Thành phố Hà Tĩnh được bao xung quanh bởi hệ thống sông Phủ và sông Rào Cái, kéo dài từ xã Thạch Bình, phường Đại Nài, đi qua xã Thạch Hưng, xã Đồng Môn, bắt qua xã Thạch Hạ trước khi đổ về Cửa Sót (Thạch Hà). Mạch nguồn các con sông đã hình thành nên những làng ven đô trù phú với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; những làng rau, làng hoa trên dải đất phù sa cổ. Thành phố còn có những cánh rừng ngập mặn với hệ sinh thái động - thực vật đa dạng, trở thành những tiềm năng để phát triển nông nghiệp vừa đặc trưng, vừa lợi thế.
Toàn cảnh thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn thành phố có 500 ha đất nuôi trồng thủy sản (mặn lợ và ngọt) và hệ thống ao hồ phong phú; gần 500 ha đất trồng cây màu và 1.400 ha sản xuất lúa. Hiện tại, thành phố vẫn còn 11/15 xã, phường có diện tích sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Việt Hiền - cán bộ Phòng Kinh tế (UBND TP Hà Tĩnh) cho biết: “Thành phố có đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, từ các loại rau, củ, quả đến những sản vật đặc trưng tôm, cua nuôi trong nước mặn, lợ; cá lồng bè và các sản phẩm chuyên biệt như hoa, cây cảnh…”.
Nuôi trồng thủy sản vừa là nghề truyền thống, vừa là thế mạnh đặc trưng của nông nghiệp TP Hà Tĩnh.
Những làng rau ven đô TP Hà Tĩnh không chỉ đưa lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần tạo ra những không gian xanh đa dạng, phong phú.
Giai đoạn 2015 - 2020, TP Hà Tĩnh đã xây dựng đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới”. Địa phương đã lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, đầu tư khoa học công nghệ để hình thành nên những vùng chuyên canh, vùng sản xuất, nuôi trồng theo hướng VietGAP, an toàn sinh học. Có thể kể tên một số mô hình như: sản xuất rau theo hướng VietGAP tại thôn Trung Tiến, Đồng Môn; sản xuất rau cải mầm sạch ở thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng; các mô hình dưa, hoa trong nhà lưới và sử dụng chế phẩm sinh học ở phường Văn Yên, phường Hà Huy Tập, xã Thạch Hạ, xã Đồng Môn… Nuôi trồng thủy sản chuyển hướng thâm canh, tập trung ở các xã Thạch Hạ, Đồng Môn, Thạch Hưng, trong đó, khu vực nuôi tôm VietGAP ở Đồng Ghè, xã Thạch Hạ với 5 ha đã ứng dụng thành công quy trình công nghiệp bền vững, chất lượng cao…
Những năm gần đây, sản phẩm nông nghiệp của TP Hà Tĩnh ngày càng hướng đến sản xuất an toàn, nông nghiệp đô thị chất lượng cao (trong ảnh: mô hình dưa lưới công nghệ cao của gia đình ông Bùi Văn Dũng ở TDP 4, phường Hà Huy Tập)
TP Hà Tĩnh còn có tiềm năng đặc biệt, đó là những nông dân đô thị chất lượng cao. Họ là những kỹ sư nông nghiệp, tiến sỹ kinh tế trở về và đi đầu trong cải cách về kỹ thuật, công nghệ. Đến thời điểm này, Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh (thôn Tân Học, xã Thạch Hạ) do anh Nguyễn Văn Nguyên - Tiến sỹ kinh tế làm chủ đã có quy mô 36 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng hơn 50 tấn/năm; 12.000 con gà với bình quân thu 10.000 quả trứng/ngày và 3.000 gà thịt. Anh Nguyễn Văn Nguyên - Giám đốc công ty cho biết: “Từ khi bắt tay vào nghề nuôi trồng thủy sản, tôi đã lựa chọn đầu tư an toàn theo hướng hữu cơ. Tôi “nói không” với hóa chất trong nuôi tôm, cua; sử dụng các thức ăn tự nhiên… Ban đầu có nhiều vất vả nhưng an toàn và bền vững. Hiện nay, thị trường của tôi khá rộng mở cả trong và ngoài tỉnh”.
Nông nghiệp đô thị tuy không có diện tích sản xuất lớn nhưng những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ (trong ảnh: vùng sản xuất rau an toàn thôn ở Thúy Hội, xã Thạch Hưng).
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sản xuất nông nghiệp ở TP Hà Tĩnh dù đã được định hình khá rõ sản phẩm chủ lực, có tiềm năng thị trường nhưng vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của nền sản xuất tiểu nông. Các mô hình được phát triển lên từ tập quán cũ của nông dân truyền thống, sản phẩm truyền thống và thị trường truyền thống.
Vào mùa này, vùng sản xuất rau mầm tập trung 5 ha của thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng được thay thế bằng ngô, lạc do thị trường giảm sút, thời tiết không thuận lợi.
Đã vào cao điểm xuống giống rau cải mầm của khu sản xuất rau sạch thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng, nhưng không khí trên đồng vẫn không mấy sôi động. Hỏi ra mới biết, rau mầm chuyên cung cấp cho các nhà hàng ăn sáng trên địa bàn đang bị… ế hàng, giá bán giảm 50% do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi. Nông dân tạm dừng sản xuất để chờ thị trường, có người chuẩn bị chuyển sang trồng dưa lê, ngô… Ông Nguyễn Chính Sỹ - Trưởng thôn Thúy Hội cho biết: “Vì thị trường khó tiêu thụ nên người dân chủ yếu chỉ sản xuất trong vườn nhà. Dù xây dựng mô hình sản xuất sạch đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận thương hiệu, sản phẩm đành chấp nhận cạnh tranh ở các chợ đầu mối”.
Ông Sỹ chia sẻ, trong vùng sản xuất 5 ha này, hộ nhiều thì có khoảng 2 - 3 sào, vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, nông dân phải vất vả trên cánh đồng, rồi lại tất tả đưa rau ra chợ đầu mối để bán buôn. Gia đình nào may mắn thì “bắt” được mối ở các nhà hàng ăn uống nhưng cũng phải phụ thuộc tình hình kinh doanh của họ.
Mô hình dưa chuột Nhật Bản trồng trong nhà lưới của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Quyết Tiến – xã Đồng Môn – TP Hà Tĩnh) cho thu hoạch cao. Ảnh: Thành Chung
Câu chuyện thị trường nông sản ở TP Hà Tĩnh không hề mới. Cách đây ít năm, xã Thạch Bình cũng đã từng ứng dụng thành công mô hình sản xuất đậu cove và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Giá bán tại ruộng lúc đó thậm chí còn cao hơn giá ở các chợ, người mua tìm đến tận vườn. Tiếc rằng, mô hình khó mở rộng, người nông dân không biết cách xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình nên chỉ “co cụm” ở địa phương.
Mô hình trồng hoa ly ở phường Văn Yên (ảnh tư liệu).
Hay mô hình trồng hoa ly ở xã Đồng Môn, phường Văn Yên từng tốn khá nhiều công sức cũng đành thất bại vì không đủ sức cạnh tranh… Ông Nguyễn Xuân Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn cho biết: “Đến nay, 50% diện tích đất nông nghiệp đã hoàn thành quá trình chuyển đổi ruộng đất, xây dựng các vùng chuyên canh lúa, rau, hoa, nhà lưới… Tuy nhiên, do còn khó khăn về hạ tầng sản xuất nên trừ một số nhà lưới, còn lại vẫn chưa được đầu tư bài bản”.
Những cơ sở có tiềm lực mạnh như Công ty TNHH Vạn An Hà Tĩnh không có nhiều. Toàn thành phố có gần 250 ha nuôi thủy sản mặn, lợ với khoảng 400 - 500 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này, song vẫn là đơn lẻ, thiếu tính kết nối theo hướng chuỗi giá trị và rủi ro cao. Ông Nguyễn Chính Lựu (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng) cho hay: “Tôi đã làm nghề nuôi tôm, cua suốt gần 20 năm. Với diện tích 18 ha, tôi nuôi theo hướng quảng canh, thu hoạch tôm xong thì thả cá, cua và bán ở các chợ hoặc cung cấp cho một số nhà hàng ẩm thực trên địa bàn. Nuôi thâm canh đầu tư lớn, trong khi hợp đồng thuê diện tích nuôi chỉ giới hạn 5 năm một lần nên tôi cũng ngại đầu tư. Năm nào thuận lợi thì thu về khoảng 240 - 250 triệu đồng, năm nào gặp lũ lụt, dịch bệnh thì chịu lỗ vốn”.
Nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Thạch Hưng chủ yếu vẫn là quảng canh và đang thu hẹp dần.
Mấy năm gần đây, nhiều bà con ở xã Thạch Hưng đã không mặn mà với nghề nuôi trồng thủy sản, một phần do rủi ro cao, phần khác nước sông từ nội đô đổ về gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho con nuôi. Riêng về nuôi cá lồng bè, từ năm 2017, địa phương này đã giảm từ 32 hộ nuôi xuống còn 1 hộ.
Nói chung, sự phát triển nông nghiệp đô thị TP Hà Tĩnh vẫn còn gặp nhiều lực cản. Trong đó có yếu tố khách quan quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp và chia nhỏ các vùng sản xuất. Cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp dù đã được chính sách “tiếp sức”, song so với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất chuyên biệt thì còn chưa xứng tầm.
Hạ tầng đi vào vùng sản xuất lúa theo hướng tích tụ ruộng đất của xã Đồng Môn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển, nhiều vùng sản xuất đang nằm trong quy hoạch với những dự án đô thị lớn như: Khu đô thị, thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ (xã Thạch Bình); Khu đô thị mới hai bên đường Ngô Quyền (xã Thạch Trung)… Do đó, cả nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất lẫn tâm lý của người dân chuyên tâm vào nông nghiệp cũng còn hạn chế. “Nhiều người chờ đợi dự án đền bù nên làm nông nghiệp… cho có để giữ đất” - lãnh đạo một UBND xã cho hay.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã