Nông nghiệp đang bị "vắt kiệt" Nông nghiệp được coi là "cứu cánh" của nền kinh tế, riêng trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt hơn 27,5 tỷ USD và là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng đạt 10,6 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) nhận định: "Tấm đệm chống sốc cho cả nền kinh tế đất nước mỏng lắm rồi. Cấp thiết phải thay đổi cách làm nông nghiệp, vì cách làm như hiện nay không thể đưa chúng ta vào tương lai được nữa. Sản lượng của nhiều loại nông, lâm, thủy sản (NLTS) đã đạt ngưỡng không thể tăng thêm, muốn gia tăng giá trị xuất khẩu chỉ còn cách phải tạo ra sự đột phá về chế biến sản phẩm, tái cơ cấu lại các ngành hàng". Những năm qua, nông nghiệp sống trong sự hào nhoáng của những danh hiệu nhất, nhì thế giới về xuất khẩu cá tra, hồ tiêu, điều, lúa gạo, càphê…; thế nhưng, thu nhập của nông dân trồng lúa ngày càng thấp đi. Chúng ta xuất khẩu gạo nhưng chưa tính giá đất, giá nước, môi trường vào giá thành; hàng năm phải áp dụng chính sách để chiếu cố quyền lợi người sản xuất lúa. Thực tế, nông dân nước ta vẫn nghèo, vẫn khổ trong phân khúc cạnh tranh thấp nhất thị trường. Sản xuất nhiều, giá trị ít, đó là mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ, khai thác cạn kiệt tài nguyên; chấp nhận công nghệ lạc hậu, ô nhiễm để đổi lấy lợi thế cạnh tranh là bán rẻ, khối lượng nhiều, chất lượng thấp. Mô hình đó đã hết động lực, không thể đưa đất nước đi lên trong tương lai. TS.Đặng Kim Sơn cho rằng, nông nghiệp đang "kiệt sức", khi tỷ lệ đầu tư vào ngành này đang giảm. Nhưng nếu đợi đến khi công nghiệp hóa (CNH ) xong mới lấy nguồn lực từ CNH đầu tư trở lại cho nông nghiệp thì quá muộn. Nhiều nước đợi giàu rồi mới quay lại bù đắp cho nông nghiệp nhưng rút cuộc được đô thị thì mất nông thôn, công nghiệp cũng kém mà nông nghiệp hỏng. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải hướng vào những ngành chúng ta có lợi thế, không nên coi nông nghiệp là nền tảng (dưới thấp), là nguồn để lấy đi nguyên liệu, là tấm đệm đỡ đòn mà phải xem đó là cội nguồn phát triển, là thế mạnh cạnh tranh của quốc gia. Phải coi nông nghiệp là đòn xoay, trụ đỡ, là hạt nhân của công nghiệp, dịch vụ. Điều chỉnh đất đai trong sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề trọng đại nhất hiện nay. Theo TS.Vũ Trọng Bình, Phó viện trưởng Ipsard, với nông nghiệp, quan trọng nhất là tái cấu trúc sử dụng nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư. Phải bắt đầu bằng bố trí lại sử dụng không gian nông nghiệp để bảo đảm cho sự phát triển hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, đô thị, biến đổi khí hậu, quá trình toàn cầu hóa, gắn với phát triển xã hội nông thôn. Đâu là vùng nông nghiệp lõi, vĩnh viễn, ổn định lâu dài để các doanh nghiệp, nông dân yên tâm đầu tư hết khả năng. Nhà nước khi đầu tư vào đây sẽ không bị lãng phí. Việc sắp xếp, tổ chức lại từng ngành hàng rất quan trọng, bảo đảm cho định hướng nguồn lực, chính sách trong hỗ trợ, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Tái cấu trúc từng ngành hàng nông sản cần đảm bảo tăng giá trị gia tăng cho nông dân, tạo nhiều việc làm, tăng khả năng cạnh tranh gắn với nâng cao chất lượng. Ở các vùng sản xuất lớn, cần định hướng xây dựng vùng sản xuất có cấp phép gắn với các điều kiện sản xuất như môi trường, bảo hiểm, tài chính minh bạch, tôn trọng hợp đồng... để xây dựng một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Theo TS. Steaven Jaffee, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm qua nhưng nếu không thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp thì trong tương lai khó tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Không nên chỉ trông chờ vào việc tăng giá sản phẩm từ thị trường thế giới. Phải thúc đẩy chế biến, đầu tư vào thương hiệu nông sản để tăng cao giá xuất khẩu. "Sản phẩm của Việt Nam an toàn, chất lượng cao và ổn định, sản xuất bền vững và nguồn cung đảm bảo" phải trở thành ý niệm trong tâm trí người tiêu dùng thế giới. Cần thực thi "sách lược đứng trên vai những người khổng lồ" GS.TS. Đỗ Năng Vịnh, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, đã trải qua hơn 25 năm đổi mới nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền "nông nghiệp chiếu manh", từng hộ sản xuất đơn độc với diện tích rất nhỏ, không có liên kết về đầu vào, đầu ra. Ngày nay, cần phải đoạn tuyệt với nông nghiệp chiếu manh, để hướng tới "con thuyền lớn". Trên con thuyền này, doanh nghiệp là người "đứng mũi chịu sào", chịu sóng gió của thị trường và đảm đương hiệu quả kinh tế của cả hệ thống. Đảng, chính quyền đứng ở bánh lái để con thuyền đi đúng hướng chiến lược, hỗ trợ, bảo lãnh cho DN khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh hoặc giải quyết những tranh chấp giữa DN và nông dân. Nông dân góp ruộng đất và lao động, tạo nên con thuyền lớn. Trên con thuyền này, nhà khoa học sẽ là người tư vấn cho DN. Nhân vật thứ năm rất quan trọng trên con thuyền này là các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ngân hàng phải ra "mặt trận" sản xuất để đầu tư, "tưới tiền" vào các hạt mầm sản xuất đang lên, thay vì ngồi trong nhà để "xiết cổ" người vay tiền. Nông nghiệp Việt Nam đang "vắt kiệt" tài nguyên đất, nước, sức lao động của nông dân… mà chưa khai thác được nhiều tiềm lực khoa học công nghệ (KHCN). Mặc dù theo đánh giá, trong 16 năm (1996 - 2012), KHCN đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp nhưng việc áp dụng tiến bộ KHCN vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, thiếu các giải pháp tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Cơ chế chính sách tài chính còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu khuyến khích đưa tiến bộ KHCN vào sản xuất. Theo ông Vịnh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) phải được coi là một tất yếu lịch sử, không thể tách rời và song hành với mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đây là một phương thức sản xuất phổ biến ở các nước phát triển ở Bắc Âu, Bắc Mỹ, Israel, Nhật Bản… Nông nghiệp CNC là phương thức sản xuất hòa nhập quốc tế, lấy xuất khẩu làm động lực. Các nhà kinh tế Israel luôn xác định chuẩn sản xuất đối với từng mặt hàng nông sản, khối lượng bao nhiêu, bán cho thị trường nào, bán vào lúc nào, thậm chí chính xác đến từng ngày bán hàng trong năm. Họ luôn tìm đến nơi thiếu hụt, khan hiếm hoặc có nhu cầu lớn trên thế giới để bán được nông sản với giá cao nhất. Họ tư duy kinh tế cho hàng vạn hộ nông dân, cho hàng nghìn doanh nghiệp để tư vấn chính xác cho người dân, doanh nghiệp sản xuất sao cho đạt lợi nhuận cao nhất. Đem trí tuệ kỹ thuật chỉ đạo hàng vạn hộ nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật tối ưu, mặc dù trình độ và tư duy của nông dân nước họ không đồng đều. Chúng ta đều biết Israel là một vùng sa mạc cát trắng bao phủ, lượng mưa rất ít, nắng nóng vào mùa hè, điều kiện sản xuất nông nghiệp của họ khắc nghiệt hơn nước ta rất nhiều. Nếu Việt Nam thiết lập được những mô hình sản xuất nông nghiệp CNC như của Israel thì với diện tích đất canh tác của mỗi nông dân chỉ 1 sào cũng có thể đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Nước ta có hàng chục triệu nông dân với trình độ thấp, nếu trình độ trí tuệ của cả giới khoa học cũng thấp thì sản xuất nông nghiệp sẽ không bao giờ tiến lên được. Nếu trình độ trí tuệ thị trường và trí tuệ kỹ thuật cao, sản xuất nông nghiệp cũng được cải thiện. Hiện, sự tích lũy tài chính, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp CNC trên thế giới rất lớn. Khắp nơi, mọi ngành đều có những người khổng lồ về tri thức và công nghệ. Trình độ của chúng ta còn thấp, nếu tự mình đứng lên thì vẫn khó vươn cao, vì vậy Việt Nam cần phải thực hiện sách lược "đứng trên vai những người khổng lồ" để phát triển nông nghiệp CNC. Đã đến lúc các nhà khoa học, nhà xây dựng chính sách cho nông nghiệp không chỉ ngồi ở viện nghiên cứu mà phải làm việc với doanh nghiệp, họ phải có tầm nhìn thị trường toàn cầu và các tính toán rất thực tế, cụ thể để đưa ra các quyết định đầu tư chuẩn xác cho nền nông nghiệp bền vững. Các khâu như giống, kỹ thuật sản xuất có thể dựa vào nguồn lực trong nước và dòng chảy kỹ thuật toàn cầu. Cả nước đã trở thành người khổng lồ xuất khẩu khá nhiều mặt hàng nông sản như lúa gạo, càphê, tiêu, điều, cao su, thủy - hải sản, tuy nhiên từ DN đến nông dân đều là những con người nhỏ bé, không tên tuổi trên thị trường thế giới. Cần phải đưa các DN kinh doanh nông sản, những nông dân trở thành "người khổng lồ" toàn cầu. Khi đó, chúng ta hy vọng đến năm 2020, thu nhập bình quân của mỗi lao động sản xuất nông nghiệp đạt 2.000 USD, chế biến NLTS chiếm 35% GDP. Nếu nông nghiệp tạo được sự đột phá, có thể đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lên 50 tỷ USD vào năm 2020. Chu Khôi Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã