Thấy anh có sẵn mặt ao gần 3 công đất, bà con chòm xóm mới khuyên đi qua cồn Bà Hòa, cù lao Ông Hổ để học hỏi kỹ thuật trồng rau nhút thả trên mặt nước.
Hỏi mua giống, người ta không bán; hỏi kỹ thuật thả trên mặt, không ai chỉ; tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, người nào cũng nói lớt phớt! Thế nhưng, đến nơi tận mắt xem qua, anh cũng đã có khái niệm được đôi chút về mô hình “Trồng rau nhút thả trên mặt nước” và có thể ứng dụng được vào ao vườn của mình.
Thu hoạch rau nhút thả trên mặt nước.
Quyết chí chuyển nghề, anh Phúc mới lân la, tiếp cận bạn hàng ngoài chợ Long Xuyên vô bỏ mối rau nhút vùng Phú Thuận, rồi tìm đến vùng Trà Úi (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) gặp người chuyên trồng rau nhút bán giống.
Vậy là, tháng 10 năm ngoái, anh quyết định gầy dựng mô hình thử nghiệm với vài ký lô giống. “Ao của tui có chiều dài, tui mua dây chì căng theo, phân luống khoảng cách vừa phải để còn bơi xuồng thu hoạch.
Còn rau nhút giống, tui cắt ra bốn, năm tấc rồi buộc chùm bốn, năm cọng thả” – anh Phúc kể. Sau đợt đầu tiên, khoảng 10 – 15 ngày bắt đầu thu hoạch; nhưng năng suất không cao, vả lại kỹ thuật phòng trị bệnh chưa biết, sâu bệnh phát sinh dữ dội, khiến vợ chồng lúng túng trong biện pháp xử lý tình huống.
Khi nắm được chu kỳ sinh trưởng của loài rau thủy sinh, thời điểm xuất hiện sâu bệnh, anh chuyển từ phun xịt thuốc hóa chất sang ứng dụng sinh học, mà vẫn phát triển xanh tốt, hạn chế sâu bệnh, sức khỏe cho mình và người sử dụng rau.
Anh Phúc cho hay, vừa làm vừa học, nhờ chịu khó để ý nghe bạn hàng và người tiêu dùng nên không bao lâu thì anh nắm vững kỹ thuật. Ao vườn gần 3 công đất, anh quyết định thả toàn bộ rau nhút có vú, mỗi ngày thu hoạch trung bình 100kg và bán giá 5.000đ/kg tại chợ Phú Thuận.
Bây giờ, có số lượng nhiều rồi, anh không còn ngồi chợ nữa, mà xế chiều lấy xe chở xuống giao cho bạn hàng và lấy tiền liền. Điều quan trọng hơn là rau nhút của anh trồng được bà con rất ưa chuộng, vùng Kênh Đào, Bờ Hồ, Vĩnh Khánh… thích dùng cho các món ăn như bún cá, mắm, chấm cá kho… trong bữa ăn hàng ngày.
Phát huy thắng lợi của mô hình “độc nhất vô nhị” ở vùng Phú Thuận, anh còn chủ động nhân giống để tự thay đổi cho cây trẻ phát triển tươi tốt, đạt năng suất cao hơn, vừa khỏi phải tốn tiền mua giống rau nhút mới từ 8.000đ – 10.000đ/kg.
Hiện nay, mỗi ngày anh Lê Văn Phúc thu vô 500.000 đồng tiền bán rau nhút từ diện dích mặt ao gần 3 công đất, chiết tính tiền thuốc sinh học và phân bón theo định kỳ, còn lợi nhuận trên 480.000 đồng.
Báo An Giang online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã