Vững vàng nơi biển khơi. Ảnh: Vũ Anh Tuấn |
“Ai cắm mốc đầu tiên lên đảo?”
Tròn 20 năm giã từ binh nghiệp, cũng chừng ấy năm CCB Dương Hải Nam chia xa những con sóng bạc đầu ngày đêm gầm gào giữa những đảo chìm, đảo nổi Trường Sa. Tuy nhiên, trong giọng nói hào sảng của ông bây giờ vẫn còn âm ba sóng bể. Có một vùng đại dương xanh thẳm mãi mãi nằm lại trong trái tim ông, nên mỗi lần có ai gợi nhớ về năm tháng ấy, những lớp sóng ký ức lại dội về mạnh mẽ trong lồng ngực, tung bọt nơi khóe mắt và gương mặt với nước da đã lên màu nâu bóng lại biểu hiện những xúc cảm khác thường…
Ông Nam sinh năm 1959 ở xã Kỳ Phú (Kỳ Anh), hiện cùng vợ con sinh sống tại xã Kỳ Đồng. Năm 1982, khi đang theo học Đại học Tây Nguyên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng thanh niên Dương Hải Nam phải từ giã khoa cử trở về quê. Tháng 9/1982, Dương Hải Nam trở thành chiến sỹ tân binh của vùng 3 Hải quân đến tháng 5/1984 thì trở thành pháo thủ pháo cao xạ 37 đảo Bạch Long Vĩ vùng 1 Hải quân. Tháng 10/1987, ông được điều về tàu HQ 505, giữ chức bí thư đoàn cơ sở và trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đây chính là điểm bắt đầu cho miền ký ức không bao giờ nhạt phai trong tâm thức ông.
Trò chuyện cùng tôi, ông Nam trầm ngâm: “Hơn 10 năm lính hải quân, đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Trường Sa rất nhiều nhưng kỷ niệm ăn sâu vào ký ức của tôi chính là lần chiến đấu bảo vệ đảo Cô Lin tháng 3/1988. Chiều 13/3, năm đó, sau khi vừa hoàn thành đợt trực tết hơn 1 tháng tại đảo Đá Lớn, tàu 505 của chúng tôi nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân lên đảo Cô Lin để cắm cờ và mốc chủ quyền. Đó là một buổi chiều biển khá hiền hòa, trời và nước như hòa làm một, 56 CBCS tàu HQ 505 rời đảo Đá Lớn trong những xúc cảm thiêng liêng và quyết tâm ngùn ngụt. Trong suốt hành trình từ đảo Đá Lớn sang đảo Cô Lin, tàu HQ 505 liên tục bị tàu khu trục của Trung Quốc chạy kè kè bên cạnh để giương oai, thậm chí còn cắt ngang hành trình nhằm uy hiếp, nhưng tất cả những điều đó chỉ làm tăng thêm quyết tâm của CBCS trên tàu. Đêm 13/3/1988, chúng còn thả tàu trôi hăm dọa suốt đêm. Cũng đêm đó, cấp ủy, chi bộ họp khẩn, quyết định giữ tàu bằng mọi giá để giữ đảo dù vũ khí trên tàu khi ấy chỉ có mấy khẩu AK và súng ngắn”…
Lật giở những kỷ vật của quãng đời binh nghiệp cũng là cách để CCB Dương Hải Nam được sống lại những năm tháng hào hùng. |
Kể đến đây, dòng ký ức như dội lên phía lồng ngực, giọng nói vốn có âm vực cao của người cựu binh bỗng nhiên trầm lắng, nghẹn ngào, gương mặt rắn rỏi của ông bỗng nhiên dịu lại. Có lẽ những xúc cảm thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin năm ấy đã trở về vẹn nguyên giữa cuộc gặp gỡ. Qua đi những xúc động mạnh ấy, ông Nam tiếp tục kể: “6h sáng 14/3, tôi cùng Đại úy Trần Anh Tư dẫn đầu 2 tốp lên cắm cờ trên đảo Cô Lin. Trong quá trình chúng tôi cắm cờ, tàu của Trung Quốc vẫn phong tỏa ngoài biển để uy hiếp nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, chúng tôi vẫn bình tĩnh, lặng lẽ làm công việc của mình. 6h50’, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo, đó là lúc mọi cảm xúc đều vỡ òa. Lúc ấy, người đồng đội của tôi đã sung sướng thốt lên một câu: “Ai cắm cột mốc đầu tiên lên đảo?”. Có sống đến kiếp nào đi nữa, tôi cũng không thể nào quên được xúc cảm thiêng liêng, tự hào lúc ấy”…
Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước…
Cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1988 còn có rất nhiều người con quê hương Hà Tĩnh. Giữa muôn trùng giông tố khơi xa, họ lắm khi chỉ mới nhận mặt đồng hương qua giọng nói, chưa kịp biết tên tuổi, chưa kịp nhớ về nhau. Và bây giờ khi trở về giữa thời bình, ai cũng mang trong mình mong muốn được gặp lại đồng đội cũ.
Cơ duyên giữa tôi và CCB Dương Hải Nam chính là bài báo tôi viết về CCB Lê Hữu Thảo – người đã từng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đảo Gạc Ma. Tờ báo phát hành được 1 ngày thì tôi nhận được thư tay của ông, bức thư bày tỏ sự vui mừng khi biết được thông tin về một trong những đồng đội ông từng ứng cứu sau trận hải chiến Gạc Ma. Bức thư bày tỏ mong ước tha thiết được gặp lại CCB Lê Hữu Thảo. Mặc dù đã liên lạc với CCB Lê Hữu Thảo nhưng lời hẹn hò ấy vẫn chưa thực hiện được vì hiện anh Thảo đang dang dở hành trình về thăm thân nhân đồng đội cũ đã từng chiến đấu tại Gạc Ma.
Năm 1988, cùng thực hiện nhiệm vụ như tàu HQ 505, tàu HQ 605 ở đảo Len Đao và tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma; tuy nhiên, điều may mắn đã không xảy ra với CBCS tàu HQ604 khi lính Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo dàn vòng tròn vây kín uy hiếp rồi nổ súng và bắn chìm tàu 604 rồi mới chịu rút ra khơi xa… Gặp CCB Dương Hải Nam, tôi được biết thêm: Lúc tàu 604 bị bắn chìm, Thuyền trưởng tàu 505 - Thiếu tá Vũ Huy Lễ đã họp cấp ủy cử Trung úy Dương Hải Nam bơi xuồng ra cứu các đồng đội ở đảo Gạc Ma. Khi ấy có người đang ẩn nấp trên đảo, có người đang ôm ván bơi ngoài khơi, có người bị thương nặng, có người đã hy sinh… Xuồng công binh của tàu 604 được ông Nam phát hiện và lai dắt về tàu 505, lúc ấy có anh Trần Văn Phương (đã hy sinh), anh Trần Văn Lanh (bị thương nặng), anh Lê Hữu Thảo vừa bơi từ ngoài khơi vào và nhiều đồng chí nữa… Chiều cùng ngày, công việc chuyển liệt sỹ, thương bệnh binh và CBCS lên đảo Sinh Tồn hoàn thành và sáng hôm sau, lễ truy điệu, mai táng anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương diễn ra rất xúc động. Cuối năm 1988, Trung úy Dương Hải Nam vinh dự được Chủ tịch nước Võ Chí Công tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì về thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ông tiếp tục gắn bó với binh nghiệp tại quần đảo Trường Sa đến năm 1993 mới xuất ngũ; còn người đồng chí, đồng đội Lê Hữu Thảo thì xuất ngũ năm 1988 rồi đi lao động tại Đức.
Nhiệm vụ thường xuyên. Ảnh: Vũ Anh Tuấn |
Hiện nay, cả 2 người đều đang sống tại Hà Tĩnh, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai cũng mang nặng trong lòng nỗi nhớ thương đồng đội khôn nguôi. Tuy hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng vừa qua, thông qua mạng xã hội facebook, CCB Lê Hữu Thảo đã tìm được về quê của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, thăm mẹ anh và thắp nén hương thơm lên mộ người đồng đội năm xưa. Hiện nay, với sự giúp đỡ về tài chính của một số bạn bè, Lê Hữu Thảo đang tích cực tìm kiếm thông tin và lần lượt tìm về tận từng gia đình đồng đội để thắp nhang cho người đã khuất, để hội ngộ với người còn sống. Còn ông Dương Hải Nam thì lại luôn tìm kiếm thông tin trên báo để liên lạc và tìm gặp đồng đội cũ.
Mặc dù tôi chưa hoàn thành việc xâu nối cho cuộc gặp gỡ giữa 2 cựu binh Trường Sa Dương Hải Nam và Lê Hữu Thảo, nhưng tôi tin qua những bài viết của mình, họ đã tìm thấy nhau để một ngày không xa, niềm vui hội ngộ sẽ đến, làm vợi bớt nỗi nhớ thương đồng đội, để họ lại có thêm động lực đi dọc đất nước tìm lại nhau trong bài ca bất tử về lòng yêu nước…
Theo Baohatinh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã