Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên được đánh giá là sự kiện lớn nhất về thảo luận chính sách nông nghiệp một cách công khai và là diễn đàn mở để các chuyên gia và những ai quan tâm tham gia trao đổi, chia sẻ cảm nhận, kết quả nghiên cứu và kiến nghị chính sách cho ngành nông nghiệp. Tại Diễn đàn lần này, nhiều chuyên gia tỏ rõ lo lắng về “sức khỏe” nền nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị cho hội nhập quốc tế.
Tiền thu từ xuất khẩu gạo chỉ ngang tiền uống bia?
Nêu cảm nhận của bản thân về tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, TS Phạm Chi Lan chia sẻ: “Tôi thấy vừa mừng vừa lo, lo nhiều hơn mừng”. Bà Lan đặt vấn đề: Người ta nói triển vọng mới, cơ hội mới của hội nhập rất nhiều, nhưng liệu triển vọng đó nước ta có đủ sức nắm bắt hay không? Và ai là người hưởng lợi chính của quá trình hội nhập đó?”.
Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn |
Bà Lan lo lắng rằng, thực tế nhiều năm qua, ở nước ta có tình trạng có những ngành cứ mãi tự hào với thành tích của mình. Đối với ngành nông nghiệp, Việt Nam vẫn tự hào có thứ hạng cao về xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, điều, tiêu, cà phê… Nhưng theo bà Lan, “thứ hạng cao đó vẫn chỉ là về số lượng. Còn vấn đề cần đặt ra là thứ hạng cao nhưng giá trị thực thu về cho nền kinh tế, cho người nông dân là bao nhiêu? Thử so sánh khi ta xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, nhưng người dân nước ta đã chi ra đến 3 tỷ USD để uống bia. Vậy bao nhiêu công sức nông dân vật lộn với ruộng đồng làm ra gạo chỉ đáng ngang tiền uống bia, như thế có đáng không? Không những thế, gạo Việt Nam cạnh tranh rất vất vả với gạo của các nước khác”.
Thực tế này, theo bà Lan, “nguyên nhân quan trọng là do chúng ta cứ mải say sưa với thành tích về số lượng mà chưa quan tâm tìm giải pháp để gia tăng chất lượng, giá trị”.
PGS.TS Vũ Trọng Khải (nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TPHCM) cảnh báo: “Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, không chỉ lạc hậu về mọi mặt, mà điều nguy hiểm hơn cả sự lạc hậu là, nó đang đầu độc cả dân tộc một các hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn. Nếu không khắc phục tình trạng này, nền nông nghiệp Việt Nam chẳng những không tận dụng được cơ hội do hộp nhập quốc tế mang lại, mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm. Khi đó, sự tổn thất cho nông nghiệp, nông dân nói riêng và cho cả nền kinh tế và người dân Việt Nam nói chung, là hết sức to lớn”.
Đồng quan điểm đánh giá có thực trạng này, TS. Phạm Chi Lan cảnh báo: “Với thực tế đó, nếu nước ngoài mang sản phẩm vào nước ta mà có chất lượng tốt hơn, an toàn hơn thì người tiêu dùng không thể cứ nghe mãi sự hô hào yêu nước thì dùng hàng Việt…. Rất tiếc là Diễn đàn lớn thế này mà không thấy vị nào lãnh đạo ngành nông nghiệp đến nghe các báo cáo nghiên cứu và những phát biểu rất tâm huyết của các chuyên gia đóng góp cho ngành. Như thế, có thể chuyên gia cứ chia sẻ với nhau thôi, còn không biết các kiến nghị, đề xuất này có tác động được đến nhà làm chính sách nông nghiệp hay không và nếu đến thì đến được bao nhiêu?”.
Là đại diện từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, TS. Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, phân trần: “Diễn đàn lần đầu do Cục Kinh tế hợp tác chủ trì tổ chức. Có mời lãnh đạo Bộ, nhưng lãnh đạo Bộ lúc nào cũng bận. Dịp này có quá nhiều sự kiện. Nhưng chúng tôi sẽ truyền đạt thông tin từ diễn đàn này tới các lãnh đạo, có kiến nghị bằng văn bản cụ thể theo chức năng của Cục”.
Quá nhiều quy hoạch, ưu đãi chủ yếu trên giấy
Nhiều chuyên gia còn thắc mắc về việc Việt Nam luôn nói coi trọng nông nghiệp, nhưng quy hoạch và các chính sách hỗ trợ, đầu tư nhà nước cho ngành còn mờ nhạt, thiếu sức nặng. TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đặt vấn đề: “Việt Nam hiện nay không thấy có quy hoạch đất cho trồng cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn gia súc. Trong khi đó, nước ta phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi giá trị hơn 4 tỷ USD mỗi năm. Trách nhiệm này của ai?”
TS. Lê Đức Thịnh tranh luận: Không thể nói Việt Nam không có quy hoạch. Trong ngành chăn nuôi, có các quy hoạch về đối tượng sản xuất cây gì, con gì và cả các giải pháp về đồng cỏ, diện tích canh tác... Cho nên, “không phải không có quy hoạch mà có quá nhiều quy hoạch thì đúng hơn. Thậm chí, dường như không muốn làm gì thì họ đem quy hoạch. Vấn đề ở chỗ quy hoạch thế nào và ai thực thi nó? Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Trong thực tế có tình trạng quy hoạch và thực tế không dễ khớp, ví dụ về cây hồ tiêu được quy hoạch 50.000 ha. Nhưng khi giá tăng lên hơn 200 triệu đồng/tấn, diện tích cây tiêu đã vượt lên thành 250.000 ha. Chuyện quy hoạch diện tích cây thức ăn chăn nuôi, ví dụ ngô, đậu tương không phải không có mà là quy hoạch nhưng mãi không thấy trồng ra được cây. “Cái vướng là có chính sách nhưng không có giải pháp thực thi. Thành ra, có rất nhiều chính sách, nhưng không kiểm tra, giám sát thực thi chính sách.
Ông Thịnh còn cho biết, ở nhiều nước khác, phòng Nông nghiệp không phải cơ quan hành chính Nhà nước mà là cơ quan dân bầu lên để kiểm tra, giám sát thực thi, phản biện lại chính sách Nhà nước.
Tiếp tục câu chuyện về quy hoạch, GS Võ Tòng Xuân cho hay: “Quy hoạch đất đai sản xuất nông nghiệp thì thực ra tỉnh, huyện, xã đều làm và làm từ lâu. Nhưng vấn đề chính phải là quy hoạch trồng cây gì thì ai sẽ mua sản phẩm của nó? Chủ trương về đảm bảo an ninh lương thực ăn sâu vào đầu lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương lâu nay nên cứ động đến đất lúa là ai cũng sợ”.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, quy hoạch phải bắt đầu từ thị trường. Khi có thị trường tiêu thụ thì bảo nông dân làm không khó. Ví dụ, câu chuyện tại tỉnh Tây Ninh là, khi đang trồng mía, lãi chỉ được khoảng vài triệu mỗi ha, thậm chí còn lỗ. Nhưng thấy khoai mì có giá tăng cao, người dân bỏ mía chuyển sang trồng khoai mì, lãi mấy chục triệu mỗi ha. Phản ứng này, GS Xuân bình luận “họ làm thế cũng đúng thôi, tránh sao được”.
Cho nên, GS Xuân cho rằng, “nếu như sau này vải thiều của Việt Nam nổi tiếng, nhu cầu thế giới nhiều, giá cao lên, địa phương có lợi thế cây vải thiều có khi nên chuyển từ đất lúa sang trồng vải thiều để bà con giàu hơn. Mà khi giàu rồi thì có tiền mua gạo ngon ăn thôi. Tức là ta không nên cứng nhắc quy hoạch lâu nay ở đâu trồng cây gì thì cứ thế”. Hơn nữa, “nói dồn điền đổi thửa để giảm manh mún đất đai là đúng, nhưng cần phải ghép lại trên cơ sở hợp tác sản xuất để có sản phẩm tốt và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Không nên ghép đất đai lại để sản xuất ra sản phẩm không hợp thị trường hoặc thị trường không cần”.
TS.Phạm Chi Lan cho rằng, “cứ nói nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế, nhưng chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân đáng được bao nhiêu? Đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp không những không tăng mà còn giảm đi khoảng 50% sau khi gia nhập WTO (từ 12% xuống còn 6% như hiện nay). Có nhiều ưu đãi thực ra chỉ là trên giấy, trong thực tế vẫn còn phải cò cưa. Nhà nước là người làm trọng tài, kết nối để nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp hợp tác với nhau. Nhưng nhà nước chưa làm tốt vai trò của mình. Có khi Nhà nước làm quy hoạch, hướng nông dân, doanh nghiệp làm cái này, cái kia, nhưng khi không hiệu quả, thua thiệt thì Nhà nước không trách nhiệm gì.
“Nếu Nhà nước ta không ra soát chính sách để điều chỉnh cho phù hợp khi hội nhập thì vẫn sẽ rất khó thành công”-bà Lan nhấn mạnh./.