Tuy nhiên sau khi được cán bộ kỹ thuật của Công ty phân tích ý nghĩa của việc thực hiện những yêu cầu FSC giúp bảo vệ môi trường sống trong lành của chính người trồng rừng và bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên. Không những thế sản phẩm gỗ làm ra được thu mua với giá cao hơn vì đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao. Khi hiểu rõ vấn đề anh Kiên quyết định ký hợp đồng thực hiện tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC.
Anh Trần Văn Kiên cho biết: Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC sẽ gia tăng số ngày công lao động do phải trực tiếp làm cỏ, phát vén thực bì. Đổi lại sau khoảng 1 - 2 năm lớp thực bì đó sẽ hoai mục, tạo độ tơi, xốp cho đất nên cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh hơn. Gia đình vừa khai thác hơn 2 ha rừng keo trồng theo tiêu chuẩn FSC, thu lãi 160 triệu đồng, cao hơn khoảng 30 triệu đồng so với trồng thông thường. Hiện gia đình anh Kiên có hơn 30 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10-15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15 – 20% nên gia đình rất phấn khởi vì lợi cả đôi đường.
Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết: Hiện trên địa bàn xã có hơn 300 hộ dân tham gia liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC tại địa phương góp phần nâng cao kiến thức của nhân dân về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, từ đó thu nhập của người trồng rừng cũng được nâng lên. Cùng với đó môi trường được bảo vệ tốt, hạn chế tình trạng thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Người dân xã Phúc Khánh (Bảo Yên) chăm sóc rừng trồng tiêu chuẩn FSC
Năm 2015, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên đã liên kết với hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn 15 xã, thị trấn của huyện thực hiện dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích trên 5.000 ha. Cơ cấu cây trồng chủ yếu là keo Úc, mỡ, bạch đàn và chăm sóc diện tích rừng tre, nứa. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện trồng rừng FSC. Để thực hiện thành công dự án, công ty đã mời chuyên gia khảo sát diện tích rừng, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng rừng. Tập huấn về quy trình trồng, chăm sóc, khai thác gỗ đạt kết quả cao. Hạn chế tổn hại môi trường, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của FSC. Đồng thời công ty thực hiện cung ứng cây giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ cho người dân.
Sau 2 năm thực hiện dự án, 5.730 ha rừng (3.000 ha rừng trồng gỗ và 2.730 ha rừng tự nhiên (cây có gióng: tre, nứa, luồng) của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên đã được Công ty GFA (đơn vị đánh giá và cấp chứng chỉ rừng tại Việt Nam được Hội đồng quản trị rừng quốc tế ủy quyền), công nhận đạt chuẩn và cấp chứng chỉ FSC. Theo đánh giá, sau khi tham gia dự án, chất lượng rừng được nâng lên rõ rệt, sản lượng gỗ tăng từ 2 - 2,5 lần so với trước đây, giá bán gỗ có chứng chỉ FSC tăng từ 15 – 20%/m3 (tăng từ 150 – 200 nghìn đồng/m3) gỗ so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45 - 50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8-10 năm). Để đầu ra sản phẩm ổn định, công ty đã liên kết với Công ty cổ phần Lâm sản Nam Định (đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu FSC sang thị trường các nước châu Âu) thu mua sản phẩm gỗ cho người dân.
Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: Nhằm tăng hiệu quả sản xuất, bên cạnh tiếp tục thực hiện quy trình quản lý rừng bền vững FSC, công ty đang triển khai thêm một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng trồng cây gỗ lớn. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa công nghệ mới vào sản xuất hỗ trợ người dân giảm các chi phí trong sản xuất và thu hoạch.
Thực hiện dự án Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (giai đoạn 2019 – 2030), tỉnh Lào Cai phấn đấu cấp chứng chỉ rừng cho 13 tổ chức nhà nước, 14 tổ chức khác, 3 nhóm hộ gia đình, hợp tác xã, với tổng diện tích trên 40.000 ha. Để triển khai thực hiện dự án, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, hộ gia đình hiểu rõ lợi ích của rừng trồng khi được cấp chứng chỉ; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho người trồng rừng; thành lập nhóm hộ để quản lý rừng bền vững, xây dựng kế hoạch cho từng hoạt động cụ thể trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; đồng thời tiến hành bổ sung, hiệu chỉnh các tiêu chí quản lý rừng bền vững đang thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam sang thực hiện theo tiêu chuẩn của FSC.
Tỉnh cũng tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ người trồng rừng trong cấp chứng chỉ. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, hình thành chuỗi sản phẩm từ rừng. Phát triển công nghiệp chế biến và thương mại gỗ, lâm sản ngoài gỗ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm từ rừng trồng.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đáp ứng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh. Qua đó nhằm phát triển kinh tế rừng hiệu quả, bền vững, vừa bảo vệ môi trường, giúp nâng cao thu nhập, lợi ích cho người trồng rừng và làm nghề rừng.
Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, do Hội đồng quản trị rừng quốc tế đã xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Để có được chứng nhận đạt chuẩn FSC, các nhà sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ rừng phải cung cấp và chứng minh bằng các hồ sơ, tài liệu chi tiết về: Nguồn gốc sản phẩm không nằm trong danh sách cấm; các chương trình đã triển khai và bản kế hoạch chi tiết về việc khai thác và trồng mới rừng; các chương trình hành động nhằm đảm bảo lợi ích xã hội, môi trường và lợi ích cho người dân bản địa. Chứng nhận FSC có giá trị trong 5 năm và được chấp nhận trên quy mô toàn cầu bởi tính uy tín và xác thực của nó. |