người/năm. Xã Tả Thanh Oai không có nghề phụ, DN đóng trên địa bàn ít và nhỏ, nông nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Từ năm 2008, UBND xã có định hướng phát triển kinh tế (giai đoạn 2010-2015 và các năm tiếp theo), trong đó, quy hoạch 22ha đất vàn cao thôn Tả Thanh Oai chuyển sang trồng hoa màu; 150ha xứ đồng Quai Chảo, Kênh, Quan… thành vùng trồng lúa chất lượng cao.
Tuy nhiên, để đến năm 2015 xã hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí xây dựng NTM vẫn là một bài toán khó bởi: "Bên cạnh Tả Thanh Oai, nhiều xã khác cũng xây dựng NTM. Mình tăng thu nhập, các xã khác cũng tăng thu nhập. Mình làm giàu, họ cũng làm giàu. Lúc đó, thu nhập bình quân sẽ liên tục tăng theo từng năm. Xã sẽ phải phấn đấu rất nhiều để vượt lên" - ông Thắng cho biết.
Trong số 4 xã làm điểm xây dựng NTM của trung ương và TP Hà Nội, đến nay, mới có xã Thụy Hương (Chương Mỹ) và xã Mai Đình (Sóc Sơn) hoàn thành tiêu chí thu nhập. Thực tế tại các xã đang xây dựng NTM, hỏi tới những tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư…, hầu như cán bộ xã nào cũng có kế hoạch thời gian hoàn thành cụ thể. Nhưng hỏi tới tiêu chí thu nhập thì ai cũng ngập ngừng. Vừa qua, các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM đều là các xã khá hoặc ở tốp trung bình, còn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… thì việc thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân trở nên khó khăn gấp bội.
Cách nào nâng cao thu nhập?
Đề án xây dựng NTM của Hà Nội đặt mục tiêu: Tập trung đầu tư phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CN-TTCN, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập của người lao động... Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người các xã NTM đạt cao hơn 1,5 lần so với bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn.
Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, TP có từ 140 - 160 số xã (bằng 35 - 40%) số xã đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2016-2020, có thêm từ 120 đến 140 số xã (bằng 30 - 35%) và đến 2030 hoàn thành việc xây dựng NTM ở 401 xã (đạt 100%).
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, xác định thu nhập là tiêu chí khó, TP đã chú trọng chỉ đạo các địa phương thực hiện tiêu chí này. Trong vụ xuân 2012, TP đã xây dựng được 3.400ha lúa chất lượng cao tại 10 huyện; 3.250ha rau an toàn tập trung; triển khai mô hình phát triển cây ăn quả có giá trị cao với diện tích 440ha. Bên cạnh đó, củng cố và thành lập mới các HTX là cầu nối giữa nông dân, DN, nhà khoa học…
Để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng. DN chính là cầu nối đưa khoa học công nghệ về cho nông dân nhanh nhất; chuyển dịch được cơ cấu lao động, rút được lao động ra khỏi nông nghiệp và DN cũng chính là nơi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 61, với nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này. Tại xã Đại Áng, là xã ven đô nhưng việc kêu gọi DN vào đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Quốc Oai, người dân trong xã không quan tâm nhiều đến đồng ruộng nhưng cũng không muốn cho DN thuê lại đất do tâm lý sợ mất ruộng…
Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng và phê duyệt, triển khai các đề án phát triển sản xuất như: hoa cây cảnh, cây ăn quả, chè, cơ giới hóa; trình UBND TP thông qua quy hoạch nông nghiệp, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; xây dựng các trung tâm nghiên cứu giống, giới thiệu nông sản, trung tâm đào tạo cán bộ… Thực tế rõ ràng là song hành với sự đầu tư của nhà nước, cần sự tham gia, đồng thuận của người dân bởi chính họ là người hưởng lợi và là chủ thể tham gia vào sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng NTM.
Theo hanoimoi
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã