Lúng túng tìm mô hình
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), không khỏi ưu tư khi nhắc tới mô hình công nghiệp hóa thành công ở hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bình Dương. Ở hai tỉnh này, công nghiệp chiếm phần lớn trong tỷ trọng nền kinh tế, nhưng "vẫn còn khoảng 50% lực lượng lao động bị kẹt ở khu vực nông thôn, năng suất lao động, thu nhập và chất lượng cuộc sống thấp". Ông Sơn cho rằng, kể cả khi được xem là công nghiệp hóa thành công, mô hình này vẫn tiềm tàng nhiều bất ổn, với khoảng 15 triệu lao động dễ gặp khó khăn về việc làm.
Những lo lắng đó được nhiều chuyên gia đồng tình tại Hội thảo về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế (tổ chức tại Hà Nội hôm 23-12). Họ thẳng thắn đánh giá: Việc "ôm đồm" quá nhiều lĩnh vực, đâu cũng là lĩnh vực "chiến lược" dẫn tới nguồn lực bị phân tán. Hệ quả là không có lĩnh vực nào đủ mạnh để vượt lên bứt phá, trở thành mũi nhọn đích thực trong phát triển kinh tế đất nước.
Câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam không thể cung cấp được ốc vít cho Công ty Samsung là một thí dụ. Mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích nhưng nền công nghiệp luyện kim và công nghiệp cơ khí của nước ta vẫn chưa đủ phát triển để có thể chế tạo ra được những con ốc đủ độ chính xác, đồng đều và giá hợp lý, để trở thành nhà cung cấp cho những doanh nghiệp lớn như Samsung. "Nhưng nếu chúng ta phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hay phát triển luyện kim, cơ khí... thì đó có thật sự là thế mạnh của chúng ta không? Hay chúng ta lại làm những điều thế giới đã thành công, và làm không tốt bằng họ?" - đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đặt câu hỏi.
Cùng băn khoăn đó, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Qua thời gian tập trung phát triển công nghiệp hóa đất nước, kêu gọi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm khoảng 16,6% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội nhưng chiếm tới 68% giá trị xuất khẩu cả nước và chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Nhưng, "Khu vực này chỉ có khoảng 5-7% sử dụng công nghệ cao, trên 70% là công nghệ trung bình, còn lại là công nghệ lạc hậu".
Còn Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước, khi đánh giá bước đầu ba năm thực hiện "Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013- 2020" thừa nhận: Mặc dù đã có những kết quả bước đầu nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Cụ thể là tốc độ tăng trưởng GDP đã chậm lại, tăng trưởng nông nghiệp cũng chững lại trong khi lẽ ra đó phải là bệ đỡ cho nền kinh tế phát triển, bội chi ngân sách cao, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm, cơ cấu kinh tế, cơ cấu vùng, ngành chưa chuyển biến nhiều...
Mô hình và triết lý phát triển mới
Hai lĩnh vực cần tập trung nguồn lực để phát triển, theo Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, là nông nghiệp và công nghệ sinh học: "Cả thế giới đều cần phải ăn. Trong khi đó chúng ta có được những lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng... vậy vì sao mà chúng ta không tìm cách tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho thế giới?". Theo ông, phát triển công nghệ sinh học với sự đầu tư tốt về khoa học kỹ thuật sẽ tạo tiền đề phát triển nông nghiệp và dược phẩm.
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn có khoảng 70% lực lượng lao động nước ta đang làm nông nghiệp với năng suất thấp và thu nhập kém. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo cơ cấu kinh tế từ khu vực này sang khu vực công nghiệp, dịch vụ cũng không đủ nhanh để tạo thành những thay đổi đáng kể. Trong khi đó, chỉ cần một vài "cú sốc" như tình trạng suy thoái kinh tế năm 2008 hoặc năm 2013 kéo dài đến nay cũng khiến tình trạng chuyển dịch ngược lại khu vực nông thôn, nông nghiệp diễn ra mạnh, xóa bỏ những thành quả trước đó.
Tập trung vào nông nghiệp để khai thác những lợi thế đặc thù là quan điểm chung của nhiều chuyên gia. Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, việc cần làm đầu tiên là tích tụ và tăng quy mô đất đai, chuyển kinh tế tiểu nông thành kinh tế trang trại.
Đi kèm với giải pháp đó, đội ngũ nông dân được đầu tư đào tạo để trở thành những nông dân chuyên nghiệp, có trình độ và tay nghề cao. Những nông dân chuyên nghiệp phải được tập trung lại trong các Hiệp hội chính quy để được hưởng các ưu đãi đặc biệt. Sản xuất nông hộ theo hướng đó sẽ tiến lên hiện đại hóa với quy mô lớn và công nghệ tiên tiến... "Nông nghiệp sẽ khó cải thiện được chất lượng và năng suất, nếu vẫn theo cách tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay", ông Sơn khẳng định.
Rõ ràng, việc đưa ra một mô hình tăng trưởng mới với những trọng tâm mới đang là vấn đề bức thiết, khi mô hình tăng trưởng cũ không thể hiện được những ưu điểm và hiệu quả. Đi cùng với mô hình - triết lý phát triển mới, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, lợi thế cạnh tranh đích thực chỉ có thể được tạo nên bởi những trọng tâm được lựa chọn kỹ lưỡng và thực tế, trong tương quan so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
Thực tế đang đòi hỏi, muốn tạo được đột phá, các chính sách phát triển kinh tế vĩ mô cần phải được đánh giá và thiết kế lại. Cần tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, đưa ra chủ thể trọng tâm để tập trung nguồn lực phát triển.
LÊ PHƯỢNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã