Nâng cấp vùng nuôi, nước nguồn ổn định, đầu vào đảm bảo… đều là những yếu tố sống còn với ngành thủy sản, nếu xé lẻ ra thì mọi nỗ lực sẽ thành công cốc. Hiểu rõ mối liên kết bền vững này, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, các cấp ngành chuyên môn đã nhập cuộc quyết liệt nhằm đảm đương tốt phần việc được giao.
Trong tương quan bức tranh chung, bật lên vai trò rõ nét của Sở NN-PTNT. Đơn vị này đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 21/8/2017 phê duyệt Kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 về Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030…
Nắm bắt tinh thần chỉ đạo, các đơn vị, địa phương liên quan đã kịp thời triển khai, qua đó thu được nhiều kết quả tích cực.
Đơn cử như công tác quan trắc môi trường và quản lý dịch bệnh, định kỳ hàng tháng, Chi cục Thủy sản với vai trò chủ trì đã phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc tiến hành lấy mẫu tôm nuôi, giáp xác ở kênh cấp, mẫu nước tại các vùng nuôi tập trung để kiểm tra chi tiết các chỉ tiêu, góp phần giúp các hộ nắm bắt thông tin, tạo lập được thế chủ động cần thiết.
Để hoàn thành mục tiêu giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tạo sản phẩm chất lượng, ngành đã tập trung cho công tác tuyên truyền, triển khai rộng khắp “quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh và hạn chế hoá chất”. Đáng chú ý, các hộ tham gia bắt buộc phải ký cam kết “không sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt trong nuôi tôm”, lời nói phải đi đôi với hành động.
Thông qua sự hỗ trợ của “Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” nét tươi mới xuất hiện tức thì, nổi bật hơn hết là sự hình thành của 7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học với tổng quy mô lên đến 240 ha. Chưa dừng lại ở đó, hầu hết các hộ dân đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định chung khi nói không với chất cấm, chất kháng sinh trong phòng trị bệnh cho các đối tượng nuôi.
Ở khía cạnh khác, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi tôm ngày càng được người nuôi quan tâm. Còn nhớ, 10 năm trước cách thức truyền thống là sự lựa chọn tất yếu thì nay đều cơ bản nhường chỗ cho quy trình, công nghệ tiên tiến (công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn...). Hàng loạt cơ sở khắp các vùng nuôi, trải dài từ Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai không ngại ngần đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, xây dựng hệ thống nhà kính hiện đại bậc nhất để đảm bảo thích ứng trong mọi điều kiện.
Nằm trong số những người nuôi tôm giỏi nhất đất biển Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Văn Khánh khẳng định chắc nịch: Nâng cấp hệ thống nuôi, áp dụng công nghệ cao chính là bước ngoặt mang tính then chốt.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có đến 72 cơ sở áp dụng mô hình nuôi tôm nhiều giai đoạn, 8 hộ nuôi tôm trong lồng nổi cho năng suất và sản lượng cao. Bấy nhiêu thôi cũng đủ chứng minh người dân đã sẵn sàng với sân chơi lớn.
Từ diễn biến thực tế lúc này, có thể khẳng định quá trình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản của Nghệ An đang tạo dựng được vị thế vững chắc, nhất là lĩnh vực giống mặn, lợ. Những con số thống kê dù khô khan nhưng đủ sức lột tả vấn đề, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8,77% đã nói thay tất cả.
Với việc làm chủ công nghệ sản xuất, ương dưỡng thành công giống các loại (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua, hàu, ngao và cá vược, hồng, mú, chim…), số đông chuyên gia nhìn nhận Nghệ An là Trung tâm giống thủy sản mặn, lợ của khu vực Bắc Miền Trung, thậm chí là cả phạm vi phía Bắc.
Mọi thứ không đến một cách ngẫu nhiên, để tạo dựng được thành quả như hôm nay bắt nguồn từ sự hỗ trợ cần thiết của Nhà nước, của ngành trong công tác kêu gọi thu hút đầu tư, tất nhiên không thể thiếu vai trò của các cá nhân/tổ chức, những cá thể chính của sân chơi chung.
Đổi thay toàn diện là điều dễ hình dung, nếu như năm 2011 tổng công suất thiết kế của các cơ sở trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 1.000 triệu con/năm thì đến năm 2020 đã nâng lên 3.500 triệu con/năm. Số lượng giống sản xuất, ương dưỡng năm 2020 đạt 2,109 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 1,898 tỷ con, tôm sú 0,211 tỷ con), bằng 231,76% so với năm 2011. Trong đó, 2 đơn vị sản xuất, ương dưỡng chủ lực là Công ty TNHH Việt Úc và Công ty TNHH Hải Tuấn.
Bên cạnh mặt hàng truyền thống có nhiều thế mạnh, thủy sản Nghệ An cũng đặt mục tiêu chủ động sản xuất giống nhuyễn thể. Lần mò từng bước rồi cũng cho quả ngọt, ấy là khi cơ sở tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu đặt viên gạch đầu tiên bằng việc nhân tạo thành công giống Ngao Bến Tre khó tính vào năm 2013. 6 năm sau, trại sản xuất giống thủy sản Quỳnh Liên (Trung tâm giống thủy sản Nghệ An) cũng gây tiếng vang lớn với Hàu Thái Bình Dương.
Duy trì tốc độ lớn mạnh không ngừng, hiện cả 2 cơ sở đều làm chủ hoàn toàn quy trình công nghệ sản xuất giống, hàng năm phân phối ra thị trường khoảng 6 triệu con hàu cám, trên 2 triệu con ngao cám.
https://nongnghiep.vn/thuy-san-nghe-an-moi-truong-on-dinh-gop-phan-cho-thanh-cong-lon-d306535.html
Theo Việt Khánh - Võ Dũng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã