Chỉ tính riêng ở xã Thạnh Lợi đã có tới 16/17 trạm bơm điện do người dân đầu tư, quản lý và khai thác, đáp ứng được trên 96% nhu cầu tưới tiêu đất trồng lúa của xã. Tổng vốn đầu tư các trạm bơm này trên 12 tỷ đồng. Nếu như những năm trước, cánh đồng với diện tích hơn 860ha ở ấp 1 (xã Thạnh Lợi) mỗi năm chỉ sản xuất được 1-2 vụ thì giờ đây, bà con đã sản xuất ăn chắc 3 vụ lúa.
Trạm bơm Đông Giáo Giáp ở ấp 3, xã Thạnh Lợi do ông Văn Đình Tôi đầu tư
Có được kết quả đó là do từ năm 2008 đến nay mà cao điểm là giai đoạn 2011-2012, nhiều người dân đã bỏ vốn đầu tư trạm bơm điện để phục vụ sản xuất nên chủ động được nước tưới tiêu, xuống giống đúng lịch thời vụ và đồng loạt.
Theo ông Lê Thanh Phú - Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi: Điều đặc biệt là mọi năm phần lớn diện tích này đều gieo sạ giống IR 50404 do thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao thì năm nay bà con đã đồng loạt gieo sạ giống lúa chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Sỉ ở ấp 3, xã Thạnh Lợi cho biết: “Những năm trước, cánh đồng ở khu vực này không thể gieo sạ đúng lịch thời vụ vì người dân không thể chủ động được nước nên đành trông chờ vào thời tiết và phụ thuộc rất nhiều vào máy bơm dầu. Nhưng mấy năm gần đây, người trồng lúa không còn phải lo lắng vì nước được bơm kịp thời để xuống giống”.
Bên cạnh việc xuống giống đúng lịch thời vụ, sớm hơn mọi năm thì chi phí bơm tưới, ngày công lao động cũng giảm rất nhiều. Hiện ấp 3 có 3 trạm bơm điện và chuẩn bị đưa vào sử dụng 1 trạm mới. 4 trạm này sẽ bơm tưới tập trung cho trên 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp của ấp.
Ông Trần Văn Luật ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh (có 6ha đất trồng lúa ở xã Thạnh Lợi) cũng vui mừng khi diện tích lúa của gia đình đều nằm trong trạm bơm điện. Ông Luật bày tỏ: “Trước đây, phải đi vận động từng hộ dân để đặt máy dầu bơm nước đồng loạt, nhưng năm nay có trạm bơm, người dân không còn phải lo lắng việc bơm nước để gieo sạ nữa”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, toàn huyện hiện có trên 37.000ha đất sản xuất nông nghiệp, để phục vụ cho việc sản xuất của bà con nông dân thuận lợi, trong những năm vừa qua, các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân trong huyện đã đầu tư xây dựng hơn 110 trạm bơm điện ở các xã, thị trấn với gần 530 máy bơm, đáp ứng được trên 90% nhu cầu tưới tiêu đất sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mạnh dạn đầu tư trạm bơm điện phục vụ sản xuất cho nông dân, ngành chức năng của huyện cũng như các xã đã nhiệt tình giúp đỡ về pháp lý, thủ tục đầu tư.
Để thống nhất lịch thời vụ, thời điểm xuống giống cũng như giá cả bơm tưới, ngay từ đầu vụ, Đảng ủy, UBND xã, chi bộ ấp đã tổ chức họp dân ở khu vực lắp đặt trạm bơm và chủ đầu tư thỏa thuận về giá cả. Tùy theo từng khu vực mà tiền bơm tưới cho cả vụ được thống nhất từ 100-110 ngàn đồng/công hay trung bình 21kg lúa khô/công tầm cắt.
Chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm bơm nước vào ruộng khi khô hạn hoặc bơm nước tiêu úng khi lúa có nguy cơ bị ngập. Hợp đồng bơm tưới nước cho nông dân được ký thời hạn vĩnh viễn. Còn về giá bơm tưới thì từ 2 đến 5 năm sẽ định giá lại, tùy vào sự thỏa thuận của 2 bên làm sao cho cả nhà đầu tư và người dân cùng có lợi.
Anh Đoàn Văn Thương, chủ đầu tư trạm bơm điện ở ấp 3 cho biết: “Trước là để tưới tiêu đất nhà, sau nữa là phục vụ bà con trong ấp, tôi đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng để xây dựng 2 trạm bơm với 12 máy, phục phụ cho trên 800ha đất trồng lúa. Được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, bà con nông dân rất đồng tình nên tôi sẽ đảm bảo nước tưới tiêu cả 3 vụ trong năm”.
Việc kêu gọi đầu tư xây dựng các trạm bơm điện tư nhân của huyện Tháp Mười dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân đã góp phần làm giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, thực hiện đúng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của các tư nhân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã