Thưa ông, những năm gần đây các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã tích cực chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, hoặc nuôi trồng thủy sản. Có ý kiến e ngại việc chuyển đổi rầm rộ sẽ nảy sinh phức tạp, ông nghĩ sao về điều này?
- Có thể nói Thông tư 19/2017 của Bộ NNPTNT đã góp phần tạo thuận lợi cho người nông dân trong quá trình sản xuất. Trước đây, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác không được phép vì lo ngại sau chuyển đổi sẽ nảy sinh phức tạp, gây nguy cơ mất an ninh lương thực. Do đó, đất lúa mặc định là chỉ trồng lúa.
Tuy nhiên khi trồng lúa không hiệu quả, càng làm càng lỗ, người dân không trồng lúa nữa và bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên rất lớn.
"Nhìn chung các địa phương kiểm soát tương đối tốt quá trình chuyển đổi. Với chủ trương mới, các địa phương đã xây dựng thành những khu sản xuất tập trung gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, chế biến hiệu quả".
Ông Lê Quốc Thanh
Căn cứ tình hình thực tế, Thông tư 19 ra đời và đã tạo cơ chế phù hợp với thực tiễn, là cơ sở quan trọng giúp người dân sử dụng đất lúa hiệu quả hơn, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhu cầu xã hội.
Thông tư cũng hàm chứa những nội dung linh hoạt, để khi cần quay lại làm đất lúa thì những diện tích chuyển đổi vẫn có thể hoàn trả.
Vừa qua vùng đồng bằng sông Hồng đã chuyển đổi rất hiệu quả, với các mô hình khá đa dạng như trồng cây ngắn ngày, cây dược liệu… Hay ở những vùng đất chân vàn cao, như Hưng Yên, Hải Dương, nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, hoa cây cảnh cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Khi đã đảm bảo an ninh lương thực thì việc chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn là bình thường. Đặc biệt là bây giờ chúng ta đã có máy móc rất hiện đại, rất sẵn, khi cần đến lúa gạo, người ta vẫn có thể đưa máy móc dễ dàng vào đồng ruộng, quay lại trồng lúa bình thường.
Quá trình chuyển đổi, một số địa phương phát sinh chuyển đổi tự phát, mọc lên các công trình phụ trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông, chúng ta có cần xây các công trình phụ này không?
- Nhiều nông dân khi đã chuyển đổi thì rất muốn tích tụ diện tích lớn, đồng thời muốn xây nhà kho, hay một số công trình khác trên đất canh tác. Tôi cho rằng điều này không nên và cần tuân thủ các quy định đã có.
Chúng ta có thể học hỏi nước ngoài, cánh đồng của họ rất rộng lớn nhưng họ tính toán, quy hoạch rất khoa học, không nhất định phải xây công trình phụ trên đất nông nghiệp. Đó là điều chúng ta cần tư duy, học hỏi, khắc phục bằng những giải pháp phù hợp hơn.
Hiện, hầu hết trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố đều phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia ở nhiều góc độ trong việc triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Chúng tôi tổ chức các diễn đàn, hội thảo, mô hình trình diễn để đưa vào địa phương các mô hình chuyển đổi thích hợp.
Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả không còn là manh nha ở vài nơi mà đã trở thành phong trào rầm rộ, hiệu quả ở nhiều địa phương.
Chúng tôi đánh giá chương trình chuyển đổi có tác động lớn đến việc đánh thức tiềm năng đồng ruộng, góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, tạo bước chuyển linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tái cơ cấu ngành và phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.
Như ông nói cơ chế chính sách là một trong những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất. Tuy nhiên, người nông dân muốn nâng cao thu nhập thì bản thân họ cũng phải chủ động mày mò, sáng tạo trên chính thửa ruộng của mình?
- Đúng như vậy. Chúng ta có cơ chế chính sách phù hợp, nhưng quan trọng là người nông dân cũng phải chủ động thay đổi tư duy, thay đổi phương thức làm ăn trên đồng đất của mình thì quá trình chuyển đổi mới phát huy hiệu quả.
Chưa bao giờ chúng ta có được những tiến bộ kỹ thuật, máy móc, bộ giống cây trồng tốt như hiện nay. Đặc biệt là chúng ta đang cơ bản đi theo định hướng thị trường, ở đâu cũng có sự vào cuộc từ các ban ngành đến doanh nghiệp, kết nối được giữa thị trường với sản xuất. Những yếu tố cộng dồn như thế đã tạo nên thành công trong chuyển đổi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn những diện tích chuyển đổi, không làm thay đổi bản chất kết cấu, hạ tầng... Đặc biệt là quản lý tốt công trình trên đất canh tác. Nếu để xảy ra thì sẽ rất khó xử lý.
Chúng ta hiểu rằng, mỗi mét đất phù sa vùng đồng bằng sông Hồng đều là tài nguyên quý, cần sử dụng và quản lý tốt. Có thể nay trồng cây này, mai trồng cây khác, nhưng nếu thành công trình hoá, đi kèm với những mục đích sử dụng khác thì sẽ dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực, thực phẩm, gây ra những vấn đề phức tạp khác.
Xin cảm ơn ông!
https://danviet.vn/nhung-cuoc-cach-mang-tren-dat-lua-kem-hieu-qua-bai-5-doi-moi-trong-tu-duy-sang-tao-tren-dong-ruong-20210517173259505.htm
Theo Minh Huệ (thực hiện)/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã