Hơn 12h trưa, chúng tôi vẫn thấy anh Đinh Quốc Tuấn (cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự phường Thống Nhất, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) cặm cụi bên vườn rau thuỷ canh của mình. Nhìn những luống rau xanh non mơn mởn, ít ai nghĩ rằng chủ nhân là một thanh niên chỉ mới 26 tuổi.
Những luống rau xanh mướt được anh Tuấn trồng theo phương pháp thủy canh
“Mình rất thích trồng rau, đặc biệt là rau thủy canh. Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch là rất lớn, mô hình rau thủy canh ở tỉnh Gia Lai chưa có nhiều nên mình muốn thử nghiệm. Vì thời gian ở cơ quan cũng nhiều nên mình chỉ biết tận dụng lúc rảnh rỗi như: Sáng sớm, giữa trưa hoặc chiều tối để chăm sóc và thu hái rau…”, Tuấn bộc bạch.
Sau 15 ngày gieo hạt trong mút xốp, anh Tuấn cho vào rọ và đưa lên giàn trồng.
Chỉ với 400m2 đất thuê của người bạn, chàng thanh niên trẻ bố trí theo mô hình nhà kính. Anh tìm mua những thanh sắt, thép rồi tự hàn thành những chiếc khung để có thể trồng được những luống rau thủy canh. Mỗi ngày anh dành 8 tiếng cho công việc chính, thời gian rảnh còn lại chăm sóc, tưới tắm và hái rau bán.
Trồng theo phương pháp thủy canh, tất cả các loại rau đều được anh chăm sóc giống nhau
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng rau thủy canh, kỹ thuật trồng rau thủy canh, chàng trai trẻ cho biết: “Thực ra, rau thủy canh trồng rất dễ chứ không khó như nhiều người nghĩ. Khi tra hạt cần đổ một ít nước vào mút xốp để giữ ẩm, khoảng 1 tuần cây nảy mầm. Khi cây được nửa tháng sẽ tách ra, cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Toàn bộ chất dinh dưỡng đã được pha sẵn vào 1 thùng phuy lớn, cứ mỗi tiếng tưới 1 lần, mỗi lần 15 phút, không tưới vào ban đêm. Vì hệ thống nước tưới mình đã lắp đặt tự động, chỉ việc bật và hẹn giờ tắt nên rất tiện lợi”.
Để tránh các loại côn trùng phá cây, anh dùng miếng dính côn trùng và mỡ bò
Nói lý do chọn mút xốp để trồng rau, chàng trai trẻ cho biết: “Thời tiết lạnh như Đà Lạt mới dùng xơ dừa, còn Gia Lai nóng nên dùng mút xốp để giữ ẩm lâu hơn cho rau. Đặc biệt chú ý, sau mỗi lần thu hoạch rau cần làm sạch những chiếc rọ nhỏ này, ngâm vào chậu thuốc tím khoảng hơn 1 tiếng, sau đó rửa bằng nước sạch để loại bỏ côn trùng”.
Những bụi xà lách Mỹ "khủng" được anh Tuấn trồng theo phương pháp thủy canh
Vì không có thời gian nên anh Tuấn mới lắp được 6 giàn, nhưng vẫn có đầy đủ các loại rau thủy canh như: Xà lách Mỹ, cải ngọt, cúc, rau thơm, cải đuôi phụng… Hàng ngày sau khi hết giờ làm ở cơ quan, anh đến vườn hái rau bán cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày anh thu hoạch 30-35 kg, với giá bán từ 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg tùy loại, thu về hơn 1 triệu đồng.
Toàn bộ khung giàn vườn rau anh đều tự hàn và lắp ráp
Rau thủy canh của anh Tuấn đưa vào một số cửa hàng rau sạch tại TP.Pleiku như Vạn Trí, Hương Quê... Để chống các loại côn trùng như kiến, ruồi, muỗi… anh dùng mỡ bò quét lên các chân chống của từng giàn rau và dùng miếng dính để bẫy.
Những cây rau con anh chuẩn bị bỏ vào rọ để đưa lên giàn chăm sóc
Chia sẻ về dự định sắp tới, Tuấn cho biết: “Thời gian tới mình sẽ lắp thêm 6 giàn nữa để tăng sản lượng, đồng thời thử nghiệm trồng dâu tây thủy canh, xây dựng vườn rau sạch theo hướng hữu cơ để đăng ký thương hiệu. Mình cũng sẽ lấy mẫu rau gửi đi kiểm tra theo tiêu chuẩn rau an toàn…”.
Hiện tại anh Tuấn cũng đang thử nghiệm gần 100 chậu dâu tây trong nhà kính
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã