Dốc cả vốn liếng để đi trồng nhân sâm lạ
Sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh thành, anh Nguyễn Văn Thành (SN 1982) quê ở tỉnh Lâm Đồng đã chọn vùng đất bãi bồi ven sông Lam của tỉnh Nghệ An là điểm trồng nhân sâm Nhật Bản-cây sâm ngưu bàng.
Tại đây anh Thành quen và bén duyên với người con gái xứ Nghệ. Sau khi cưới vợ, được gia đình ủng hộ, anh bắt đầu tìm hướng làm giàu trên chính mảnh đất mà mình đã gửi trọn tình yêu thương.
Từ năm 2018, anh Thành đi khảo sát rất nhiều vùng quê mà khí hậu thổ nhưỡng phụ hợp với cây sâm ngưu bàng trong đó có vùng đất bãi bồi sông Lam thuộc địa phận xã Long Xã, huyện Hưng Nguyên.
Cuối năm 2020, anh Thành quyết định chọn vùng đất bãi bồi Long Xá làm nơi lập trang trại để trồng cây sâm ngưu bàng.
Thời điểm đầu lập nghiệp gặp nhiều khó khăn, người dân địa phương không đồng tình cho thuê đất, điện nước lại không có bắt buộc phải đầu tư mới.
Đặc biệt, vùng đất này nằm ngay bên dòng sông Lam, hàng năm cứ đến mùa mưa bão nguy cơ lũ lụt, ngập úng cao. Tuy nhiên, anh Thành vẫn quyết tâm trồng loài nhân sâm Nhật Bản-1 loại cây sâm lạ đối với Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Thành cho hay: "Thời điểm đầu mới trồng, tôi gặp muôn vàn khó khăn, người dân phản đối, chính quyền người ủng hộ, người không; điện nước phải làm mới, lũ luôn chực chờ dưới sông. Nhưng đã quyết định làm là tôi dám đương đầu, đến nay cơ bản trang trại tôi đã hoàn thành và đi vào hoạt động rất tốt. Thời điểm này cây sâm ngưu bàng mà tôi trồng và chăm sóc còn 3 tháng nữa là đến vụ thu hoạch... ".
"Khi đưa giống cây sâm ngưu bàng vào gieo trồng trên vùng đất này nhiều người rất ngạc nhiên không hiểu đây là giống cây gì mà lạ vậy vì chưa từng thấy bao giờ. Họ thắc mắc vì vùng đất này nhiều cát, bạc màu liệu cây này có phát triển được hay không? Trải qua khó khăn là vậy. Nhưng đến lúc này tôi đã hoàn thành việc gieo trồng hơn 5 ha cây sâm ngưu bàng trên chính mảnh đất bãi bồi ven sông Lam", anh cho biết thêm.
Khát vọng tỉ phú từ cây sâm lạ
Anh Nguyễn Văn Thành tâm sự: "Việc trồng loại cây sâm ngưu bàng này không khó, chỉ cần chọn loại vùng đất bãi bồi và biết áp dụng vào khoa học kỹ thuật vào trồng trọt là cây có thể phát triển và có thể cho năng suất cao. Những năm trước, giống cây sâm ngưu bàng này rất hiếm ở nước ta nhưng nay ở Việt Nam mình có rất nhiều công ty phân phối giống. Đây là loại cây dược liệu mới được đưa vào trồng đại trà ở trong nước và tôi có thể khẳng định đây là loại cây dược liệu mới được đưa vào trồng ở Nghệ An".
"Tuy nhiên, từ lâu nay củ cây sâm ngưu bàng này là dược liệu quý hiểm của người dân Nhật Bản và Hàn Quốc; bởi thành phần dinh dưỡng cũng như tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người.", anh Thành cho biết thêm.
Được biết, với 1kg giống cây ngưu bàng có giá 25 triệu đồng và có thể trồng phủ kín gần 3.000m2. Sau khi trồng chăm sóc 6 tháng đến 8 tháng loại cây này có thể cho thu hoạch.
Hiện tại theo giá thị trường loại sâm ngưu bàng củ tươi giá 45.000 đồng/ kg, củ khô giá giao động từ 220.000 - 300.000 đồng/kg.
Khoảng 3 tháng tới, với hơn 5 ha cây sâm ngưu bàng đến vụ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Thành ước tính lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện nay trang trại anh tạo công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho 25 đến 30 lao động địa phương; trung bình mỗi tháng từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng.
Được biết, ngoài trồng cây sâm ngưu bàng tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, anh Nguyễn Văn Thành còn đầu tư trồng 5 ha loại cây này ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa và bước đầu cũng cho thu nhập ổn định.
"Ngoài việc trồng và sản xuất sâm ngưu bàng, tôi đã liên kết với các nhà máy chế biến để cho ra thị trường các sản phẩm như cao ngưu bàng, trà ngưu bàng túi lọc.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch UBND xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên cho hay: "Toàn xã hiện nay quản lý hơn 100 ha đất bãi bồi ven sông Lam, từ lâu nay người dân chúng tôi chủ yếu là trồng ngô, lạc, đậu... nhưng giá trị kinh tế lại không cao. Từ khi anh Thành đặt vấn đề trồng cây dược liệu tại địa phương tôi rất vui mừng, đặc biệt anh Thành lại đưa giống cây sâm ngưu bàng trên vùng đất bãi bồi ven sông Lam, chúng tôi rất khuyến khích ủng hộ, mong muốn sản phẩm này trở thành OCOP của Long Xá".
Clip trồng sâm ngưu bàng trên đất Nghệ An.
Cây sâm ngưu bàng là một loại củ ăn ngon, một vị thuốc được dùng rộng rãi ở một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Triều Tiên.
Củ sâm ngưu bàng có tác dụng mang lại lợi ích cho sức khỏe cho con người, rất tốt cho người ăn chay trường và người bệnh.
Thị trường thực phẩm đang dần xuất hiện nhiều các sản phẩm thực phẩm ăn liền có thành phần rễ củ cây sâm ngưu bàng ở dạng nước uống, thức ăn đóng hộp hoặc canh soup dưỡng sinh...Các sản phẩm này cũng được xem như thực phẩm chức năng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt.
https://danviet.vn/nghe-an-ong-nong-dan-lam-dong-mang-cay-nhan-sam-la-trong-kin-bai-ven-song-lam-va-muon-thanh-ty-phu-2021030923044932.htm
Theo Cảnh Thắng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã