Năm 2014, ông Lê Văn Hạnh (xóm Tràng Sơn, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) được con trai giới thiệu mô hình trồng nấm ở Đồng Nai. Từ đó ông bắt đầu tìm hiểu và vào tận nơi tỉnh Đồng Nai tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng nấm, kỹ thuật trồng nấm.
Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, ông bắt đầu ấp ủ ý tưởng, lên kế hoạch để xây dựng trang trại trồng nấm.
Đầu năm 2015, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Hạnh mạnh dạn vay mượn tiền của anh em trong gia đình, ngân hàng để thuê đất, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ nghề trồng nấm.
Thời gian đầu, ông Hạnh chỉ dám đầu tư 3 trại nấm trồng 3 loại nấm là nấm linh chi, nấm mộc nhĩ và nấm sò.
Dần dần, khi sản xuất ổn định và có lãi, ông Hạnh đã mở rộng thêm diện tích, quy mô, công suất trồng nấm. Đến nay cơ sở sản xuất nấm của ông đã có 8 trại trồng nấm gồm nấm linh chi, nấm mộc nhĩ (nấm mèo) và nấm sò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng.
Để hoàn thiện mô hình trồng nấm, gia đình ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nhà nuôi phôi, lò hấp khử trùng nguyên liệu, khu đóng gói… trên diện tích 5.000 m2.
Đây là mô hình trồng nấm hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động để cân đối nhiệt độ và phun sương, đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ở mức 25-30 độ C, thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng cao.
Ông Hạnh cho biết: "Thời gian đầu cơ sản xuất nấm gặp rất nhiều khó khăn, nấm làm ra, lúc ấy, người dân tại địa phương và vùng phụ cận chưa quen dùng, lại chưa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên khó khăn càng chồng chất. Lúc đó, tôi tưởng chừng như gia đình đã lâm vào cảnh phá sản. Đến thời điểm này đã khác, nấm sản xuất đến đâu thì tiêu thụ đến đó..."
"Chu kỳ trồng nấm chỉ từ 5 tháng đến 6 tháng là cho thu hoạch nhưng đòi hỏi kỹ thuật trồng nấm rất cao từ khâu làm phôi đến khâu nuôi trồng, phải đảm bảo sạch hoàn toàn. Do đó, trước và sau khi thu hoạch nấm phải xử lý tốt khâu khử trùng, làm sạch môi trường cho đợt trồng mới tiếp theo...", ông Hạnh cho biết thêm.
Theo ông Hạnh, giá bán nấm sò hiện là 25.000 đồng/kg; giá bán nấm mộc nhĩ là 120.000 đồng/kg (khô); giá bán nấm linh chi là 700.000 đồng/kg; giá bán phôi nấm là 6.000đồng/bịch. Các sản phẩm nấm hiện ở tình trạng cung không đủ cầu.
Riêng năm 2019, gia đình ông Hạnh sản xuất được 2 vụ nấm, thu về 80 tấn nấm các loại, bán được 30 ngàn phôi nấm. Khách hàng mua nấm chủ yếu là trong tỉnh Nghệ An, tổng thu được 2 tỉ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận được 800 triệu đồng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: "Trồng nấm khi đã nắm khoa học kỹ thuật, đem lại lợi nhuận cao, tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất, tận dụng công nhàn rỗi. Tuy nhiên đối với nấm sò, thời gian bảo quản rất ngắn, mô hình lớn hay bé do thị trường quyết định, nên cần nghiên cứu thị trường kỹ càng để sản xuất có hiệu quả, tránh gặp khó khăn cho đầu ra sản phẩm."
Do dịch bệnh Covid-19, sản xuất của gia đình cựu binh Lê Văn Hạnh gặp nhiều khó khăn, cựu binh Lê Văn Hạnh là một trong những người tích cực ủng hộ, chung tay vượt qua dịch Covid-19.
https://danviet.vn/lao-nong-nghe-an-trong-3-loai-nam-gi-ma-cho-thu-nhap-800-trieu-moi-nam-20200512112410982.htm
Theo Cảnh Thắng.danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã