Về xóm 11, xã Hải Quang, chúng tôi tới thăm vườn đinh lăng rộng gần 3ha của ông Bùi Văn Sớm với hàng chục nghìn gốc cây đinh lăng đủ các độ tuổi đang xanh mơn mởn. Trong câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, trước khi bắt tay trồng cây đinh lăng, ông Sớm làm nghề đi thu mua đinh lăng tươi của bà con trong tỉnh về xấy khô để bán cho các công ty dược...
Ông Bùi Văn Sớm đang đi kiểm tra tốc độ phát triển của vườn đinh lăng nhà mình.
Trong quá trình đi thu mua đinh lăng, ông Sớm nhận thấy đây là loại cây khá dễ trồng, có đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế rất cao. Đến đầu năm 2012, ông quyết định chuyển đổi 2 mẫu đất của gia đình để trồng đinh lăng và sau khoảng 3 năm lứa đinh lăng này cho thu hoạch, giúp gia đình ông có nguồn thu không hề nhỏ.
Khởi nghiệp từ 2 mẫu đinh lăng làm vốn, nhận thấy trồng loại cây này cho hiệu quả kinh tế cao, ông tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình. Sau hơn 6 năm, đến nay quy mô trồng cây dược liệu của gia đình ông Sớm đã lên tới hơn 8 mẫu (gần 3ha). Trung bình mỗi năm, gia đình ông Sớm xuất bán ra thị trường vài chục tấn đinh lăng tươi, sau khi trừ hết chi phí gia đình ông lãi hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng đinh lăng với Dân Việt, ông Sớm cho biết, cây đinh lăng khá dễ trồng nhưng thời gian để được thu hoạch khá lâu. Thường sau khi trồng ít nhất khoảng 3 năm mới được thu hoạch. Nhưng đổi lại trồng loại cây dược liệu này lại cho thu nhập cao gấp 10 lần so trồng lúa.
Cũng theo ông Sớm, trung bình cứ sau 3 năm trồng thì một sào đinh lăng có thể cho thu hoạch khoảng 3 tấn đinh lăng tươi, giá bán hiện tại dao động khoảng trên dưới 23.000 đồng/1kg. Sau khi trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi một năm cũng lãi từ 15 - 20 triệu đồng/sào.
Nhờ trồng đinh lăng mà mỗi năm gia đình ông Ông Bùi Văn Sớm lãi hàng trăm triệu đồng.
“Cây đinh lăng không đơn thuần là cây “xóa đói giảm nghèo” mà còn là cây làm giàu cho người nông dân. Đây là loại cây vô cùng dễ trồng nên ai cũng có thể trồng được, nhưng vẫn cho hiệu quả không thua kém gì so với các loại cây đòi hỏi kỹ thuật cao” ông Sớm cho hay.
Ông Bùi Văn Sớm phân tích: "Trồng đinh lăng, cái lợi thứ nhất là anh không phải lo “đầu ra”, cứ yên tâm mà chăm sóc cây phát triển theo quy trình được hướng dẫn vì công ty dược đã cam kết với người dân thu mua cao hơn so với giá thị trường. Thứ hai, qua tham gia các đợt tập huấn về trồng cây dược liệu lâu năm, kiến thức trồng trọt của anh cũng như của người dân được mở rộng, số lượng cây trồng mới bị chết ít, năng suất chất lượng nâng lên...".
Hiện tại gia đình ông đã ký kết hợp đồng với Cty Cổ phần Traphaco một năm cung cấp 100 tấn đinh lăng khô (tương đương 500 tấn đinh lăng tươi). Không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng đinh lăng nhà mình và vận động các hộ dân trong xóm, trong xã cùng trồng.
Từ nhiều năm nay, bình quân gia đình ông thu mua từ 400 - 500 tấn đinh lăng tươi cho bà con trong và ngoài huyện về sơ chế, xấy khô xuất bán cho Công ty Cổ phần Traphaco. Qua đó đã tạo việc làm thường xuyên cho cho hàng chục lao động với mức 150 nghìn đồng/ngày.
Bằng ý chí, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, ông Bùi Văn Sớm đã gặt hái được thành công từ mô hình trồng cây đinh lăng của mình. Mô hình trồng cây đinh lăng của gia đình ông Bùi Văn Sớm ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã