Những năm gần đây, mô hình đầu tư theo chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu đang được các doanh nhiệp khu vực ĐBSCL chú trọng ứng dụng công nghệ mới. Công ty CP Phạm Nghĩa tại TP. Cần Thơ là doanh nghiệp trẻ, mới thành lập vào năm 2015 nhưng chọn hướng đi chuyên biệt.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Phạm Nghĩa, cho biết: Ban đầu, doanh nghiệp khởi sự đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản với quy mô nhỏ, vừa sản xuất kinh doanh vừa tìm hiểu, thăm dò từng bước đáp ứng theo nhu cầu thị trường với từng mặt hàng thủy sản nước ngọt.
Trong khi thị trường cá tra không ngừng lớn mạnh với sản lượng tăng cao và đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong vùng tham gia chế biến xuất khẩu, Công ty Phạm Nghĩa chọn cách tiếp cận theo cách riêng.
Đó là tập trung sản xuất một số loài thủy sản vùng nước ngọt ở vùng ĐBSCL để đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt sản phẩm chủ lực từ loài cá thát lát cho chất lượng thịt dai, thơm, ngọt rất đặc trưng. Thịt cá thát lát có thể chế biến nhiều sản phẩm ngon, hợp khẩu vị riêng biệt tạo giá trị gia tăng.
Cũng giống như cá tra, cá thát lát có sức sống mạnh mẽ, sống thích nghi rộng trong sông, rạch, ao hồ ở nhiều địa phương vùng hạ lưu sông Cửu Long. Trong khoảng 20 năm qua, nông dân ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cần Thơ… bắt đầu nuôi cá thát lát thương phẩm và chế biến ra nhiều loại sản phẩm, từ thịt cá Thát Lát làm thực phẩm dùng cho bữa cơm trong gia đình, bán vào nhà hàng khách sạn ở miền Tây Nam bộ.
Ông Nghĩa cho rằng: Để thương mại hóa sản phẩm không chỉ nhắm vào thị trường nội địa mà hướng tới thị trường xuất khẩu cần phải kiểm soát thật tốt từ khâu đầu vào. Cá từ vùng nuôi đến đưa vào chế biến, đóng gói bao bì đưa ra thị thường cần đảm bảo tiêu chí hàng đầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công ty Cổ phần Phạm Nghĩa xây dựng vùng nguyên liệu rộng trên 1ha chuyên nuôi một số loài cá nước ngọt tại xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ. Khu vực nuôi thủy sản nằm giữa vùng ruộng lúa phì nhiêu, kênh rạch nối mạch thông thương nguồn nước từ sông Hậu, sông Ô Môn. Vùng nuôi được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, trong đó đối tượng nuôi chủ lực cá thát lát. Điều kiện đầu tiên là nguồn nước được kiểm soát sạch. Cá nuôi ngăn nắp theo từng ô trong vèo lưới, kề bên khu vực nhà xưởng chế biến của công ty.
Qua gần 6 năm, Công ty Phạm Nghĩa không ngừng nghiên cứu chế biến đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới. Đến nay công ty có 28 sản phẩm chế biến từ cá thát lát như: Cá thát lát rút xương, cá viên chiên, kim sa, chả cá thì là… được bán qua kênh hệ thống phân phối của các siêu thị trên 20 tỉnh thành trong nước.
Riêng thị trường xuất khẩu, từ hơn 1 năm qua Công ty Phạm Nghĩa đã xuất hàng thủy sản chế biến qua Mỹ, Úc, Canada… Và từ tháng 5/2021, Công ty Phạm Nghĩa đã xuất lô hàng đầu tiên sang thị trường Nhật Bản.
Ông Nghĩa cho rằng, muốn chế biến tạo ra sản phẩm tươi ngon, khâu kiểm soát kỹ lưỡng từ vùng nuôi đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Hiện nay mỗi vụ nuôi cho đối tượng cá thát lát chủ lực tại xã Đông Bình đạt khoảng 3.000 tấn, ở vùng Cù Lao Phong Nẫm (Sóc Trăng) đạt khoảng 2.000 tấn và liên kết với các hộ nuôi bên ngoài theo tiêu chuẩn VietGAP, cung ứng khoảng 500 - 1.000 tấn cá nguyên liệu.
Trong quá trình hơn 15 năm đầu tư vào ngành hàng lúa gạo, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ nổi lên là một doanh nghiệp không ngừng đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất.
Cách đây gần 10 năm Công ty Trung An đã đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa nguyên liệu 760ha tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang và liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn với các HTX nông nghiệp ở một số tỉnh trong vùng hơn 7.000ha.
Chủ trương nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, Công ty Trung An là một trong 3 đơn vị (Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ và Tập đoàn Lộc Trời) tham gia thực hiện áp dụng kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, do nhóm cán bộ nghiên cứu kỹ thuật canh tác lúa của Viện lúa ĐBSCL khởi xướng thực hiện. Đến vụ đông xuân 2019-2020, vùng canh tác lúa tiên tiến đã mở rộng trên 20.000 ha trong vùng. Bên cạnh đó, Công ty Trung An sản xuất nhiều mặt hàng gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ, gạo trắng đạt tiêu chuẩn an toàn xuất khẩu.
Tại quận Thốt Nốt, năm 2016 Công ty Trung An đã đầu tư trên 3 triệu USD xây dựng hệ thống 10 silo, sản lượng dự trữ 30.000 tấn lúa, thời gian tồn trữ giữ phẩm chất gạo có thể kéo dài trong năm. Đồng thời Trung An thiết kế dây chuyền vận chuyển liên hoàn từ các silo đến xay xát và khâu sau cùng là đóng gói trong phòng lạnh, xuất kho qua xe container xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, định hướng của công ty là sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP, chế biến gạo theo công ghệ sấy đục, dẽo đáp ứng đúng theo yêu cầu thị trường.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc Tập đoàn Rynan Technology nổi tiếng là nhà sáng chế thiết bị công nghệ tiên tiến đạt đại bản doanh tại tỉnh Trà Vinh. Ông tự nhận là kẻ ngoại đạo trong ngành hàng tôm. Tuy nhiên qua trò chuyện cùng doanh nhân trong lĩnh vực chế biến tôm xuất khẩu, ông bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời những thiết bị máy áp dụng công nghệ mới 100% “Made in Tra Vinh”.
Ông Mỹ dùng thuật ngữ “Tôm đạo đức” để nói về quy trình từ ao nuôi đến bàn ăn mà trong đó Rynan Technology mang đến giải pháp ứng dụng công nghệ số giúp HTX và hộ nuôi tôm canh tác đồng thời cung ứng thực phẩm chế biến sản phẩm tôm sạch đến với người tiêu dùng tại thị trường nội địa.
Theo ông Mỹ, thị trường tôm tiêu thụ nội địa ở nước ta có tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD với 121.000 tấn đang bị bỏ quên (nếu tính trên mức tiêu dùng với 4,5 kg cho 26.700.000 hộ gia đình và tăng trưởng 5%/năm). Tuy vậy, thị trường nội địa còn tình trạng tiêu thụ tôm chất lượng thấp và nhiễm kháng sinh, thiếu quy định và thiếu nghiêm túc trong kiểm tra chất lượng tôm, thiếu thực phẩm chế biến từ tôm với chất lượng cao. Hơn nữa trong quá trình nuôi tôm hiện còn đối mặt nhiều thách thức.
Do đó, Rynan Technology kỳ vọng mang đến các giải pháp ứng dụng kỹ thuật giúp hộ dân nuôi tôm thông qua điện thoại thông minh (Smarphone). Từ kiểm tra chất lượng nước, kiểm soát mầm bệnh, cách phòng trị bệnh tôm… Dấu ấn mới nhất là sản phẩm công nghệ lần đầu tiên trình làng với các HTX nuôi tôm và doanh nghiệp trong ngành thủy sản là máy bán tôm tươi và tôm chế biến kết nối Internet, máy bán thực phẩm nóng thông minh. Giải pháp mới công nghệ đóng gói khí cải tiến, tôm tươi đóng gói với khí cải tiến bảo quản 7 ngày với tủ mát 40C…
Các loại thiết bị máy của Rynan Technology "Made in Tra Vinh" có giá bán phù hợp để các hộ nuôi tôm có thể sử dụng nhằm giúp ngành hàng tôm nuôi nước nhà bán sản phẩm tôm tươi, sạch bệnh cung cấp ra thị trường sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
https://nongnghiep.vn/gia-tang-ham-luong-cong-nghe-trong-chuoi-san-xuat-d295144.html
Theo Hữu Đức - Ngọc Thắng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã