Sau những cơn mưa đầu mùa tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại của anh Đỗ Văn Một ở thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc- một nhân tố mới trong phong trào trồng rau, trái an toàn. Với định hướng thị trường bán lẻ, giao tận nhà cho người tiêu dùng, chủ trang trại đang ấp ủ nhiều dự định mới…
Khách tham quan trang trại trồng rau của gia đình anh Đỗ Văn Một.
Đất cằn không phụ lòng người
Theo lời chỉ đường của người dân địa phương, chúng tôi men theo đoạn bê tông còn mới coóng và chưa hoàn thiện để vào đến trang trại Giếng Xó. Trang trại rộng 5 ha, tựa lưng vào dãy núi Đá Bàn. Đó cũng chính là tên gọi khá lạ, mang tên trang trại Giếng Xó.
Trang trại được hình thành từ 3 năm nay, và vẫn không ngừng hướng đến mở rộng quy mô. Thời điểm chúng tôi đến, chủ trang trại cũng vừa trở về từ chuyến giao hàng dưa lưới mới thu hoạch cho khách tại Phan Thiết. Theo chia sẻ của anh Một, mặt hàng dưa lưới dù chỉ mới trồng 1 năm nay, nhưng hiệu quả kinh tế cao và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Trước mắt chúng tôi là một không gian rộng lớn, đã được bao quanh bởi hàng rào xây chắc chắn. Phía bên phải là 2 dãy chuồng trại, với trên 1.000 con heo nuôi gia công. Bên trái là một nhà màng rộng 2.000 m2, mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng.
Bên trong nhà màng trồng rất nhiều loại rau xanh ăn lá tươi tốt như mồng tơi, cải ngồng, cải thìa, cải bẹ xanh, bí đao, dưa leo và khổ qua…chuẩn bị xuất bán. Ấn tượng nhất là không gian với khoảng 300 cây dưa lưới đang đúng độ thu hoạch, chín vàng và cân nặng đều trên 1kg/trái.
Dẫn chúng tôi vào tham quan nhà màng, anh Đỗ Văn Một chia sẻ: Toàn bộ rau ăn lá và dưa lưới đều được trồng trên giá thể hữu cơ. Hạt giống sau khi ươm, được tách ra trồng trên giá thể từ 7-10 cm, gồm xơ dừa, phân bò…cùng hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp ống phun sương trên cao. Quan trọng nhất trong quy trình chăm bón là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo anh Một, mặc dù hiện nay chi phí đầu tư cao, đầu ra sản phẩm rất hạn chế do giá thành cao hơn nhiều so với rau truyền thống. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của chủ trang trại, xu thế tất yếu của người tiêu dùng hiện đã bắt đầu quan tâm đến thực phẩm sạch, an toàn để đảm bảo sức khỏe. Do đó, việc đầu tư vào sản xuất rau theo hướng hữu cơ là một hướng đi đúng.
Chú trọng thị trường bán lẻ
Anh Một cho biết, hiện các loại rau ăn lá và dưa lưới đều được sản xuất liên tục, mỗi lứa khoảng 35 ngày. Giá bán lẻ giao tận nhà của trang trại là 65.000 đồng/kg dưa lưới và các loại cải 35.000 đồng/kg. Mặc dù mức giá này khá cao so với thị trường, nhưng chủ trang trại cho biết sản phẩm đều tiêu thụ hết ở khu vực TP. Phan Thiết và TP. Hồ Chí Minh tại kênh bán lẻ.
Có mặt tại trang trại Giếng Xó, cô Anh (TP. Phan Thiết) - một người tham quan sau khi được thưởng thức trái dưa lưới vừa hái từ cây đã trầm trồ bởi vị ngọt thanh của giống dưa lưới vàng. Cô Anh cho biết, dù giá cả khá cao nhưng nếu là rau, trái cây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì việc tìm kiếm “mâm cơm an toàn” cho gia đình cũng không có gì đắn đo.
Còn đối với chủ trang trại, suốt mấy năm trời dồn sức lực, tâm huyết để hình thành nên trang trại Giếng Xó ngày nay đã là sự nỗ lực lớn. Tuy vậy, hiện quy mô hình sản xuất còn khá khiêm tốn, nhiều thời điểm không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Anh Một cho biết: Trong thời gian tới, khi người tiêu dùng đã tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiêu thụ nhiều, tôi sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà màng, sản xuất theo hướng công nghệ cao, phát triển bền vững trong tương lai.
Hiện nay trên địa bàn xã Hồng Sơn nói riêng và Hàm Thuận Bắc nói chung đã có khá nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP và mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn. Tuy nhiên, để đạt được các chứng nhận về VietGAP, chứng nhận rau sạch hữu cơ, chứng nhận truy xuất nguồn gốc… của các tổ chức trong và ngoài nước quả thật không hề dễ dàng. Và muốn phát triển rau sạch hữu cơ bền vững, trang trại Giếng Xó cũng đang nỗ lực từng ngày, nhất là đảm bảo sự hài hòa giữa chăn nuôi heo và trồng rau sạch... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã