Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn – Bộ NN&PTNT, từ thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho thấy, khi triển khai NTM ra diện rộng, tất cả các xã NTM đều tích cực phấn đấu đạt mức thu nhập cao. Bởi vậy, để “áp” mức thu nhập bình quân của một xã cao hơn 1,2-1,5 lần mức trung bình của toàn tỉnh, thành phố là rất khó khăn. Trước những vướng mắc từ thực tiễn, Bộ NN&PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh lại 5 tiêu chí NTM gồm thu nhập, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, giáo dục và y tế. Riêng về tiêu chí thu nhập, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi triển khai, Bộ đã đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, giữ nguyên tên tiêu chí và chỉ bổ sung, sửa đổi nội dung tiêu chí theo hướng làm rõ quy định mức thu nhập bình quân đầu người ở xã NTM phải cao hơn 1,2 lần so với bình quân thu nhập khu vực nông thôn của tỉnh (chứ không phải là thu nhập bình quân chung của cả tỉnh). Phương án thứ hai là xây dựng mức thu nhập bình quân cố định đạt 22 triệu đồng/người/năm. Ông Lộc cho rằng, với phương án thứ nhất, mỗi tỉnh có mức thu nhập bình quân riêng, dẫn đến thu nhập đạt chuẩn NTM của cả nước sẽ có rất nhiều mức khác nhau. Như vậy sẽ khó đánh giá, so sánh thu nhập giữa các xã đạt chuẩn NTM trong một vùng và trên cả nước. Còn phương án thứ hai được tính căn cứ theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo đạt thu nhập của dân cư nông thôn gấp hơn 2,5 lần so với mức 9,1 triệu đồng/người/năm của năm 2008, tức là đạt 22 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mức thu nhập cố định này cũng được áp dụng theo từng vùng. Cụ thể, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ 24 triệu đồng/năm; đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ 22 triệu đồng/năm; Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên 20 triệu đồng/năm. Theo nhiều địa phương, việc lấy mức thu nhập bình quân chung của cả nước làm mốc đánh giá tiêu chí xã NTM là một hướng đi hợp lý và dễ áp dụng. Cũng theo ông Lộc, để nâng cao thu nhập cho các xã NTM, quan trọng nhất vẫn phải là tập trung tạo chuyển biến về đổi mới cơ cấu sản xuất và sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn. Theo đó, mỗi thôn, xã ít nhất phải xây dựng được một mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hướng vào cây, con phù hợp; ngành, nghề lợi thế đã được lựa chọn trong đề án xây dựng NTM của xã. Trong năm 2013 này, một số nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng được triển khai như bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2020; dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển các ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giúp các hộ gia đình nhân rộng các mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống… Ngoài ra, ông Lộc cũng cho biết, hiện nay mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã không chỉ tạo cơ hội khai thác thế mạnh của từng địa phương, tạo quy mô sản xuất lớn, khối lượng nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, mà qua đó còn là môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân, đặc biệt là giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên mảnh ruộng của mình. Và đây cũng chính là “đích đến” cuối cùng của tiêu chí thu nhập trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên để phát triển nhanh và hiệu quả hơn mô hình CĐML, nâng cao thu nhập cho nông dân trong điều kiện xây dựng NTM như hiện nay, ông Lộc đề cập đến sự cần thiết trong việc thực hiện tốt hơn nữa mối liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học, đặc biệt là giữa nông dân, các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Về phía Nhà nước, theo gợi ý của ông Lộc, Nhà nước cần có một số chính sách hỗ trợ các bên tham gia như đào tạo nâng cao trình độ cho các hộ nông dân tham gia CĐML; khuyến khích nhà khoa học tích cực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến nông sản và tiêu thụ sản phẩm…/.
Nguyễn Tiến Dũng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã