Ngày 11/3/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 339/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây được xem là cơ sở quan trọng để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tạo nên bước đột phá theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, khẳng định vị thế mới trong nền kinh tế nước ta.
Để làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, cũng như là các giải pháp, chính sách cụ thể để triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định 339 của Thủ tướng Chính phủ, 11 giờ sáng nay (18/3) Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến năm 2020, xuất khẩu thủy sản của nước ta đã đạt 8,6 tỉ USD. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đang còn gặp nhiều tồn tại, tiêu biểu như lĩnh vực khai thác, chúng ta vẫn đang phải rất nỗ lực để khắc phục “thẻ vàng” theo khuyến nghị của EC. Thứ trưởng đánh giá thế nào về ý nghĩa, tầm quan trọng của Quyết định 339 của Chính phủ đối với ngành thủy sản của chúng ta trong thời điểm hiện nay?
Trên cơ sở tổng kết giai đoạn vừa qua, có thể nói chiến lược thủy sản cho năm 2030 và năm 2045 là quyết định rất toàn diện. Chiến lược bao gồm 3 quan điểm, quán xuyến toàn bộ 3 không gian của ngành thủy sản Việt Nam, đây là căn cứ rất quan trọng cho 10 năm tới và tầm nhìn 2045.
Như chúng ta đã biết, năm 2017 EC đã rút "thẻ vàng" đối với thủy sản khai thác của Việt Nam, Ủy ban EC chỉ ra 4 vấn đề cần khắc phục.
Một là thể chế pháp luật, chuyển biến tích cực của chúng ta là đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối toàn diện trên cơ sở tham vấn của EC.
Thứ hai là tàu của chúng ta không vi phạm các quốc đảo. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm vấn đề này.
Thứ tư, là chúng ta đã nỗ lực truy xuất nguồn gốc thủy sản quyết liệt. Tuy nhiên, việc xử lý chưa đồng bộ, chưa đồng đều giữa các tỉnh, nên tính răn đe chưa hiệu quả.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng, đó là thông tin tuyên truyền về pháp luật thủy sản, cái này cần giải quyết tốt hơn. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền rộng rãi, hơn, qua đó nhân dân nói chung và ngư dân chấp hành tốt hơn việc khai thác cá theo quy định pháp luật về thủy sản.
Vâng, một trong những vấn đề mà ngành thủy sản đang tập trung tháo gỡ, đó là vấn đề gỡ “thẻ vàng”, chống khai thác đánh bắt IUU. Như Thứ trưởng đã đề cập thì ngành thủy sản dù gặt hái rất nhiều thành tựu trong những năm qua, nhưng chúng ta cũng đang đối mặt với những vấn đề lớn như cạn kiệt về nguồn lợi thủy sản. Vậy theo Chiến lược của ngành thủy sản tại quyết định mới mà Chính phủ vừa phê duyệt, chúng ta sẽ có những định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách nào để cải thiện những tồn tại này, thưa Thứ trưởng?
Về phần khai thác, hệ thống hạ tầng của chúng ta rất yếu kém, trong nhiều năm qua không được đầu tư, do đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ "thẻ vàng". Không có hạ tầng thủy sản, thì rất khó quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật về thủy sản.
Ngành khai thác thủy sản của chúng ta những năm qua tăng trưởng khá cao. Theo tài liệu nghiên cứu cho thấy, nguồn lợi thủy sản của chúng ta trước đây là 4,36 triệu tấn nhưng hiện nay đang suy giảm nhanh. Do đó, định hướng chung là giảm sản lượng khai thác từ 3,8 triệu tấn xuống 2,8 triệu tấn. Đi kèm với đó là phải ngắn với bảo tồn thủy sản.
Đi song hành với đó, chúng ta phải tổ chức một loạt giải pháp, phải định hướng đối tượng và định hướng theo vùng. Diện tích bảo tồn theo Nghị quyết 36 của Trung ương là 6% diện tích mặt nước, nhưng hiện nay mới chỉ đạt được 1,85%. Với tốc độ đô thị hóa như vậy, thì rất khó có thể làm công tác bảo tồn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chỉ đạo cấp hạn ngạch đội tàu, qua đó giảm cường lực khai thác. Và trong định hướng chúng ta sẽ giảm đội tàu công suất nhỏ, tăng đội tàu công suất lớn. Và khai thác thủy sản phải gắn với quốc phòng an ninh.
Về nuôi trồng, dư địa của chúng ta là rất lớn. Nuôi trồng không chỉ là ở nội đồng, mà chúng ta có không gian 1 triệu km2 biển, nếu chúng ta chỉ nuôi trồng 500.000km2 thôi thì sản lượng sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, để phát triển nuôi trồng thủy sản thì chúng ta cần chú trọng đến giống, vật tư nông nghiệp và hạ tầng thủy sản. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chế biến, phát triển thị trường.
Kèm với đó, chúng ta cần rà soát lại cơ chế chính sách để phát triển ngành thủy sản, qua đó sửa đổi, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tế, nhất là dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ngoài ra, cần phát triển thủy sản theo vùng. Các định hướng này đã được thảo luận ở các diễn đàn, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, các nhà khoa học. Qua đó được tiếp thu một cách rất cầu thị để trình Thủ tướng ban hành Đề án.
https://nongnghiep.vn/thu-truong-phung-duc-tien-tra-loi-truc-tuyen-ve-chien-luoc-phat-trien-thuy-san-d286422.html
Theo Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã