Vốn là hộ nghèo sống ở vùng trũng Hải Thành (huyện Hải Lăng), 7 năm trước, anh Hồ Đăng Nguyên là một trong những người tiên phong lên lập nghiệp ở A Dơi. Lúc đó, cuộc sống của gia đình gặp không ít khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ của dự án bố trí dân cư vùng biên giới, anh Nguyên đã xây dựng căn nhà khá khang trang, trồng được 3ha cao su, 3ha sắn, 1,5ha càphê và chăn nuôi gia súc, gia cầm, bình quân thu nhập đạt 70 triệu đồng/năm. “Giờ cuộc sống của gia đình tôi đã đỡ vất vả hơn chứ như hồi trước thì chỉ muốn bỏ nhà bỏ cửa về quê. Được sự động viên kịp thời của lãnh đạo huyện Hướng Hóa, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các chương trình, dự án nên chúng tôi đã vững tâm ở lại và xây dựng được cơ ngơi như hôm nay… Tính đến thời điểm này, có khoảng 80% số hộ di dân lên A Dơi có cuộc sống ổn định với mức thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm”, anh Nguyên kể. Từ vùng đất nổi tiếng với sự đói nghèo, đến nay A Dơi đã có những bước chuyển mình rõ nét nhờ việc triển khai thành công các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là dự án di dân, tái định cư theo mô hình thí điểm của Chính phủ, với sự đầu tư xây dựng hạ tầng kết hợp với việc di dân, giãn dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con để đẩy mạnh phát triển sản xuất. Sau hơn 8 năm triển khai dự án, xã A Dơi đã đón nhận trên 200 hộ từ miền xuôi lên lập nghiệp và gần 70 hộ đồng bào dân tộc sống xen ghép. Bà con đã trồng được khoảng 200ha cao su tiểu điền, 230ha cây ngắn ngày, trong đó nhiều hộ thường xuyên có thu nhập cao, mức sống ngày càng được cải thiện, không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá - giàu. Học tập các gia đình người Kinh, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô tại đây đã tập trung đầu tư trồng cao su theo quy trình mới, xen dưới tán cao su là những hàng sắn cao sản hoặc cây trồng ngắn ngày. Chỉ riêng việc trồng sắn xen canh mỗi năm cũng mang lại cho A Dơi hàng tỷ đồng. Rồi càphê, lạc cũng được đưa vào trồng, cho hiệu quả kinh tế cao nên đã thuyết phục người dân A Dơi gắn bó với đất, với rừng. Ông Hồ Phúc Yên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Bây giờ A Dơi khác xưa rồi, đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết làm kinh tế, không phá rừng làm nương rẫy như trước, đã biết sản xuất ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Chúng tôi không lo thiếu cái ăn cái mặc mà chỉ lo làm giàu thôi…”. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị nhấn mạnh: “Là một trong những xã nằm trong dự án bố trí lại dân cư vùng biên giới ở huyện Hướng Hóa, A Dơi đã được đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất và đời sống, được sắp xếp lại dân cư hợp lý, người dân được hướng dẫn tổ chức sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với đất đai, khí hậu... Tuy nhiên, cái được lớn nhất là người dân A Dơi đã từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, biết vận dụng kiến thức mới vào sản xuất và đời sống cũng như khai thác hiệu quả thế mạnh của mảnh đất vùng cao này”. Gia Thi Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã