Việc lựa chọn khu kinh tế ưu tiên tập trung đầu tư vẫn là bài toán khó với Bộ KHĐT. Ảnh: D.H
KKT được… tính điểm
Vụ Quản lý các KKT (Bộ KHĐT) là đơn vị “quản trò” trong việc xếp hạng KKT biển theo thứ tự ưu tiên, để tập trung đầu tư từ 2013. Trong quá trình soạn thảo, Vụ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ rằng rất không mong muốn “phải” làm công việc chọn lựa này, bởi khó nhất chính là việc sắp xếp lại các KKT theo thứ tự ưu tiên cho KKT nào trước.
Cũng bởi lý do tế nhị này mà việc đưa ra một tiêu chí khách quan nhất làm cơ sở cho công tác lựa chọn khi Bộ KHĐT đưa ra đã gặp nhiều tranh cãi. Năm tiêu chí được đưa ra để “cân đong đo đếm” gồm cảng biển, cảng hàng không, các dự án động lực của KKT, hoạt động thu hút đầu tư và vị trí chiến lược của KKT biển đối với phát triển vùng. Tất cả các tiêu chí này sẽ được quy ra điểm theo phương thức tính toán khoa học và khách quan. Theo đó, 5 “con cưng” có số điểm cao nhất được chọn để tập trung “trau chuốt” giai đoạn 2013 - 2015 gồm: Nhóm KKT Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam - Đà Nẵng), KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo An Thới (Kiên Giang), KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa và KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Khi “luật chơi” chưa thống nhất
Ngay sau khi danh sách “vàng” 5 KKT trọng điểm trình làng, cuộc họp bàn lập tức trở thành một buổi “thương thuyết” sôi nổi bất ngờ. Đại diện tỉnh nào cũng ra sức dùng mọi lý lẽ thuyết phục nhất, để minh chứng bản thân mình hội tụ đủ mọi tiêu chí để... lọt vào top 5 này. Đại diện Nghệ An mở màn khi tự tin cho rằng, KKT biển Đông Nam của tỉnh này có vị trí rất chiến lược, vừa sát TP.Vinh, Cửa Lò, lại gần cảng nước sâu, cách sân bay chỉ 8km. KKT này hoàn toàn xứng đáng xếp “tốp” đầu, nếu không cũng phải trong khoảng 5 - 7, chứ không thể chỉ xếp thứ 10. Trưởng BQL KKT Bình Định Man Ngọc Lý phân bua: “Đánh giá KKT là khu tổng hợp, nhưng nội dung lại quá tập trung vào CN nặng mà chưa chú trọng đến dịch vụ du lịch. Nhiều địa phương nằm sát trung tâm như Bình Định chỉ có thể tập trung cho du lịch dịch vụ. Xét KKT Nhơn Hội ở vị trí thấp, theo tôi là không hợp lý”. Tỉnh Trà Vinh thì cho rằng, bộ hơi ưu ái KKT miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Tây thì chỉ dính một “chút” Phú Quốc. Quảng Ninh lại khẳng định KKT Vân Đồn đủ điều kiện trở thành địa điểm đầu tư du lịch chiến lược mang tính... toàn cầu, đặc biệt khi gắn với địa danh vịnh Hạ Long...
Trong khi vấn đề lựa chọn KKT vẫn được bàn cãi sôi nổi, ý kiến của GS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - đặt ra, rất đáng suy nghĩ: “Các KKT đã được lựa chọn và “ấm chỗ” rồi, vấn đề là mở lối ra nào cho những KKT còn lại, bởi không thể cứ thế “dẹp” hết những KKT kém hiệu quả được”. Theo ông Thiên, vẫn cần thảo luận tiêu chí và cần phải thống nhất “luật chơi”, bởi muốn hay không thì vẫn phải lựa chọn khi Nhà nước không thể ôm nổi hơn 200 KKT, trong bối cảnh ngân sách “lõm”. “Bài toán khó là “số phận” của những KKT không được lựa chọn. Nên chăng để cho họ có sự chủ động rõ nét hơn về tính thể chế? Tự họ tạo ra sức hấp dẫn về thể chế để thu hút đầu tư. Tôi đề nghị bộ hình thành luôn nhóm nghiên cứu cho những KKT này để bàn giải pháp song song” - ông Thiên nói.
Nghệ An cho rằng Khu kinh tế biển Đông Nam của tỉnh này có vị trí rất chiến lược, xứng đáng xếp “tốp” đầu; Trà Vinh thì cho rằng, bộ hơi ưu ái miền Bắc và miền Trung, trong khi miền Tây thì chỉ dính một “chút” Phú Quốc; Quảng Ninh lại khẳng định khu kinh tế Vân Đồn đủ điều kiện trở thành địa điểm đầu tư du lịch chiến lược mang tính... toàn cầu... |
Dương Hà
Ngày 13/7/2012 - Theo Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã