Xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) có diện tích nuôi hàu, hà lớn với trên 300ha. Việc nuôi trồng thủy sản đang từng bước cải thiện thu nhập, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Hơn nữa, đầu ra cho các sản phẩm nhuyễn thể ở xã đa phần phục vụ xuất khẩu (XK) thị trường Trung Quốc, nên số hộ dân nuôi trồng nhuyễn thể ngày một tăng.
Theo ông Phạm Văn Kiên, xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên, nuôi nhuyễn thể tốn ít chi phí về đầu tư hạ tầng sản xuất, không mất chi phí thức ăn, vì vậy giá trị kinh tế mang lại tương đối cao, mỗi hộ có thể thu nhập 100-150 triệu đồng/ha/năm. Thường thì con giống mua trôi nổi trên thị trường, qua mối làm ăn quen.
"Trước đây, khoảng thời gian chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, quá trình XNK hàng hóa vẫn còn diễn ra thuận lợi, chúng tôi sẽ tìm thương lái để từ đó liên kết vừa bán hàng, vừa nhập con giống từ nước bạn.
Tuy nhiên năm nay hoạt động XNK tạm ngừng, nhuyễn thể được chúng tôi xuất bán thị trường nội địa là chính, con giống bắt buộc mua trong nước ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa", ông Kiên cho biết thêm.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế TX Quảng Yên: Địa phương có khoảng 1.500ha đất bãi triều, mặt nước biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể (hàu cửa sông, hà sú…).
Tính đến cuối năm 2019, TX Quảng Yên có gần 500ha nuôi nhuyễn thể. Một số xã, phường có diện tích nuôi nhiều là: Hoàng Tân, Tân An, Liên Hòa, Minh Thành, Liên Vị… Sản lượng hàu, hà của thị xã từ 3.000-5.000 tấn/năm (chiếm gần 1/2 tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Quảng Yên), giá trị kinh tế hơn 100 tỷ đồng/năm.
Qua khảo sát một số hộ nuôi trồng nhuyễn thể ở Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà (Quảng Ninh). Ở mỗi địa phương, các hộ dân có những lựa chọn khác nhau về nguồn gốc con giống, ngoài sử dụng giống từ Trung Quốc, nhiều hộ cho biết tự tìm nguồn giống ở nhiều đơn vị sản xuất trong nước, bao gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, đồng thời sản lượng, giá trị và đầu ra cũng có sự khác biệt.
Nuôi hàu treo dây ở xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.
Do chưa quy hoạch vùng nuôi nhuyễn thể tập trung, nên các hộ nuôi ở TX Quảng Yên chủ yếu nuôi tự phát, trong khi đó nhu cầu nuôi hàu, hà của các hộ ngày càng cao.
Vậy nên, quá trình nuôi trồng nhuyễn thể ở các hộ dân mới chỉ được khuyến khích do khả năng phát triển kinh tế, công tác quản lý chất lượng, định hướng về con giống, môi trường sản xuất chưa được đặt chú trọng quan tâm.
Một trong những địa phương được mệnh danh là “vựa hàu” của tỉnh Quảng Ninh là Vân Đồn cũng đang gặp phải nhiều vấn đề khi mua giống hàu trôi nổi, việc này không thể trách người dân bởi ngay chính địa phương không thể sản xuất con giống.
Tuy nhiên từ trước đến nay, chưa có bất kỳ đánh giá, định hướng về con giống đã để lại những hệ lụy tưởng chừng như đơn giản. Chưa có đơn vị cung ứng giống uy tín, người dân lựa chọn theo cảm tính, để rồi đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt.
Cách đây không lâu, đỉnh điểm của dịch Covid-19 hoành hành, hàng trăm, hàng nghìn hộ dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Vân Đồn lao đao tìm đầu ra. Bán không được, để dưới biển không xong, một vài hộ đành đem đổ bỏ toàn bộ số hàu do không thể tiêu thụ, giá rớt thảm.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan do toàn bộ hoạt động XNK ngưng trệ, một phần nhỏ trong số đó có liên quan đến con giống tạp nham.
Đáng nói, chính quyền địa phương đã dốc hết sức, chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn vay, nhưng các hộ nuôi trồng nhuyễn thể ở địa phương không thể chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không có sao kê, kiểm toán hóa đơn về số lượng giống hàu đã nuôi trồng.
Anh Nguyễn Thế Minh, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay: Trong thời điểm dịch bệnh diễn ra thì giá thủy sản rất thấp do không tiêu thụ được, nhiều hộ sau vụ này bỗng chốc nợ nần chồng chất. Gia đình tôi cũng vậy, cũng nợ khoảng 3-5 tỷ đồng.
Có nhận được thông báo hỗ trợ, nhưng để chứng minh được con giống, chúng tôi phải có hóa đơn mua bán, quả thực việc này rất khó, bởi con giống hiện nay đa phần mua từ Trung Quốc, số ít mua trong nước thì cũng là các cơ sở tự phát nhỏ lẻ, mua bán trao đổi không có hóa đơn.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngành chức năng cần có giải pháp để bà con ngư dân bớt rủi ro hơn khi đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, nhất là nhuyễn thể.
Được biết, ngành nông nghiệp địa phương nhiều lần cảnh báo về việc người dân mua con giống trôi nổi, tạp nham, phần lớn nguồn giống được bà con nhập từ các tỉnh khác và từ Trung Quốc đều kém chất lượng. Nhưng để xem xét lại toàn bộ quá trình nuôi trồng hàu, người dân cũng không còn cách nào khác.
Thậm chí, ngay cả những tập đoàn lớn đang sản xuất nhuyễn thể công nghệ cao ở Quảng Ninh cũng gặp phải vấn đề tương tự trong khâu lựa chọn con giống.
Cty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) đang nuôi trồng, sản xuất diện tích lớn hàu Thái Bình Dương tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) là đơn vị đầu tiên đưa vào nuôi cấy giống hàu Thái Bình Dương, mỗi đợt thả giống, doanh nghiệp cần đến 10.000 chùm hàu để duy trì sản xuất.
Mặc dù công ty có khả năng tự nhân giống nhuyễn thể để sản xuất, tuy nhiên với diện tích nuôi trồng lớn ở nhiều địa phương, việc lựa chọn thu mua con giống từ một đơn vị uy tín được ưu tiên lựa chọn.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhung, đại diện BIM Group, chất lượng con giống rất quan trọng trong tổng thể quá trình sản xuất đến chế biến sản phẩm.
Trước đây, BIM đã phải thay đổi nhiều đơn vị cung ứng con giống do thiếu tính ổn định về chất lượng, có thể năm nay con giống khá tốt, nhưng năm sau thì ngược lại, làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng từng năm.
Các chuyên gia thủy sản cho rằng: Tình trạng chất lượng con giống ở thị trường Việt Nam chưa được coi trọng, thiếu nghiên cứu chuyên sâu về chủng loại. Đơn cử như hàu cửa sông, người dân hay cơ quan quản lý còn đang lúng túng để đưa ra danh từ đặt tên cho chúng.
Hiện, chỉ có thể gọi tên theo quan sát, nhìn nhận môi trường sống, chưa có bất kỳ xác minh về nguồn gốc. Chỉ đến khi xuất bán mới “ngã ngửa” có đến hai loại hàu cửa sông, một loại ruột trắng và một loại ruột vàng thì mới rỉ tai nên nuôi loại ruột trắng, bởi dễ tiêu thụ hơn so với loại còn lại.
Trước đây, người nuôi hàu tiêu thụ sản phẩm ở dạng thô (hàu vỏ) và ở thị trường trong tỉnh là chính. Hiện Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) ngoài tham gia nuôi còn thu mua và chế biến đóng gói sản phẩm hàu xuất cho các siêu thị ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... Ảnh: QMG.
Ngoài ra, chưa có quy chuẩn chất lượng nào cho các đơn vị sản xuất con giống trong nước, nếu không kiểm soát những đơn vị này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của cá nhân, doanh nghiệp khi đưa vào sử dụng. Tình trạng này còn đang gây khó khăn cho khâu tiêu thụ, thiếu tính ổn định về giá cả, khả năng cạnh tranh sau chế biến.
https://nongnghiep.vn/nghich-ly-o-vung-nuoi-nhuyen-the-lon-nhat-nuoc-d280160.html
Theo Anh Thắng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025
Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới