Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khai mạc lễ hội với sự tham dự của trên 600 đại biểu là lãnh đạo của các Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định và 8 tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ; 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh có chăn nuôi gà lớn như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Long An, Bình Phước. Lễ hội còn thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh gia cầm trong cả nước.
Lễ hội quảng bá sản phẩm gà năm 2020 là cơ hội để các doanh nghiệp giao lưu, quảng bá thương hiệu, ký kết hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gà trong nước.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, dự báo thị trường; đặc biệt là hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, chăn nuôi gia cầm phù hợp trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong những năm qua, chăn nuôi gia cầm ở nước ta đã có những bước phát triển nhảy vọt. Từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát chuyển sang chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều. Chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương đã trở thành một trong những nghề sản xuất chính trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp, giúp xoá đói giảm nghèo bền vững.
Trong khuôn khổ Lễ hội quảng bá sản phẩm gà năm 2020, Bộ NN – PTNT tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi gia cầm.
Tại Hội thảo, Cục Chăn nuôi đã trình bày tình hình chăn nuôi gia cầm và định hướng phát triển; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giới thiệu những mô hình chăn nuôi gia cầm hiệu quả tại 1 số địa phương; Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản giới thiệu 1 số giải pháp tăng cường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gà Việt Nam; Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam nêu bật những cơ hội và thách thức cùng những giải pháp đối với gia cầm Việt Nam khi tham gia các Hiệp định CPTPP và EVFTA; Viện Chăn nuôi thống kê công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghê trong chăn nuôi gia cầm của Việt Nam; Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam trình bày dự án đầu tư xuất nhập khẩu gia cầm và Công ty San Hà trình bày chuỗi liên kết tạo giá trị đối với sản phẩm gia cầm.
Theo ngành chức năng, trong thời gian qua, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta từng bước tiếp nhận những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, cả về con giống và trang thiết bị. Khoa học công nghệ là động lực phát triển, tạo những bước đột phá, cho ra những sản phẩm gia cầm có chất lượng và giá trị cao, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2040, chăn nuôi gia cầm ở nước ta sẽ được thúc đẩy nhanh theo cả 2 hướng thịt và trứng. Kế hoạch đến năm 2030, tỷ trọng thịt gia cầm chiếm 28 - 30% ( riêng thịt gà chiếm 21 - 23%) trong tổng sản lượng thịt các loại và 22 - 23 tỷ quả trứng. Điểm đáng chú ý là sẽ chú trọng tập trung vào các giống gà bản địa, đặc sản có chất lượng cao.
Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu một bộ giống gia cầm phong phú và đa dạng, có năng suất và chất lượng cao, gồm các giống gia cầm siêu thịt, các giống gia cầm siêu trứng, kiêm dụng, các giống gia cầm từ nguồn nhập ngoại; đặc biệt là nguồn gen quý trong nước từ đó lai tạo ra các dòng giống mới có năng suất, chất lượng cao.
Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã