Bà Thọ cho biết: Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà nhận thấy giống dê Boer lai được thị trường ưa chuộng vì thịt thơm ngon, dễ chăm sóc, nguồn thức ăn lại đơn giản. Vì vậy, tháng 1-2017, bà vào tỉnh Đồng Nai mua 50 con dê Boer lai, trong đó có 2 con dê đực hết 130 triệu đồng đem về nuôi. Do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, cộng với môi trường sống thay đổi nên dê bị bệnh, chết hơn 1/3 đàn. Không bỏ cuộc, bà Thọ tiếp tục học hỏi trên các diễn đàn chăn nuôi cũng như trực tiếp đến các trang trại nuôi dê trong và ngoài tỉnh để tham quan, học tập kinh nghiệm. Từ đó, đàn dê của gia đình bà phát triển ổn định.
Bà Đoàn Thị Thọ (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) chăm sóc đàn dê Boer lai. Ảnh: P.T |
Sau hơn 3 năm vừa nuôi vừa nhân giống, gia đình bà Thọ hiện có hơn 300 con dê giống và dê thương phẩm. Bà Thọ chia sẻ: “Dê Boer lai trung bình 2 năm sinh sản được 3 lứa, mỗi lứa 1-4 con. Dê nuôi tầm 7-8 tháng thì đạt trọng lượng 30-35 kg, có thể xuất bán. Mỗi tháng, gia đình tôi bán trung bình 10-15 cặp dê. Dê thịt bán với giá 120 ngàn đồng/kg, dê giống bán 200 ngàn đồng/kg. Các chủ buôn thường tìm đến tận nơi để mua dê. Ngoài ra, tôi còn cung cấp thịt dê cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh”.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dê, bà Thọ cho hay, ngoài chọn giống có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, người chăn nuôi cần chú trọng đến khâu chăm sóc, đặc biệt là giai đoạn dê còn nhỏ, sức đề kháng yếu. Lúc này, cùng với việc bú sữa mẹ, dê con cần được bổ sung thêm sắt và vitamin. “Khi dê con được 2 tháng tuổi, tôi tách khỏi dê mẹ. Sau đó, tôi phân chia dê sinh sản và dê thương phẩm vào 2 dãy chuồng riêng biệt. Mỗi con dê được đánh số thứ tự để dễ theo dõi và có chế độ chăm sóc cho phù hợp”-bà Thọ nói.
Theo bà Thọ, dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao nên cần nuôi theo kiểu chuồng sàn. Chuồng được thiết kế cách mặt đất 60-80 cm để tạo không gian thông thoáng, dễ vệ sinh và tiện cho việc thu gom phân dê. Ngoài nguồn thu từ bán dê giống và dê thương phẩm, bà Thọ còn thu được 7 triệu đồng/tháng từ việc bán phân dê.
Để đảm bảo đủ lượng thức ăn cho dê, bà Thọ trồng hơn 5 sào cỏ voi và cỏ sả. Đây là giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, bà còn cho dê ăn một số phụ phẩm khác như bắp, chuối… Trong quá trình chăn nuôi, bà luôn tuân thủ đúng quy trình phòng-chống dịch bệnh cho dê. Chuồng trại được phun thuốc khử trùng 1 lần/tuần đảm bảo vệ sinh chăn nuôi. Thời gian đến, bà Thọ dự tính mở rộng thêm diện tích chăn nuôi dê Boer lai để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đánh giá về mô hình nuôi dê Boer lai của gia đình bà Thọ, bà Nguyễn Thị Mến-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Sao-cho biết: Mô hình nuôi dê Boer lai của gia đình bà Thọ được xây dựng rất bài bản. Dê được chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh nên thị trường rất ưa chuộng. Mô hình nuôi này đã mang lại thu nhập cao cho gia đình bà Thọ và tạo việc làm cho 1 lao động tại địa phương. “Thời gian đến, tôi mong nhiều hội viên, phụ nữ của xã mạnh dạn tiếp cận các mô hình mới để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần tìm hiểu kỹ thị trường, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, khó tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Sao nói thêm.
Theo Phan Thương/gialai.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã