Xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là nơi sinh sống lâu đời của các hộ dân tộc Dao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là luồng gió mát, thổi đến xóm núi này cuộc sống mới, cách làm ăn mới.
Người Dao Tân Sơn đã thay đổi mạnh mẽ thói quen canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Anh Đặng Văn Vui, 31 tuổi, đang làm mô hình tổng hợp rừng - vườn - ao - chuồng hiệu quả, được bà con đánh giá cao.
Khi thực hiện ghép bản Kẹm và bản Tiến Thành vào năm ngoái, người dân của cả hai bản đã chọn tên mới là xóm Tân Sơn, hàm ý một xóm núi đổi thay với cuộc sống mới.
Xóm Tân Sơn nằm ngay dưới chân dãy Tam Đảo, bao quanh là vô số đồi núi. Nhà của Đặng Văn Vui nằm dưới chân núi Giang. Sở dĩ gọi như vậy vì ngọn núi này có nhiều cây giang - loài cây thuộc họ tre, thân rất mềm dẻo thường dùng để chẻ làm lạt, đang nón, đan thúng mủng dần sàng.
Bố của Vui là ông Đặng Văn Minh (56 tuổi), vào núi Giang vỡ đất khai hoang từ hồi còn trẻ, để trồng ngô trồng sắn lấy cái ăn. Khi bàn giao lại cơ ngơi cho Vui, tài sản quý nhất là bãi chè hơn 1,5 mẫu. Còn lại là đất bỏ hoang hóa chỉ có cỏ cây dại mọc um tùm.
"Đất đai rộng không làm xuể, với lại diện tích đó ở tận trong lũng núi, xa dân cư, đường vào vất vả nên không đủ sức làm", ông Minh kể lại.
Không theo học lên cao, Vui sớm giúp cha mẹ việc nương bãi, nổi tiếng là cậu con trai hiền lành chăm chỉ vào bậc nhất của xóm khiến nhiều gia đình ao ước được gả con gái cho. Năm 2012, anh cưới vợ, sinh liền một mạch 2 con 1 gái, 1 trai. Ba năm sau, con đã cứng cáp, vợ chồng Vui bàn với bố mẹ xin tách ra để tập làm ăn riêng, không quá phụ thuộc vào sự bao bọc của bố mẹ.
Đặt niềm tin vào con trai, ông Minh vui vẻ bỏ ra gần 150 triệu đồng, xây cho con một căn nhà nhỏ trong lũng, dưới chân núi Giang. Năm 2016, vợ chồng anh bắt đầu ra ở riêng, vì chưa có đường nên dắt nhau men theo những bờ ruộng để vào lũng núi khởi nghiệp.
Hỏi về diện tích đất đai, Vui tính lâu lắm chưa ra con số: Chè thì một mảnh chè lai 4 sào, một mảnh chè lai 6 sào, lại một mảnh Phúc Thọ 5 sào, ao hơn 2 sào, vườn mấy sào trồng hơn 200 cây bưởi. Rừng nhiều lắm không tính được, chỉ nhớ có 4 sào keo sắp được khai thác.
Nói về công việc hàng ngày thì dễ hơn, dậy từ 5 giờ sáng, con đứa lớn 7 tuổi, đứa bé 4 tuổi mang ra gửi ông bà, vợ đi làm đổi công hái chè cho các nhà trong xóm còn chồng lo làm ăn của nhà. Nhiều việc lắm, làm đến lúc nghỉ thì nghỉ thôi chứ không ngày nào hết việc. Cây thì chè, bưởi. Con thì đàn lợn 20 con, vịt gà trên 500 con, cá, hàng ngày đều chăn bằng củ quả có sẵn, bận nhất là chặt cây chuối băm nhỏ làm thức ăn cho các vật nuôi.
Sau 4 năm khởi nghiệp, vợ chồng Vui đang có trong tay sản nghiệp đáng mơ ước không chỉ đối với các hộ thuần nông, gồm: đàn lợn 20 con sắp được xuất bán, trị giá khoảng 400 triệu đồng; mỗi tháng bán 400 vịt bầu thu 36 triệu đồng; thu 8 lứa chè/năm, mỗi lứa từ 15 - 17 triệu đồng/lứa; rừng keo.
Vui bẽn lẽn khoe như năm ngoái chắc chắn là dư ra được hơn 150 triệu, nhưng cũng không để được đồng nào, vì có đến đâu liền đầu tư vào sản xuất đến đấy.
Trưởng xóm Tân Sơn hiện nay là ông Đỗ Xuân Thìn, 56 tuổi, rất được bà con tin tưởng, tín nhiệm không chỉ vì ông nhiệt tình hết lòng vì việc chung mà ông còn là người làm ăn giỏi. Ông đặt rất nhiều hy vọng vào mô hình của Vui vì ông đánh giá cao sự tâm huyết và làm ăn bài bản, chắc chắn của người thanh niên này.
Ông Thìn tâm sự: Tôi và gia đình Vui rất thân thiết. Vui luôn coi tôi như cha chú, tin cậy trao đổi bàn bạc những ý định về đầu tư phát triển kinh tế. Tôi cũng cổ vũ động viên cháu, vì còn trẻ mà gắn bó với việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã là rất quý rồi, trong khi cháu Vui lại rất chịu khó làm, chịu khó học hỏi, cẩn thận, chín chắn. Vợ chồng cháu rất tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng về trồng trọt, chăn nuôi, bản thân cháu Vui còn đến tận các hộ có kinh nghiệm về chăn nuôi lợn để học cách chăm sóc, chữa bệnh để về áp dụng. Do không có nhiều vốn liếng ngay ban đầu nên cháu Vui đầu tư rất cẩn trọng, làm gì chắc đấy, đặc biệt là rất mạnh tay đầu tư vào chuồng trại để phát triển bền vững.
Đặng Văn Vui chia sẻ, vì học hết trung học cơ sở không theo học tiếp nên anh rất hạn chế về kiến thức, để bù đắp, anh thường xuyên lên mạng internet để tìm hiểu các chương trình khuyến nông, các mô hình mới. Anh thấy mô hình nuôi vịt trên sàn lưới rất hiệu quả, chuồng trại thoáng mát, vịt sạch sẽ, ít bị bệnh tật, lớn nhanh, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Vì vậy anh đã mua sắt, lưới, tôn, xây dựng và lắp ráp thành nhà sàn lưới nuôi vịt, phân vịt được thải xuống sàn bằng nền xi măng, sau 2 - 3 ngày thì dùng nước xịt phân cho xuống ao chứa để bón cây, không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Vịt con khi mua về, được nuôi trên sàn lưới cho cứng cáp rồi thả ra vườn để chăn thả tự nhiên để tận dụng đất đai rộng và cây cối mát mẻ.
Nhờ vậy, với diện tích chuồng chưa đầy 40m2, nuôi gối nhau, mỗi tháng anh bán 400 con vịt bầu, trọng lượng bình quân 3 kg/con, với giá 30 nghìn đồng/kg.
Có lưng vốn kha khá, Vui đầu tư vào nuôi lợn. Anh chọn giống lợn Tam Đảo được nhiều hộ trong xóm chăn nuôi. Giống lợn này khá dễ nuôi, trọng lượng lên đến hơn 1 tạ, thịt thơm ngon. Anh quy hoạch chuồng trại thành từng khu riêng, khá cách xa nhau để nhốt riêng lợn khỏe, lợn có dấu hiệu ốm để tránh lây nhiễm. Thức ăn chăn nuôi tận dụng từ cây cỏ thiên nhiên như ngô, khoai, sắn, thân cây chuối.
Anh bày tỏ sự lo lắng bởi chăn nuôi lợn giai đoạn này đầu tư vốn quá lớn, riêng lợn giống đã đến hơn 2 triệu đồng, lại nhiều dịch bệnh nên rủi ro cao, dễ khiến người nông dân trắng tay. Vì thế, anh rất cẩn trọng, ngay cả nước tắm lợn cũng không dám dùng nước suối mà phải dùng nước sạch từ đầu nguồn, hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn lợn để kịp thời điều trị. Anh tin mô hình chăn nuôi của gia đình sẽ thành công, mang lại hiệu quả, là bước tiến xa đối với phát triển kinh tế của gia đình anh.
Ông Dương Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng đánh giá, mô hình của gia đình Vui tuy còn khá mới mẻ nhưng bài bản và hiệu quả, đã có những thành công ban đầu, tích cực góp phần xây dựng xóm Tân Sơn thành xóm NTM kiểu mẫu năm 2020. Hiện, đây cũng là mô hình kiểu mẫu để các hộ dân trong xóm, trong xã học tập.
Theo Đồng Văn Thưởng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã