Cụ thể thời vụ thả mới bắt đầu từ ngày 28/3/2012. Đến 11/6, trên địa bàn huyện đã thả được 850 ha (chiếm gần 90% diện tích). Thế nhưng, ngày 13/4/2012 dịch bệnh trên tôm đã bắt đầu xuất hiện tại Quỳnh Dị, Cty nuôi trồng thuỷ sản Trịnh Môn và Quỳnh Thuận, sau đó một thời gian đã lan ra 6 xã nữa là Quỳnh Xuân, Mai Hùng, An Hoà, Quỳnh Lộc, Quỳnh Ngọc và Quỳnh Liên. Cho đến thời điểm hiện nay (16/6/2012), dịch bệnh đã trùm lên đầm tôm của 9 xã với 273 đầm (118,91 ha). Nhiều nhất là địa bàn xã Quỳnh Xuân gần 33 ha, Cty Trịnh Môn 25,4 ha, xã Mai Hùng gần 25 ha...
Triệu chứng chính của bệnh dịch lần này tại tất cả các xã đều khá giống nhau: Đầu tiên tôm bỏ ăn, chết dần dưới đáy tỷ lệ từ 1 đến 2%/ngày. Kết quả kiểm tra của Trạm thú y và Phòng NN-PTNT thì số tôm bị bệnh có một số con bị sưng gan, hoặc gan chuyển màu từ nâu lẫn trắng, có con lại nhũn gan hoặc teo gan...
Vùng nuôi tôm thẻ bị dịch không một bóng người
Ông Nguyễn Hồng Cương, chủ một cơ sở nuôi tôm tại xã Quỳnh Dị khẳng định: “Năm nay tôm thẻ chân trắng chết đều do bệnh về gan, tuỵ. Các đầm tôm của nhà tôi, khi mới bị dính bệnh lần đầu, tôi đã lập tức cho tiêu huỷ ngay, tiến hành xử lý ao đầm một cách triệt để cho kịp thả vụ mới nhưng sau khi thả lần 2 được 3 tuần vẫn bị dính dịch lại tiêu huỷ tiếp. Nay đang phải bỏ vụ và buộc phải chờ xem các cơ quan chức năng xử lý ra sao mới dám thả lại".
Ông Đỗ Đình Chiến, trú tại xã Quỳnh Phương cho biết thêm: Bạn bè tôi nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Quỳnh Xuân, nơi được coi gần như miễn dịch với dịch bệnh trên tôm thẻ các năm qua nay đang kêu trời vì loại bệnh mới này. Hiện xã Quỳnh Xuân đang là địa phương có số ao đầm dính dịch nhiều nhất huyện (gần 33/119 ha). Những chuyên gia nuôi tôm kỳ cựu và bất khả chiến bại như ông Vũ Văn Đức cũng đành bó tay trước dịch bệnh mới. Năm nay sở dĩ Quỳnh Xuân bị dính bệnh này nhiều nhất vì bà con nuôi tôm tại xã đều là những hộ được Công ty C.P ưu tiên cung ứng giống sớm nhất. Sau khi dịch xuất hiện tại Quỳnh Dị, Quỳnh Thuận thì Quỳnh Xuân nhanh chóng trở thành tâm điểm của bệnh.
Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Bệnh lạ trên tôm thẻ chân trắng vẫn đang hoành hành trên địa bàn 9 xã. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT thì tổng diện tích tôm thẻ chân trắng đã phải tiêu huỷ lên tới gần 119/850 ha diện tích nuôi. Dịch tôm xảy ra nhanh và nhiều nhất từ ngày 26/5 đến nay, đặc biệt là sau 2 trận mưa lớn vào ngày 30/5 và 8/6. Dịch xảy ra đầu tiên từ giống tôm của Công ty C.P Việt Nam chi nhánh Nghệ An. Bây giờ thì các đơn vị cung ứng tôm giống khác như Công ty Việt Úc (Bình Định), Công ty CP Vina (Ninh Thuận), Công ty UP, Công ty SP, Công ty Thông Thuận, Công ty Trường Sơn... trên địa bàn đều không chống chọi được bệnh này tấn công. Tất cả các đầm tôm giống của Công ty C.P cung ứng đều bắt đầu phát bệnh sau khi tôm thả được 21 đến 35 ngày, các giống tôm do các đơn vị khác cung ứng phát dịch chậm hơn.
Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hiện cũng đã bị dịch bệnh gan tụy xoá sổ phần lớn. Một số hộ mới làm xong ao đầm đầu năm 2012 và vừa thả vụ đầu tiên ở xã Xuân Phổ cũng đã xuất hiện dịch bệnh này. Bởi thế, các hộ nuôi tôm lân cận đang ngồi trên đống lửa, lo ngay ngáy từng ngày cầu trời cho đàn tôm qua khỏi cơn hoạn nạn (ông Bùi Tùng Phong, nguyên Giám đốc Sở Thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết). |
Để khống chế và dập dịch, lâu nay Trạm thú y kết hợp với Phòng NN-PTNT đã tiến hành lập biên bản hiện trạng, lấy tổng cộng 59 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Tiếp đó Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I Trung ương cũng về các xã lấy thêm 34 mẫu đưa xét nghiệm nhưng vẫn chưa tìm được nguyên nhân nên chưa đưa ra được phác đồ điều trị thích hợp.
Trong tình hình hiện nay, để khống chế dịch bệnh, chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất là cấm không cho các hộ nuôi tôm tự ý tháo nước từ ao nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý hết mầm bệnh. Các hộ nuôi tôm chưa bị dịch bệnh phải chủ động dùng vôi bột rải kín các bờ ao, khu vực nuôi tôm và nghiêm cấm người lạ vào khu vực ao nuôi để hạn chế lây lan.
Để giúp bà con nuôi tôm thẻ chân trắng vực dậy sau dịch, chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh và Sở NN-PTNT có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi tôm bị dịch nằm ngoài quy định của Quyết định 09/2012/QĐ-UBND, ngày 04/2/2012 của UBND tỉnh. Đồng thời đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, cơ quan Thú y vùng III sớm tìm ra nguyên nhân gây ra dịch để có biện pháp chỉ đạo bà con dập dịch có hiệu quả, giảm thiệt hại cho người nuôi tôm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã