Học tập đạo đức HCM

Chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc với nhà nông: Vùng cát sẽ là “cánh đồng hoa”

Thứ hai - 27/09/2021 00:55
Việt Nam nằm ven biển Đông với chỉ số biển cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Với bờ biển dài 3.260km từ Bắc tới Nam, có nhiều bãi cát rộng, dài, là tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế.

Chỉ cần nông dân chịu khó, tìm tòi mô hình, lựa chọn cây trồng - vật nuôi phù hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất theo chuỗi cùng cách làm sáng tạo thì “hoa sẽ nở trên cát” ngay trên vùng cát ven biển vốn còn nhiều khó khăn.

Nhưng để có “cánh đồng hoa” trên đất cát thì cần nhiều hơn thế. Nghĩa là phải có sự đồng hành của chính quyền, các ngành chức năng và doanh nghiệp.

a3.jpg
Nếu được cải tạo tốt, đất cát có thể là “vùng đất hứa” để sản xuất rau, hoa màu hữu cơ.

“Hoa nở trên cát”

Đất cát là loại đất nghèo mùn, nghèo dinh dưỡng. Những vùng đất cát trắng ven biển tưởng chừng như không thể trồng được cây gì có giá trị, song với những quyết sách đúng đắn từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực vượt khó của người dân, nhiều trang trại theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) quy mô lớn đã hình thành.

Thừa Thiên - Huế có 43.962ha đất cát, chiếm 8,7% diện tích đất tự nhiên của tỉnh và loại đất này phân bổ dọc bờ biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc. Đến nay, đã có nhiều mô hình kinh tế, cách thức sản xuất nông nghiệp được người dân thực hiện trên loại đất này.

Có thể kể đến như mô hình trồng súng trên đất cát của anh Huỳnh Văn Khanh (xã Giang Hải, huyện Phú Lộc). Hiện tại, với 2 vườn rộng hơn 3ha trồng khoảng 100 loại hoa súng hơn 50 màu sắc khác nhau, anh Khanh đạt doanh thu 2 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

a1.jpg
Mô hình nuôi heo rừng trên cát của anh Nguyễn Đăng Long mang lại lợi nhuận cao và giúp người dân thay đổi thói quen trong làm kinh tế.

Chàng kỹ sư Lê Văn Tổng (xã Phú Gia, huyện Phú Vang)  “chinh phục” thành công 500m2 đất cát để trồng 4.000 gốc lan Moraka được nhập từ Thái Lan. Hiện  hoa lan đang cho thu hoạch và anh Tổng dự kiến, nếu thuận lợi, sẽ thu lại 400 triệu đồng tiền đầu tư ban đầu sau 4 năm.

Hay, việc nuôi lợn rừng trên diện tích khoảng 300m2 đất cát của anh Nguyễn Đăng Long (thôn 4, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) cũng đã khẳng định được hiệu quả khi mỗi lứa lợn xuất chuồng đã mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng. 

Đặc biệt, tận dụng địa hình gần đầm, phá, một diện tích lớn đất cát đã được người dân đào hồ nuôi thủy sản. Theo quy hoạch, Vinh Xuân có 105ha nuôi tôm, cá. Con số này ở xã Vinh Mỹ (huyện Phú Vang) là 23 ha, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền)  146 ha…

Hay như tại vùng “chảo lửa túi mưa” Hà Tĩnh, đã từ lâu, việc nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng đất cát bãi ngang là một trong những điều trăn trở của chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, để tìm ra được hướng đi đúng nhằm hạn chế tối đa nhược điểm của vùng đất cát khô cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt quả là điều không dễ.

Sau hơn chục năm thất bại với nghề nuôi tôm, không ngại khó, không ngại khổ, người dân xóm Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) đã thực sự “cho cát nở hoa” với mô hình nuôi ốc hương thương phẩm. Một trong những nghề mang lại lợi nhuận cao tại vùng đất cát bãi ngang.

_nh-4.jpg
Người dân Cồn Vạn đang bước vào vụ thu hoạch ốc hương.
 
 

Vùng đất Cồn Vạn trước đây được biết đến với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, sau 1-2 năm trúng đậm thì giống tôm không trụ lại được với vùng đất này. Bằng ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu, người dân xứ Cồn Vạn  lại bắt đầu mày mò, tìm hướng đi mới.

Loài ốc hương sinh trưởng và phát triển ở nền đáy cát, cát bùn; độ mặn thích hợp nhất là 30-35‰, nhiệt độ từ 26-28độ C, DO trong khoảng 4-6mg/l, pH thích hợp là 6-9. Nhận thấy các yếu tố về môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Cồn Vạn thích hợp với loài ốc hương nên người dân nơi đây nhanh chóng bắt nhịp với giống ốc này.

Sau hơn 5 năm gắn bó, đến nay đã có 13 hộ dân cùng tham gia phát triển, làm giàu nhờ mô hình nuôi ốc hương thương phẩm với tổng diện tích trên 30ha. Do đặc tính của loài phát triển mạnh vào mùa nắng hơn mùa mưa nên người dân Cẩm Lĩnh chỉ thả ốc mỗi năm một vụ.

Ông Trần Mạnh Duyên, người đầu tiên đưa giống ốc hương về đất Cồn Vạn,  cho biết, trung bình một ao nuôi ông thả 150-200 triệu đồng tiền giống, sau 5 tháng cho thu hoạch, trừ chi phí, bỏ túi 500 triệu đồng.

Theo ông Duyên, trước đây khi chưa rành về công nghệ nuôi ốc, người nuôi phải thuê người từ Nha Trang (Khánh Hòa) về hướng dẫn kỹ thuật nuôi và thu hoạch ốc. Tuy nhiên, hiện tại người dân Cồn Vạn đã hoàn toàn làm chủ được các quy trình, kỹ thuật xuống giống, chăm sóc. Đặc biệt, đã đầu tư máy móc để quá trình thu hoạch ốc được nhanh và hiệu quả hơn.

Ngoài những hồ nuôi ốc hương thương phẩm mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng/vụ, Hà Tĩnh đã và đang từng bước biến vùng đất cát bỏ hoang thành những mô hình VAC phát triển đa sắc màu. Những cánh đồng rau củ xanh mướt, những hồ tôm công nghệ cao ở Yên Hòa (Cẩm Xuyên), những mô hình nuôi vịt, gà chạy bộ, đẻ trứng trên cát ở Thạch Văn (Thạch Hà)… 

Vượt thách thức

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, cho biết: Ốc hương là một trong những loài mang lại nguồn thu rất lớn, tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn cho bà con vì loài ốc này thuộc mặt hàng có tính đặc thù riêng. Con giống phải lấy từ địa phương khác về, chịu tác động mạnh của dịch bệnh, thời tiết.

Cũng theo ông Tùng, để khắc phục được tình trạng trên, về lâu dài, phải được đầu tư bài bản, công phu hơn. Loài ốc này không trôi khi mưa lũ về nhưng lại chết nhiều khi ao nuôi bị ngọt nước. Do đó, để tránh rủi ro và đảm bảo năng suất cao, cần phải đầu tư bài bản, ao nuôi phải có mái che, hệ thống bờ bao chống tràn. Tuy nhiên, để làm được như thế, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của tỉnh về cơ chế, chính sách, nguồn vốn…. Và phải được tính toán, lập trình dự án bài bản, khoa học. Cần phải có sự quản lý của HTX để dễ dàng kiểm soát nguồn giống, khống chế dịch bệnh. Tránh nuôi tự phát, mạnh ai nấy làm.

Hiện tại, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các nhà hàng, quán ăn hoạt động hạn chế, do đó, việc tiêu thụ ốc gặp nhiều khó khăn. Để cùng gỡ khó với bà con, chính quyền địa phương  đang nỗ lực kết nối với các cơ quan ban ngành trên địa bàn lên phương án hỗ trợ tiêu thụ ốc.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân Nguyễn Đồng cho biết, việc canh tác, nuôi trồng trên đất cát còn gặp nhiều khó khăn, một số loại cây trồng hiệu quả không cao. Điển hình, việc sản xuất lúa tại địa phương chỉ thực hiện được 01 vụ/năm là vụ hè thu, năng suất đạt khoảng 55 tạ/ha.

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai nên người dân cũng hạn chế việc đầu tư  nuôi tôm, cá. Các loại cây trồng như ớt, dưa… cũng chỉ  trồng theo mùa vụ và canh tác theo thói quen.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, một phần do đặc điểm của đất cát là ít mùn, nghèo chất dinh dưỡng và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng trên loại đất này.

Cùng với đó, những người đã và đang khởi nghiệp trên vùng đất cát này như anh Huỳnh Văn Khanh, anh Nguyễn Đăng Long, anh Lê Văn Tổng… chia sẻ, khi đưa ra ý tưởng, đặc biệt là sau những thất bại đầu tiên, họ thường bị người xung quanh cho là “hoang tưởng”.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, trình độ người nông dân không đồng đều nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất trên vùng đất cát; tập quán canh tác của bà con ảnh hưởng đến việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp…

Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc) Phan Như Ý, diện tích đất cát tại địa phương bị chia nhỏ, manh mún bởi nghĩa trang, khu dân cư… nên việc kêu gọi đầu tư cũng gặp khó khăn.

py.jpg
TIN TÀI TRỢ
Mô hình nuôi tôm trên cát tại TX. Sông Cầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.

Ứng dụng công nghệ cao

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm trên cát (hay còn gọi nuôi tôm cao triều, nuôi tôm lót bạt) đã hình thành, phát triển mạnh ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Năng suất các vùng nuôi tôm trên cát khá cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của cư dân vùng ven biển.

Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phú Yên vẫn thực hiện giãn cách xã hội nên không khí ở các vùng nuôi tôm không sôi động như trước. Tại các ao đìa ven bờ biển huyện Tuy An, TX. Đông Hoà và TX. Sông Cầu, bà con chăm sóc, thu hoạch tôm theo nhóm ít người.

Anh Nguyễn Hữu Thơ ở xã Xuân Cảnh (TX. Sông Cầu) là một trong những người nuôi tôm trên cát hiệu quả, chia sẻ: “Những năm trước, gia đình nuôi tôm bằng lồng ở bè, năm nào thuận lợi thì có lãi. Tuy nhiên, rủi ro mất vốn rất cao vì phải phụ thuộc vào thời tiết, nếu gặp bão hay mưa kéo dài thì nguồn nước bị ảnh hưởng hoặc vùng nuôi bị ô nhiễm, tôm chết thì mất trắng cả vụ. Từ khi chuyển sang nuôi tôm trên cát, chúng tôi chủ động hơn. Trước khi thả tôm giống, các điều kiện lấy nước vô hồ từ mạch nước giếng khoan, độ pH, độ mặn… được hộ nuôi kiểm tra kỹ càng hơn, nếu có vấn đề gì thì xử lý tại ao hồ, kịp thời kiểm soát để tránh gây sốc cho tôm; còn nuôi lồng khó kiểm soát hơn. Mỗi vụ sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng hơn nuôi lồng,  trừ chi phí, gia đình thu lãi cả tỷ đồng”.

Theo ông Nguyễn Bảo Thắng,  người ngoài tỉnh đến TX. Sông Cầu thuê đất nuôi tôm trên cát, nuôi tôm trên cát không phải là phương pháp mới, bởi phương pháp này đã được người dân áp dụng tại nhiều vùng cát ven biển, song để thu lợi nhuận cao, đòi hỏi người nuôi cần học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

“Để làm được 1 hồ nuôi tôm trên cát, chủ đìa phải đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng hồ kiên cố, sử dụng loại bạt tốt, bố trí quạt gió sục khí các góc và xây dựng các giếng lấy nước ngầm, nước mặn từ tầng sâu. Cách nuôi này cho phép rút ngắn thời gian nuôi 2,5 tháng; nguồn nước lấy từ giếng ngầm nên bảo đảm độ trong sạch, tinh khiết; có thể chủ động điều chỉnh độ mặn, độ pH” - ông Thắng nói -  đồng thời bày tỏ sự phấn khởi bởi thường xuyên thắng lớn khi nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, thu hoạch bình quân 6,5 tấn/hồ, thương lái đến tận nơi thu mua.

Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh, nuôi tôm trên cát tập trung ở TX. Đông Hòa (49ha), TX. Sông Cầu (50ha) và huyện Tuy An (20ha), trong đó có một doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn Global GAP và được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, đầu tư nuôi tôm ở xã Xuân Hải, TX. Sông Cầu.

“Thời gian tới, để quản lý, phát triển các vùng nuôi tôm trên cát theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả an toàn, bền vững, thì các cơ sở nuôi phải đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, hạ tầng cơ sở, kỹ thuật nuôi; các cơ quan chức năng cần rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản, được cấp mã số ao nuôi, cơ sở nuôi theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Đặc biệt, tiếp tục tăng cường việc kiểm soát, kiểm tra chất lượng giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức về quy định pháp luật, quy trình nuôi tôm và quy trình kỹ thuật sản xuất theo công nghệ cao cho các cơ sở nuôi tôm trên cát….”, bà Nga cho biết thêm.

2.jpg
Hải sâm phát triển tốt trong mô hình ghép ốc hương thương phẩm trong ao nuôi tại Quảng Ngãi.

Mở hướng đi mới

Nuôi hải sâm kết hợp ốc hương đem lại giá trị kinh tế cao, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, được xem là hướng phát triển mới, góp phần khôi phục nghề nuôi trồng thủy sản ven biển ở Quảng Ngãi.

Tận dụng cơ sở vật chất của những hồ nuôi tôm trên cát, đầu tháng 6/2018, Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi hải sâm ghép ốc hương”.

Bước đầu thả nuôi 2.500 con hải sâm (100 con/kg) và 1kg ốc hương (32 nghìn con/kg), trên diện tích 0,4ha mặt nước. Kết quả, lợi nhuận của mô hình đạt trên 500 triệu đồng/ha/vụ.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang (Khánh Hòa), kết quả này là rất khả quan và ấn tượng. Bởi một số vùng ven biển các huyện Bình Sơn, Đức Phổ cũng đã được thả nuôi hải sâm, nhưng tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm.

Cũng trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi giao Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi xây dựng phương án và tổ chức thực hiện 5 mô hình nuôi hải sâm ghép ốc hương thương phẩm tại 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ, mỗi mô hình một ao nuôi 2.200m2 .

Mỗi mô hình thả nuôi 1.650 con hải sâm, 462.000 con ốc hương. Tổng sản lượng hải sâm sau thu hoạch đạt 1.700kg, ốc hương đạt 13.273kg, quy cỡ hải sâm 250g/con, ốc hương là 144 con/kg. Tỷ lệ sống hải sâm đạt 82,4%, ốc hương đạt 81,8%. Các hộ dân tham gia mô hình sau thu hoạch lãi 570 triệu đồng/5 hộ.

Thành công của mô hình nuôi hải sâm kết hợp ốc hương hứa hẹn sẽ giúp khu vực các huyện ven biển của Quảng Ngãi khôi phục nghề nuôi trồng thủy sản.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, thức ăn của hải sâm là các sinh vật phù du, chất mùn bã hữu cơ, chất thải của ốc hương, nên hải sâm được ví như “nhà máy vệ sinh trong hồ nuôi”. Do đó, việc phát triển hải sâm ở các địa phương ven biển không chỉ đa dạng đối tượng, phương thức, công nghệ nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Sau thành công mô hình nuôi thử nghiệm hải sâm ghép ốc hương thương phẩm trong ao nuôi, một số hộ dân ven biển các huyện Bình Sơn, Mộ Đức và TX. Đức Phổ đã tự đầu tư nuôi hải sâm ghép ốc hương thương phẩm, đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tư duy mới trên sự đồng hành và liên kết

Có thể thấy, tiềm năng lớn của vùng cát ven biển đang được các địa phương khẳng định là hướng đi đúng và phát huy hiệu quả. Quan niệm vùng đất cát bạc màu, năng suất cây trồng bấp bênh không còn đúng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện đại. Các nhà khoa học cho rằng, đất cát rất dễ trồng các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và những loại rau cao cấp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Khi nông dân hoàn toàn chủ động về nước tưới (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa qua pec,...), việc tiếp cận phương thức chăm sóc và bón phân thông qua điện thoại thông minh thì việc sản xuất cây gì trên vùng cát không còn là thách thức.

Nước ta có trên 440.000ha đất cát ở ven biển thuộc 120 huyện, 28 tỉnh, chiếm khoảng 1,61% diện tích tự nhiên. Chủ yếu ở ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận,...

Chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế trên vùng đất cát, ông Phan Như Ý, Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển trồng các loại rau trên đất cát. Tuy nhiên, ngoài kinh nghiệm vốn có của nông dân, địa phương sẽ phát triển theo hướng sản xuất rau hữu cơ.

Theo ông Lê Văn Anh, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên - Huế, để việc trồng trọt trên vùng đất cát mang lại hiệu quả, cần phải cải tạo lại đất, tiếp đến phải giải quyết được “bài toán” nước tưới cho vùng đất này bằng cách xây dựng hệ thống thủy lợi, các phương pháp tưới tiêu hiện đại như phun sương, nhỏ giọt… Và, phải xây dựng được chuỗi liên kết, phải kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia trong việc xây dựng phát triển các mô hình kinh tế ở đây.

Ông Lê Văn Anh cho rằng, việc cải tạo, phát triển các mô hình kinh tế trên vùng đất cát không thể mang lại hiệu quả tức thì mà phải qua nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi những mô hình này  thành công, giúp người dân có cách nhìn nhận khác, thay đổi tư duy, tập tính sản xuất của bà con nông dân theo hướng tích cực hơn.

TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch danh dự Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, vùng đất cát trắng dọc các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận,...) lâu nay tưởng như không thể nuôi - trồng được cây - con gì giá trị, nhưng thực tế nông dân cũng đào ao, thả cá, lấy nước tưới cây, phát triển chăn nuôi lấy phân hữu cơ cải tạo đất để trồng thanh long, trồng chanh, trồng xoài... Điều này cho thấy, chỉ cần nông dân chịu khó, biết tìm tòi mô hình, vật nuôi, cây trồng phù hợp thì có thể phát triển kinh tế VAC hiệu quả. Và để nông dân làm được điều này, vai trò định hướng của chính quyền địa phương cũng như của các ngành chức năng rất quan trọng.

Theo PGS-TS. Trần Thị Thu Hòa (Trường Đại học Nông - Lâm Huế), nhiều nước đang tập trung vào xu hướng sản xuất hữu cơ, chính vì thế  các địa phương nên hỗ trợ nông dân phát triển rau màu theo hướng này trên vùng cát, sẽ rất hiệu quả. Để làm được điều này, địa phương phải tăng cường truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của nông dân, để họ hiểu những thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp trên đất cát. Đặc biệt, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh để phát triển cây rau đáp ứng yêu cầu nông nghiệp chất lượng cao. Như thế nông dân có thể làm giàu, phát huy tối đa hiệu quả của đất cát…

Sản xuất nông nghiệp trên cát được xem là biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng là hướng mở có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và các nhà khoa học phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, để có nhiều “hoa nở trên cát”.

Để khai thác hiệu quả diện tích đất cát, nếu chỉ người dân thì khó có thể tạo nên “cánh đồng hoa” mà rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền trong việc quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại cây trồng để có sản phẩm hàng hóa đủ lớn và đồng nhất về chất lượng, tạo cơ sở để đưa nông nghiệp chế biến vào. Trên cơ sở quy hoạch, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống thủy lợi phù hợp và kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

https://kinhtenongthon.vn/chinh-quyen-va-doanh-nghiep-cung-vao-cuoc-voi-nha-nong-vung-cat-se-la-canh-dong-hoa-post45698.html
Theo  Văn Nghĩa - Hoàng Hằng - Quốc Hùng - Hải Yến/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập414
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm406
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại833,266
  • Tổng lượt truy cập90,896,659
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây