Những ngày tháng 8 này, chợ na Đồng Bành tấp nập, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người từ Chi Lăng, Hữu Lũng, Cai Kinh, Hòa Lộc… đã mang những quả na mới thu hoạch về tập trung tại đây, tạo nên khu chợ na kéo dài hơn 1km bên Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Chi Lăng.
Hiện nay, diện tích trồng na trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 3.300ha, được trồng chủ yếu tại các huyện: Chi Lăng (khoảng 1.805ha), Hữu Lũng (khoảng 1.500ha), sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm.
Đặc biệt, na Chi Lăng lọt vào top 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017; được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam vinh danh và trao cúp vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong tốp 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018.
Từ sáng sớm tới trưa, những chiếc xe ba gác luôn ngược xuôi ra vào chợ, những thanh niên đẫm mồ hôi gánh trên vai những thúng na mắt mở căng tròn.
Năm nay, giá na loại thường dao động khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Loại quả to đẹp có giá cao hơn, khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo nhiều người cho biết, năng suất na mùa này thấp hơn năm trước, quả bé hơn do ảnh hưởng của đợt hạn hán kéo dài. Ngoài ra, do vùng trồng mở rộng nên sản lượng vẫn tăng cao, khiến giá rẻ hơn so với mùa na năm ngoái.
Anh Lương Văn Thạch cho biết: "Vườn nhà nào xa thì từ 3h rưỡi sáng đã phải dậy lên vườn cắt na rồi, nhà nào gần thì cũng 4h là bắt đầu leo núi. Mỗi sáng, mỗi người hái trung bình được 1 gánh, rồi thả tời xuống để mang ra chợ cho kịp giờ thương lái. Càng ra chợ muộn thì càng khó bán nên hầu hết người dân phải đi cắt na từ lúc trời còn chưa sáng".
Chị Triệu Thị Mai (thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng) cho biết, gia đình chị có hơn 1.000 gốc na trồng trên núi đá. Từ đầu mùa đến nay, gia đình chị mới chỉ thu hoạch được khoàng 5 - 6 tạ na. Năm nay, quả na nhỏ hơn do nắng nóng kéo dài, na trên núi héo hon do không có nước tưới, không bón được phân.
Lái buôn từ khắp các tỉnh miền Bắc về tận chợ na Đồng Bành để thu mua từ từng người bán, sau đó tập kết đóng hàng chuyển đi. Năm nay, khu chợ na Đồng Bành đã được tập trung tại khu vực riêng, không còn tình trạng bày bán la liệt trên quốc lộ 1A, thuận tiện cho thương lái, khách đến mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Nhị (60 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) đã lên Đồng Bành từ rất sớm để chọn mua được na đẹp mang về bán ở chợ gần nhà. “Na Đồng Bành nổi tiếng thơm ngon nên mang về bán chạy. Cứ hai ngày tôi lại lên đây lấy hàng mới về bán”, bà Nhị cho biết.
Anh Vi Văn Hải (thị trấn Chi Lăng) phải dậy từ 4h sáng để hái và chuyển na từ trên núi xuống. “Sáng nay, tôi hái được tổng cộng 1,8 tạ quả mang xuống chợ bán. Cũng may là bán hết nhanh, nên vất vả chút vẫn vui”, anh Hải chia sẻ.
Ông Lương Thành Chung - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên huyện Chi Lăng không tổ chức khai mạc lễ hội na. Tuy nhiên từ đầu mùa na đến nay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP nên na Chi Lăng vẫn luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong cả nước.
Theo Mộc Trà/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã