Bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với những cải tiến của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng như kỳ vọng vào những câu trả lời trọng tâm, giải đáp được những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng của cử tri, người dân.
Ủng hộ phương thức “Hỏi nhanh đáp gọn”
Bày tỏ đồng tình, ủng hộ phương thức “Hỏi nhanh đáp gọn,” theo đó mỗi đại biểu có một phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đánh giá, thời gian một phút đặt câu hỏi với đại biểu là đủ, tuy nhiên đại biểu cần đi thẳng vào vấn đề.
Đại biểu cho rằng câu trả lời của các Bộ trưởng chỉ kéo dài trong 3 phút là “căng,” do đó các Bộ trưởng cần trả lời thẳng vào vấn đề, không nên tranh thủ để báo cáo thêm thành tích, câu trả lời cần chính xác.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc “Hỏi nhanh đáp gọn” có cải tiến nhằm giúp đại biểu hỏi thẳng vào vấn đề, không luận giải nhiều. Điều này đặt ra cho đại biểu phải cân nhắc để có những câu hỏi chính xác, có cách hỏi rõ ràng, ngắn gọn, súc tích hơn.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, phương thức “Hỏi nhanh đáp gọn” sẽ giúp tăng thêm số lượng đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, tăng tính tranh luận, phản biện và nâng cao chất lượng cho câu hỏi và trả lời.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến: “Với những vấn đề lớn mang tính chiến lược thì bộ trưởng sẽ trả lời tốt còn nếu vấn đề quá nhỏ, vụn vặt thì cũng rất khó vì ngành rất rộng, khó có thể trả lời cụ thể.”
Cũng theo đại biểu, đây là dịp để đại diện của cử tri, nhân dân yêu cầu các cơ quan hành pháp trả lời trước dân về những vấn đề bức xúc trong xã hội.
Đồng tình với bốn nhóm vấn đề Quốc hội đưa ra
Nhất trí cao với bốn nhóm vấn đề Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp này, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đây không chỉ là những vấn đề thời sự mà còn là vấn đề xã hội, được cử tri rất quan tâm. Đây là những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống xã hội.
Cử tri đều mong muốn được người có trách nhiệm giải đáp một cách đầy đủ để Quốc hội và cử tri tiếp cận với những thông tin, qua đó thấy được trách nhiệm của từng tư lệnh ngành đối với những mục tiêu của Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.
Quan tâm đến phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề cập đến vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đại biểu, hiện nay lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đa phần là lao động phổ thông, nói một cách nôm na là lao động chân tay, thu nhập thấp. Mặc dù có phần cải thiện cuộc sống gia đình nhưng vẫn rất bấp bênh.
Đặc biệt có những tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài không đúng quy định, "mang con bỏ chợ" làm ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người lao động.
Về vấn đề quản lý, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hiện trẻ em, đặc biệt là trẻ em mầm non còn rất ngây thơ, non nớt đã phải chịu cảnh bạo hành, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ. Điều này đòi hỏi phải làm thế nào có giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng xâm hại trẻ em.
Cũng quan tâm đến vấn đề lao động việc làm, đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đại biểu sẽ chất vấn vấn đề lao động việc làm trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đại biểu nêu ý kiến muốn chất vấn: “Lao động của chúng ta hiện nay đang ở mức độ nào, giai đoạn nào, có phù hợp, có cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập? Có một sự giao thoa, luân chuyển khá tự do giữa các nước với nhau, đặc biệt là 8 nhóm ngành tự do luân chuyển trong khu vực ASEAN, liệu cách thức đào tạo nghề về chuyên môn, kỹ thuật như hiện nay có cạnh tranh được lực lượng lao động của các nước ngay trên sân nhà hay không?”./.