Trồng trà hoa vàng, ba kích, rừng gỗ lớn là 3 mô hình khuyến nông thành công của huyện Ba Chẽ. Khởi nguồn từ hiệu quả của những vườn trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ xác định đây là loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên để nhân rộng ra người dân cần có những chương trình, hoạt động khuyến nông liên quan cụ thể.
Bà con xã Đạp Thanh trồng cây trà hoa vàng trên đất đồi.
Kể từ khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm huyện Ba Chẽ đều dành kinh phí triển khai các mô hình điểm về trồng, chế biến trà hoa vàng. Huyện cũng phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư triển khai các mô hình liên quan đến trà hoa vàng. Tiêu biểu như: mô hình cải tạo vườn tạp để trồng trà hoa vàng; mô hình di chuyển cây trà hoa vàng từ tự nhiên về vườn, đồi; mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc, thu hoạch trà hoa vàng…
Chính bởi vậy, hiện nay cây trà hoa vàng của Ba Chẽ được nhiều người dân triển khai, đã không chỉ phát triển về diện tích, số lượng mà cả chất lượng cây và hoa, đổi mới trong cả hoạt động trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Con số thống kê tính đến hết tháng 9 vừa qua cho thấy, toàn huyện đang có trên 400 tổ chức, hộ dân trồng trà hoa vàng với tổng diện tích gần 200ha. Mỗi năm, các vườn trà hoa vàng này mang lại giá trị cho người dân trên dưới 10 tỷ đồng.
Từ thế mạnh rừng sản xuất của Ba Chẽ chiếm đến quá nửa diện tích tự nhiên, huyện Ba Chẽ chủ trương nâng cao giá trị từ diện tích rừng này. Giải pháp đưa ra là rừng gỗ lớn, trong đó bao gồm cả trồng mới diện tích rừng theo quy chuẩn rừng trồng gỗ lớn và chuyển hóa từ các cánh rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Để người dân “bắt” chủ trương trồng rừng gỗ lớn, những mô hình khuyến nông về trồng rừng gỗ lớn tại Ba Chẽ được khuyến khích phát triển. Trong 5 năm gần đây, khoảng gần chục mô hình trồng rừng gỗ lớn của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp đã được triển khai, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mô hình này học và làm theo.
Sản phẩm trà hoa vàng hiện đang mang lại giá trị lớn cho người dân.
Theo tổng hợp của các xã, năm 2020, số hộ dân đăng ký triển khai trồng rừng gỗ lớn toàn huyện là trên 600 hộ, gấp hàng chục lần so với năm 2019. Tính đến nay, toàn huyện Ba Chẽ đã có đến gần 1.000ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là các cánh rừng keo được chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn, giá trị của các cánh rừng này được tính gấp 2 - 3 lần rừng gỗ nhỏ.
Bên cạnh những mô hình khuyến nông dựa vào thế mạnh thổ nhưỡng, huyện Ba Chẽ cũng mở rộng sang nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Ví dụ như nuôi dê sinh sản, trâu bò thả đồi, nuôi ong, gần đây nhất là tái tạo đàn lợn nái trong dân; mô hình trồng trọt có trồng cây tài lệch, cây thanh long…
Mô hình tái tạo đàn lợn, nhất là lợn nái do Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai theo đặt hàng của UBND huyện Ba Chẽ năm 2020. Mặc dù quá trình triển khai gặp khá nhiều khó khăn, do đàn lợn nái đã giảm sút nghiêm trọng về số lượng và chất lượng sau dịch tả lợn châu Phi nên kết quả tái tạo đàn chậm. Tuy nhiên cái hay của mô hình khuyến nông này là được nhiều hộ dân tham gia, điều này cho thấy mô hình đáp ứng trúng, đúng nhu cầu của người dân cũng như chủ trương tăng đàn lợn của huyện.
Có thể thấy mô hình khuyến nông đã và đang được triển khai khá hiệu quả ở huyện Ba Chẽ. Đây là cơ sở góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp Ba Chẽ, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.
Theo Việt Hoa/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã