Thực hiện phương hướng nhiệm vụ công tác và phong trào phát triển kinh tế VAC năm 2021. Tháng 1 năm 2021 Ban thường vụ và Thường trực Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại đạt được kết quả nổi bật.
Thi đua sản xuất VAC giỏi
Các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên thi đua sản xuất VAC giỏi đạt nhiều kết quả. Điển hình như: Huyện Gia Bình hiện có gần 700 trang trại, gia trại, (trong đó 79 trang trại đạt tiêu chí Bộ Nông nghiệp và PTNT, doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm trở lên) gần 200 mô hình trang trại, gia trại có doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên.
Các mô hình trang trại, gia trại đang góp phần nâng giá trị chăn nuôi/ha của huyện từ 180 triệu đồng năm 2017 lên 250 triệu đồng năm 2020, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.
Nhiều mô hình có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, điển hình như: Mô hình trồng rau an toàn của anh Nguyễn Văn Thành, thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm; Mô hình trồng củ cải đường xuất khẩu của anh Nguyễn Văn Linh, thôn Mỹ Lộc (Cao Đức); mô hình trồng rau hữu cơ anh Trần Văn Hiển, thôn Bùng (Bình Dương)...
Để kinh tế trang trại, gia trại tiếp tục phát triển bền vững, huyện Gia Bình khuyến khích người dân dồn điển đổi thửa, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa theo vùng để tăng tính cạnh tranh; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Thế Dũng, thôn Du Tràng có diện tích 1,5ha. Ban đầu anh trồng cam Vinh, do không phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, hiệu quả không cao nên tiếp tục cải tạo đất và chuyển sang trồng bưởi, nhãn và mít. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cây trừ chi phí cho thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng. Từ đó, anh tiếp tục vay thêm vốn mở rộng quy mô trang trại.
Đến nay, ngoài trồng cây ăn quả, anh còn đầu tư phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp với gần 500 đôi chim thương phẩm và chim sinh sản. Với phương pháp nuôi gối nhiều lứa nên ngày nào gia đình anh cũng có chim thương phẩm bán cho các thương lái và nhà hàng trong tỉnh. Phân chim bồ câu được anh tận dụng, thu gom rồi rắc vôi bột, ủ với chế phẩm sinh học để sử dụng bón cho cây ăn quả. Năm 2019, tổng doanh thu trang trại ước đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, cùng nhiều lao động thời vụ khác tại địa phương.
Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du) khởi đầu từ mô hình tổ hợp tác trồng rau. Năm 2018 chuyển đổi sang HTX chuyên sản xuất nông sản an toàn với 35 thành viên canh tác trên diện tích 15 ha rau màu và 2 ha cây ăn quả. Đây là một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu của Tiên Du. Thực hiện tôn chỉ, mục đích của HTX “Sản xuất an toàn, hiệu quả, theo nhu cầu thị trường”, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX quy hoạch thành vùng sản xuất; áp dụng phương thức sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn rõ ràng đối với từng loại rau màu; nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu thị trường và định hướng cho các thành viên trước mỗi mùa vụ, nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng cung - cầu…
Sau gần 3 năm hoạt động, HTX có bước chuyển ấn tượng, số thành viên tăng lên hơn 130 người. Diện tích trồng rau màu an toàn cũng tăng lên 20 ha, cây ăn quả 10 ha. Các thành viên HTX đều nắm vững và tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất các loại nông sản an toàn. Nhất là khi sử dụng phân bón, ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ, vi sinh, vừa tốt cho cây trồng, vừa hạn chế thoái hóa đất, nước. Lượng phân bón được tính toán kỹ lưỡng, tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Khi dùng thuốc bảo vệ thực vật, các loại thuốc trừ sâu vi sinh, đều sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, liều lượng, cách thức, thời gian) và ghi chép đầy đủ trong nhật ký đồng ruộng (tên loại thuốc, số lượng, liều lượng, ngày, tháng sử dụng…).
Hiện nay, bình quân mỗi ngày, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 8 tạ nông sản an toàn. Trong đó, hơn 70% nông sản được Ban Giám đốc ký kết cung ứng cho các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận theo “chuỗi giá trị” với giá thành ổn định; gần 30% bán thị trường tự do; tổng doanh thu ước đạt 7 - 8 tỷ đồng/năm. Một số thành viên trồng 8 sào - 1,2 mẫu có nguồn thu nhập ổn định 250 - 400 triệu đồng/năm. Điển hình như thành viên Lê Đắc Long, Đỗ Đình Nhi, Nguyễn Văn Thắng…
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững cho biết, trong tháng 2 tới đây, Hội tiếp tục tuyên truyền hội viên các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện đón tết vui tươi, lành mạnh. Phát động phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên chào mừng các này lễ lớn của dân tộc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Các huyện, thị xã và thành phố tổ chức kiện toàn lãnh đạo hội. Xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội ở cấp cơ sở và cấp huyện, thị xã và thành phố. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành triển khai kế hoạch tập huấn kỹ thuật sản xuất VAC năm 2021.
Tiếp tục hướng dẫn các chủ trang trại sản xuất lớn, các doanh nghiệp nông nghiệp, các HTX hoàn chỉnh dự án và hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại xây dựng dự án sản xuất năm 2021.Chỉ đạo Hội làm vườn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Tuyên truyền hội viên tăng cường phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân. Đồng thời, tập trung đôn đốc nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, chủ động thu hoạch những cây trồng đến thời vụ, quay vòng giải phóng đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân: làm đất, đổ ải, gieo mạ, cấy lúa,... để chuẩn bị sản suất.
Trong tháng 1 vừa qua các cấp hội tổ chức được 10 cuộc tập huấn kết hợp với tuyên truyền cho 1.096 lượt hội viên về tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền về các ngày lễ lớn của dân tộc và phát động phong trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.
Đồng thời, Hội đã hướng dẫn các chủ trang trại sản xuất lớn xây dựng dự án sản xuất năm 2021. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn; Theo Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND thực hiện có hiệu quả đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ”giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy thế mạnh của từng địa phương./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã