Sau 8 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật: Tiếp tục phát triển khá toàn diện trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2013-2019 đạt bình quân 2,64%/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 3,01%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2012 (năm trước khi có Đề án). Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt (từ 53,44% năm 2012 xuống 46,3% năm 2019), tăng tỷ trọng lĩnh vực thủy sản (từ 22,48% năm 2012 lên 25,1% năm 2019) và lĩnh vực lâm nghiệp (từ 2,69% năm 2012 lên 4,25% năm 2019).
Theo Bộ NN-PTNT, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, duy trì đà tăng trưởng, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Nội bộ từng ngành có cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng các sản phẩm có lợi thế và thị trường như: Tôm, rau quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản... Đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất, liên kết với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và đang ngày càng được mở rộng.
Từ những kết quả nổi bật trong sản xuất, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng nhanh, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2013-2020 đạt gần 279 tỷ USD, trung bình 34,88 tỷ USD/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 41,3 tỷ USD, gấp 1,52 lần so với năm 2012 và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Kế hoạch 5 năm (39-40 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD; tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, điều. Điều này thể hiện rõ giá trị sản phẩm nông – lâm – thủy sản đã được gia tăng mạnh.
Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, cả nước có 6.750 hồ chứa, với tổng dung tích khoảng 14,5 tỷ m3. Hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới cho khoảng 7,5 triệu ha lúa, đáp ứng 98% diện tích gieo trồng hàng năm.
Hàng năm, năng lực tưới tiêu các công trình thủy lợi tăng khoảng 15-20 ngàn ha. Nhiều công trình lớn đã và đang được đầu tư xây dựng như: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), hồ Bản Lải (Lạng Sơn), công trình thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang (Hà Tĩnh), hồ Bản Mồng (Nghệ An), hồ Mỹ Lâm (Phú Yên), hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận), hệ thống thủy lợi Tà Pao (Bình Thuận), hồ chứa nước Krông Pách Thượng và hồ EaHleo1 (Đăc Lắk), hồ Ia Mơr (Gia Lai), cống âu Ninh Quới (Bạc Liêu), đập Trà Sư-Tha La (An Giang), hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (Bến Tre), kênh Mây Phốp-Ngã Hậu (Trà Vinh), cống Cái Lớn-Cái Bé (Kiên Giang)... Xây dựng mới và nâng cấp trên 206.743 km đường giao thông, trung bình 20,5 nghìn km/năm...
Và một kết quả nổi bật khác mà mỗi người dân đều cảm nhận được của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại là thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Năm 2019, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 39,3 triệu đồng/người, gấp gần 2 lần so với năm 2012; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 20,1% (năm 2012 đạt 10,7%); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94%. Đến tháng 6/2020, cả nước có 5.157 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã, 9 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn; có 2 tỉnh và 127/664 đơn vị cấp huyện (18,8%) của 45 tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tính bền vững của nông nghiệp Việt Nam mà Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới được thể hiện rõ qua kết quả về môi trường nông nghiệp, nông thôn từng bước được cải thiện. Cụ thể là trong lĩnh vực trồng trọt, việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV có xu hướng giảm tác động xấu tới môi trường. Tỷ lệ thuốc BVTV sinh học được sử dụng có xu hướng tăng, từ khoảng 10% năm 2012 lên 20% năm 2020. Tỷ lệ phân bón hữu cơ được sử dụng cũng có xu hướng tăng, năm 2020 đạt khoảng 26,3%.
Trong chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi và thủy sản được kiểm soát khá tốt. Việc sử dụng chất cấm được xử lý nghiêm minh. Các cơ sở chăn nuôi ngày càng quan tâm tới xử lý môi trường. Năm 2019, tỷ lệ trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải cả nước ước đạt 94-95%.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hàng năm cả nước trồng mới trên 200 ngàn ha rừng và khoảng 50 triệu cây phân tán, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,85% năm 2019, năm 2020 ước đạt 42%, đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm đề ra (42%).
Để có được những kết quả nổi bật, toàn diện trên là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, bà con nông dân, cộng đồng các doanh nghiệp... dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh cây trồng vật nuôi, tiêu thụ nông sản đối mặt với rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt.
Nam Định là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và đạt nhiều thành tựu khá toàn diện. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của Nam Định tăng bình quân 2,7%/năm. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Năm 2020, ước giá trị sản phẩm thu được trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 172 triệu đồng/ha (tăng 43 triệu đồng/ha so với năm 2015). Đã hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi chủ yếu phát triển theo mô hình trang trại, gia trại và gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất thủy sản phát triển khá cả về nuôi trồng và khai thác: Tổng sản lượng năm 2020 ước đạt 176 nghìn tấn, tăng bình quân 7,6%/năm.
Theo Hà Công/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã