Giống vịt biển 15 - Đại Xuyên là giống vật nuôi gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên. Bắt đầu từ năm 2012, Trung tâm đã tiến hành nuôi khảo nghiệm giống vịt này tại trung tâm và tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Sau gần 2 năm, tổng kết năng suất và đánh giá khả năng thích nghi của loại vịt này đối với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam cũng như điều kiện nước mặn. Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên đã đề xuất Bộ NN-PTNT công nhận giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đến 23/5/2014, giống vịt này đã chính thức được công nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi), trong quá trình nghiên cứu, ngoài đánh giá về khả năng sản xuất, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên còn tập trung nghiên cứu về cấu trúc vi thể của loại vật nuôi này.
“Ngoài ra, Trung tâm còn có công trình đánh giá về tuyến muối của giống vịt biển 15 - Đại Xuyên. Điểm đặc biệt là các giống khác thì tuyến muối không có, hoặc giống nào có thì rất nhỏ. Nhưng giống vịt biển này lại có tuyến muối ở sống mũi rất to. Điều này có tác dụng để lọc muối trong quá trình sinh trưởng của giống vật nuôi này”, ông Duy chia sẻ.
Theo đánh giá của người chăn nuôi cũng như các cơ quan chuyên môn, giống vịt biển 15 - Đại Xuyên có phổ thích nghi rộng đối với cả 3 môi trường nước: ngọt, lợ và mặn. Cùng với đó, giống vịt đặc biệt này cũng được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra các mô hình tại bãi ngang, nước lợ, nước mặn khác nhau.
“Vào thời điểm năm 2012, vịt biển được đưa vào 3 tỉnh là Thái Bình, Quảng Ninh và Nam Định. Sau một thời gian, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận thấy, giống vịt biển 15 - Đại Xuyên thích nghi ở điều kiện nước muối 3/1000, tỷ lệ sống đạt 97%, sinh trưởng, phát triển tốt”, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ.
Điểm đặc biệt của giống vịt này là khi nuôi ở những vùng ven biển thì có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có. Bởi vậy mà bà con chăn nuôi có phản hồi rất tích cực. Bên cạnh đó, thị trường cũng rất ưa chuộng.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đề nghị người chăn nuôi thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo các điều kiện cho vịt sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Trong đó, cần phải tiêm vắc xin đầy đủ như các giống gia cầm khác.
Ngoài ra, bà con có thể tận dụng những nguồn thức ăn sẵn có ở vùng ven biển. Điều này giúp giảm chi phí thức ăn đầu vào trong chăn nuôi. Do đó, thu nhập cho bà con khi phát triển giống vịt này cũng khá hơn so với các địa bàn khác.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, hầu hết các tỉnh ven biển đều đã triển khai mô hình nuôi vịt biển. Nhiều người dân còn chủ động tham khảo ý kiến của cán bộ khuyến nông địa phương để tìm đến những cơ sở cung cấp giống tốt, học hỏi quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển đàn vịt biển.
Ngoài việc tổ chức các mô hình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn có những tài liệu hướng dẫn kỹ thuật kết hợp với Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên cung cấp cho những hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình. Từ đó giúp bà con chăn nuôi đúng điều kiện và theo đúng quy trình.
https://nongnghiep.vn/giong-vit-thich-nghi-duoc-do-man-3-1000-d332490.html
Theo Quang Dũng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã