Học tập đạo đức HCM

Cây từ điển sống về IPM

Thứ tư - 15/09/2021 00:34
Nhắc đến thế hệ giảng viên IPM đời đầu ở Quảng Ninh, không ai không biết đến “thầy” Đào Văn Ngọc, người được ví như “cây từ điển sống” về IPM vùng đất mỏ.

Những kỷ niệm khó quên

Hiện ông Đào Văn Ngọc đang là Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Quảng Ninh. Ông là một trong những người đầu tiên của tỉnh theo học lớp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến nay, ông đã phối hợp cùng đội ngũ giảng viên trung ương đào tạo 3 lớp giảng viên ToT và hàng trăm lớp IPM cho bà con nông dân.

“Ngọc ơi, giảng giúp tớ bài này với! Có chỗ này tớ vẫn chưa hiểu lắm”, “Ngọc ơi, bài toán này tớ làm mãi kết quả vẫn không đúng, chắc tớ áp dụng công thức sai rồi nhỉ?”. Đó là hai trong số rất nhiều câu hỏi ông Ngọc hay được bạn bè “cầu cứu” thời còn đi học phổ thông.

Ông Ngọc khai giảng lớp IPM tại xã Hồng Thái, huyện Đông Triều (cũ) năm 1993. Ảnh: NVCC.

Ông Ngọc khai giảng lớp IPM tại xã Hồng Thái, huyện Đông Triều (cũ) năm 1993. Ảnh: NVCC.

Ngày ấy, ông Ngọc là học sinh học giỏi khối A, tổng kết các môn toán, lý, hóa đều ở mức 9, 10 phẩy. Chính vì học giỏi, ông “vô tình” trở thành “thầy giáo thứ hai” với bạn bè cùng lớp. “Tôi thường chỉ hỏi ngược lại bạn bè những chỗ họ làm sai, xem tại sao lại sai, sai như thế nào, để họ tự mình làm lại, như vậy mới nhớ lâu được”, ông Ngọc chia sẻ.

Sau khi học xong phổ thông, ông quyết định thi vào ngành kinh tế nông nghiệp nhưng vì thiếu nửa điểm nên ông chuyển sang học kỹ sư trồng trọt. “Âu cũng là cái số anh phóng viên ạ. Cũng nhờ theo ngành kỹ sư nông nghiệp, nên tôi có cơ hội được gần gũi, được trải nghiệm sự vất vả, một nắng hai sương của bà con nông dân”, ông bảo.

Nhưng có lẽ, điều làm ông trăn trở nhất chính là việc người nông dân vất vả, chịu thương chịu khó như vậy nhưng năng suất cây trồng lại không như ý. Từ ngày có lớp học về IPM đầu tiên ở Quảng Ninh vào năm 1993, ông Ngọc khi ấy đang là Trạm phó Trạm BVTV huyện Đông Triều, đã được cử đi vừa học cùng vừa quản lý lớp gồm 30 bà con nông dân.

Lớp học về IPM đầu tiên ở Quảng Ninh mở ra ở Thị xã Đông Triều. Lớp học được tài trợ bởi Quỹ nhi đồng Anh, có thuê giảng viên IPM quốc gia về dạy.

“Được tham gia lớp học IPM ngày ấy là một trải nghiệm mà tôi không thể nào quên. Mỗi buổi học tôi đều cố gắng quan sát, lắng nghe và ghi chép đầy đủ. Tôi muốn học hỏi thêm thật nhiều kiến thức để có thể truyền đạt lại cho bà con. Có như vậy mới giúp bà con cải thiện chất lượng cũng như năng suất mùa vụ”, ông tâm sự.

IPM đã tạo được sự lan tỏa, giúp canh tác lúa tại Quảng Ninh ngày càng đi vào bền vững, bảo vệ môi trường, gia tăng năng suất. Ảnh: LB.

IPM đã tạo được sự lan tỏa, giúp canh tác lúa tại Quảng Ninh ngày càng đi vào bền vững, bảo vệ môi trường, gia tăng năng suất. Ảnh: LB.

Có lẽ nhờ những buổi “dạy thêm” ngày phổ thông đã giúp ông có thêm kinh nghiệm “sư phạm”, để sau này, khi tham gia giảng dạy IPM ở địa phương, ông Ngọc không chỉ được bà con yêu quý, mà còn gây ấn tượng mạnh đối với cả các chuyên gia nước ngoài.

Buổi đứng lớp đầu tiên, ông Ngọc được phân công giảng dạy về chuột hại và phương pháp phòng trừ. Ngày hôm ấy, lớp có hai chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực IPM đến dự giờ. “Họ ngồi ở phía dưới còn tôi thì đứng giảng ở bên trên, vì tập trung giảng nên dường như tôi không nhận ra sự có mặt của họ”, ông Ngọc cười nói.

Ông bồi hồi nhớ lại, lúc đầu khá hồi hộp vì là lần đầu tiên tôi được làm “thầy giáo”, được giảng dạy cho bà con, nhưng khi thấy bà con hào hứng học tập, mọi lo lắng như tan biến, chỉ còn sự tập trung, nhập tâm vào từng lời nói, sao cho bà con dễ hiểu, dễ hình dung nhất.

Sau khi kết thúc buổi học, hai chuyên gia có hỏi người phiên dịch rằng ông này tham gia lớp học nào mà giảng dạy hay thế?. “Tôi vui lắm, vì câu hỏi đó như một lời khen, lời động viên đối với anh kỹ sư nông nghiệp trẻ tuổi như tôi lúc bấy giờ. Ai cũng biết chuyên gia nước ngoài thì khó tính như thế nào rồi. Được họ khen thì không phải dạng vừa đâu”, ông Ngọc cười khoái chí.

Có lần ông đang đi chợ thì gặp một bác gái đang gánh rau đi bán. Thấy ông, bác đặt vội quang gánh xuống rồi đứng nghiêm dõng dạc nói chào thầy! Khi ấy ông Ngọc hơi bất ngờ một chút nhưng cũng không quên chào lại bác. Một lúc sau, định thần lại ông mới nhớ ra đó là học viên cũ ở lớp IPM xã mà ông giảng dạy năm xưa.

“Tôi rất vui khi lâu rồi gặp lại thì bà con vẫn nhận ra tôi. Bà con còn nhớ thầy chứng tỏ là họ còn nhớ kiến thức", ông Ngọc bảo.

30 năm gắn bó với IPM

Sau gần 30 năm nghiên cứu và truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân cũng như các thế hệ giảng viên ToT, ông Ngọc được anh em và bạn bè đặt cho biệt danh là “cây từ điển sống” về IPM.

Cứ mỗi khi anh em đồng nghiệp gặp vấn đề về sâu bệnh, dịch hại mà đang loay hoay tìm phương pháp xử lý thì đúng lúc ông Ngọc đi ngang qua. Mọi người lại ồ lên rằng “may quá, cây từ điển sống về IPM đây rồi!"

Là người am hiểu về IPM, ông Ngọc cho biết, đây là chương trình học mới lạ với bà con nông dân nên được mọi người hào hứng đón nhận. Bà con đi học rất đầy đủ, hầu như không nghỉ buổi nào. Trường hợp bận việc nghỉ đột xuất, tuần sau đến lớp đều chép lại bài.

Để bà con dễ hiểu, ông Ngọc thường ví con người với cây trồng. Theo ông, cả hai đều là những sinh vật sống và mọi biểu hiện đều khá giống nhau. Việc ví von, so sánh như vậy giúp bà con nông dân dễ hình dung và dễ nhớ hơn là truyền đạt lý thuyết suông.

Ông Đào Văn Ngọc hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón qua điện thoại. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Đào Văn Ngọc hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón qua điện thoại. Ảnh: Tiến Thành.

Đơn cử như thời kỳ lúa đứng cái làm đòng, ông Ngọc so sánh với hình ảnh người phụ nữ trong giai đoạn thai nghén. “Người phụ nữ mang thai có các biểu hiện như cổ nổi gân tương ứng với cây lúa đang tròn khóm, ruộng lúa ngả màu vàng giống màu da có phần xanh xao, vàng vọt của người phụ nữ mang bầu”, ông Ngọc hào hứng ví von.

Theo ông Ngọc, khi đi giảng dạy cho bà con về IPM, trong đầu phải nắm được kiến thức của nhiều loại cây trồng. Vì có khi đang giảng về cây này, mà bà con có thắc mắc về giống cây khác họ đang trồng chẳng hạn, thì cũng phải giải thích, tư vấn được cho bà con. “Chứ chẳng lẽ người ta hỏi về cây nhãn, cây vải mà mình lại trả lời là tôi chỉ chuyên về cây lúa, những cây khác tôi không biết thì không được anh ạ”, ông Ngọc chia sẻ.

Nhắc lại thời gian đi giảng IPM, vị Chi cục phó Chi cục BVTV Quảng Ninh gặp nhiều câu hỏi và giải thích giúp bà con nông dân hàng trăm thắc mắc xung quanh vấn đề trồng trọt.

Ông Ngọc nhớ lần đi xuống phường Phương Nam, TP Uông Bí (Quảng Ninh) dạy lớp tập huấn về cây vải. Một bác nông dân đã nhiều tuổi có hỏi ông rằng, sao cây vải nhà tôi trồng bao năm nay không ra quả?. Ông hỏi lại, cây giống bác mua ở đâu thì bác kia trả lời là cây tôi chiết từ cây vải khác sang, mà cây mẹ thì năm nào cũng sai quả trĩu cành.

Những tiến bộ kỹ thuật IPM đã ăn sâu vào các thế hệ nông dân ở đất mỏ. Ảnh: Lệnh Thắng.

Những tiến bộ kỹ thuật IPM đã ăn sâu vào các thế hệ nông dân ở đất mỏ. Ảnh: Lệnh Thắng.

“Nếu như tôi giải thích theo kiểu khoa học về giống cây “abc, xyz” thì chắc chắn người nông dân sẽ không hiểu rõ và cũng không giải quyết được thắc mắc của bà con. Tôi bèn hỏi về vị trí trồng cây thì được biết, cây vải không ra quả được trồng ở gần một cái giếng và có mương nước thải chảy qua”, ông kể.

Nghe đến đây, ông Ngọc đã hiểu ra được vấn đề. Ông lý giải rằng, do cây bác trồng ở gần mương nước, chắc chắn do nước thải sinh hoạt có xà phòng, điều đó khiến cho nồng độ kiềm trong đất tăng cao, độ pH cũng cao khiến cho cây không thể đậu quả. Bác nông dân kia nghe xong, gương mặt giãn ra, xem chừng đã hiểu.

Bác nông dân về đánh cây sang chỗ khác trồng. Một thời gian sau, quả nhiên khi trồng ở vị trí khác, cây vải đó đã cho ra quả và bác đã không quên gọi điện cảm ơn ông Ngọc.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông Ngọc đang sôi nổi, bỗng điện thoại ông reo lên, ông Ngọc cười. “Ngày nào tôi cũng nhận đôi ba cuộc gọi video qua zalo của bà con. Họ nhờ ông giúp về các vấn đề như bón phân, phun thuốc như thế nào, ông đều vui vẻ giúp đỡ.

"Thành quả" của những lần tư vấn đó, có thể là cân ổi, quả dưa…, những sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP vì được áp dụng trồng theo phương pháp IPM.

Câu chuyện cứ thế trôi đi, thoáng chốc đã giữa trưa, điện thoại ông Ngọc lại đổ chuông từng hồi. Ông cáo lỗi rồi vội vàng ra xe...

https://nongnghiep.vn/cay-tu-dien-song-ve-ipm-d302617.html
Theo Tiến Thành - Viết Cường/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập416
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm414
  • Hôm nay53,285
  • Tháng hiện tại849,983
  • Tổng lượt truy cập90,913,376
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây